Tại tọa đàm “Tác động của ô nhiễm không khí đến kinh tế và các chính sách giảm thiểu” sáng 14/11, PGS.TS Đinh Đức Trường, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã công bố công trình nghiên cứu về thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tại Việt Nam năm 2018.

{keywords}
Chất lượng không khí tại các đô thị lớn tại Việt Nam ngày càng ở ngưỡng nguy hại

Theo ông Trường, kết quả nghiên cứu này trên cơ sở kết nối giữa mức ô nhiễm với mức độ phơi nhiễm với rủi ro bệnh tật hoặc tử vong. Thiệt hại do ô nhiễm không khí được tính trên cơ sở đo lường tổng thu nhập bị mất do chết trước tuổi kỳ vọng vì ô nhiễm không khí và đo lường mức độ chi trả của xã hội cho giảm rủi ro tử vong từ ô nhiễm không khí.

Căn cứ trên những số liệu và phương pháp, các nhà khoa học của ĐH Kinh tế quốc dân ước tính thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 là từ 10,82-13,63 tỷ USD (tương đương từ 240.000 tỷ đồng) trở lên, tương đương 4,45-5,64% GDP năm 2018.

Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt trong thời gian gần đây. Năm 2019, xu hướng ô nhiễm không khí gia tăng với tần suất ô nhiễm tăng đáng kể.

Ô nhiễm không khí diễn ra liên tục ở Hà Nội suốt từ cuối tháng 8 đến nay với nhiều đợt ô nhiễm dài ngày, có thời điểm lên ngưỡng nguy hại - ngưỡng nguy hiểm nhất trong ô nhiễm với khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xác định bởi nhiều nhóm nguyên nhân như giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rơm rạ. Tuy nhiên, đến nay thành phố chưa thực hiện kiểm kê khí thải để xác định chính xác vai trò của từng nguồn ô nhiễm.

Gần đây nhất, Bộ TN&MT đã tổ chức hội thảo với các bộ ngành liên quan để truy tìm nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng chất lượng không khí ngày càng ở mức báo động nguy hại.

Sương mù kín đặc 'vây' Sài Gòn, báo động ô nhiễm ở mức nguy hiểm

Sương mù kín đặc 'vây' Sài Gòn, báo động ô nhiễm ở mức nguy hiểm

 Suốt buổi sáng đến trưa nay, khắp nơi ở Sài Gòn mịt mù trong màu trắng đục.

Thái Bình