Từng là người có tiếng trong giới mua bán đất khách sạn ở Nha Trang vì nắm nhiều sản phẩm có vị trí đẹp, anh Phú cho biết mấy tháng nay đã chuyển hẳn sang mảng đất nền và căn hộ.
Giảm giá 20-30% vẫn không có người mua
Anh Phú lý giải, thời điểm trước dịch Covid-19 đất để xây khách sạn ở Nha Trang là một món hàng "hot" thật sự.
“Giai đoạn 2016-2018, nếu một sale bất động sản gom được mảnh đất rộng từ 150-300 m2 ở trung tâm TP Nha Trang thì có thể kiếm hàng trăm triệu tiền môi giới, hoa hồng. Bởi đất diện tích lớn xây được khách sạn cao tầng lúc đó rất sốt. Người có tiền chỉ cần đất rộng, vị trí gần biển để xây khách sạn, còn lại ít quan tâm giá cả cao thấp nên giá trị bị đẩy lên rất cao”, anh Phú thổ lộ.
Nhiều tờ rơi rao bán khách sạn và đất khách sạn ở Nha Trang. Ảnh: An Bình. |
Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 bùng phát thì tình hình ngược lại. Hiện, tỷ lệ người bán khách sạn, đất khách sạn ở Nha Trang nhiều hơn người đi mua.
Anh Hoàng Văn Tiến (ngụ Hà Nội) cho biết đầu năm 2021, anh quyết định bán khách sạn vì không còn khả năng cầm cự thêm.
“Khách sạn tôi đưa vào sử dụng giữa năm 2020. Lúc đó để xây dựng, gia đình phải vay ngân hàng 50 tỷ đồng. Khi dịch lần 2 ập đến cũng là lúc khách sạn vừa đưa vào sử dụng. Công suất phòng nhiều tháng không quá 10%, việc kinh doanh khó khăn khiến mình phải bán để bù lỗ và lãi vay ngân hàng lâu nay”, anh Tiến cho biết.
Khách sạn của anh Tiến cao 21 tầng, cách biển khoảng 100 m chỉ có giá 85 tỷ đồng. "Trước dịch vị trí của khách sạn của tôi không dưới 120 tỷ, giá hiện nay đã giảm rất sâu nhưng vẫn khó bán”, anh Tiến cho hay.
Liên lạc với người tên H. đang rao bán khách sạn trên đường Trần Quang Khải, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang. Anh này cho biết khách sạn của mình sắp hoàn công nhưng quyết định bán để bù tiền lỗ và tiền vay ngân hàng.
“Công ty có 2 khách sạn ở Nha Trang, nhưng vì dịch nên kinh doanh cầm chừng. Khách sạn kia đầu năm đến nay chỉ hoạt động khoảng 15% công suất. Cái còn lại sắp hoàn công chúng tôi buộc phải bán để trang trải và bù lỗ cho khách sạn còn lại cũng là để cầm cự chờ thị trường du lịch khởi sắc”, anh H. nói và cho biết khách sạn của mình cao 20 tầng, có 70 phòng nhưng chỉ rao bán giá 90 tỷ, có thương lượng.
Anh H. cũng cho biết mình rao bán khách sạn 10 ngày nay mà chưa có khách hàng nào đến hỏi mua.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, đến nay đã có khoảng 100 khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn xin tạm ngưng hoạt động. "Các chủ cơ sở này cho biết họ tạm ngưng hoạt động để giảm chi phí, cắt lỗ và để chờ thị trường du lịch ấm dần lên mới hoạt động trở lại", bà Thanh cho biết.
Thời điểm để tái cấu trúc phân khúc nghỉ dưỡng
Theo một số môi giới bất động sản, khách sạn được rao bán ở Nha Trang có đủ các phân khúc từ nhà nghỉ đến tiêu chuẩn 3, 4 sao. Nhưng nhiều nhất vẫn là phân khúc khách sạn 2 sao, nhà nghỉ. Những sản phẩm ở phân khúc này có giá dao động 10-30 tỷ đồng.
Một số chủ khách sạn ở Nha Trang dán tờ rơi cho thuê khách sạn. Ảnh: An Bình. |
“Nhiều người ít vốn nhưng cầm cố bất động sản vay ngân hàng xây nhà nghỉ, khách sạn. Nay thị trường du lịch đóng băng nên tiền gốc và lãi ngân hàng lớn, không cầm cự được phải rao bán. Phân khúc này giá rất mềm và giảm tới 30% giá trị so với thời điểm trước dịch, nhưng cũng ế ẩm”, một môi giới cho hay.
Qua khảo sát thì các khách sạn đang được rao bán tập trung ở các phường như: Lộc Thọ, Tân Lập, Xương Huân, Vĩnh Hòa. Đây là những phường nằm sát biển và từng là những khu vực tập trung đông du khách nhất của TP Nha Trang.
Trao đổi với Zing, ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết khó khăn về kinh tế, để cắt lỗ, giảm chi phí nên các chủ khách sạn, cơ sở lưu trú rao bán khách sạn là điều không thể tránh khỏi.
Theo ông Hoàng, giai đoạn 2015-2019 là thời kỳ hoàng kim của nghành du lịch và bất động sản Nha Trang. “Du lịch giai đoạn đó phát triển mạnh nên không ai bán khách sạn vì tần suất khai thác phòng, dịch vụ quá tốt”, ông nói.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay thị trường du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên lượng khách quốc tế bị cắt đứt và khách nội địa lưu trú nhỏ giọt, trong khi chi phí để vận hành các khách sạn lại rất lớn. Lúc này buộc các chủ khách sạn, cơ sở lưu trú phải bán bớt hoặc chu thuê sang nhượng để giảm áp lực về kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, nếu nhìn ở góc độ thị trường thì việc rao bán khách sạn là quy luật tự nhiên, diễn ra thường xuyên. "Còn nhìn ở góc độ tích cực thì việc ồ ạt rao bán khách sạn dịp này là thời điểm tốt để sàng lọc, tái cấu trúc lại phân khúc nghỉ dưỡng mà lâu nay đang bị thả nổi", ông Hoàng nhìn nhận.
(Theo Zing)