Theo thống kê của Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT, Công an Hà Nội), trong 3 ngày qua, đơn vị đã lập biên bản, xử phạt hơn 20 trường hợp ô tô đi vào làn dừng xe khẩn cấp đường Vành đai 3 trên cao.
Mỗi trường hợp vi phạm bị lập biên bản xử phạt đến 6 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe 3 tháng.
Trên các diễn đàn về giao thông, nhiều người ủng hộ việc tăng cường xử phạt của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, cũng có nhiều người “kể khổ” khi hàng ngày phải chịu cảnh ùn tắc trên tuyến đường này.
Nghìn lẻ một lí do để đi vào làn dừng xe khẩn cấp
Sau khoảng 30 phút lập chốt xử lý ô tô đi vào làn dừng xe khẩn cấp ở đường Vành đai 3 trên cao (Hà Nội), Tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT, Công an Hà Nội) liên tục phát hiện xe vi phạm.
Đối tượng vi phạm đủ loại gồm: Lái xe ô tô con, xe khách, xe tải… xe biển trắng, xe biển xanh (không thuộc loại ưu tiên). Mỗi lái xe vi phạm đều có sẵn lí do để phân bua với lực lượng CSGT.
Tài xế Đ.M.Q. (Thanh Xuân, Hà Nội) điều khiển ô tô mang biển kiểm soát 30G- 120.XX giải thích, vì gia đình có việc gấp nên bất đắc dĩ mới đi vào làn dừng khẩn cấp.
“Tôi nhận thức được làn đường đó dành cho các xe ưu tiên, khi bị sự cố mới được đi vào nhưng do quá vội nên mới vi phạm. Sau lần bị xử phạt này tôi sẽ rút kinh nghiệm”, tài xế Q. nói.
Mặc dù không trong giờ cao điểm, đường Vành đai 3 trên cao thông thoáng nhưng nhiều lái xe vẫn trình bày do ùn tắc nên vi phạm.
Tài xế Hinh, điều khiển ô tô khách loại 30 chỗ chạy tuyến Thái Bình – Sơn Tây (Hà Nội) phân bua với Tổ công tác, do đường quá đông nên vi phạm để kịp chuyến.
“Đã là người lái xe thì ai cũng nắm được đi vào làn dừng xe khẩn cấp là sai nhưng do đường quá đông nên chúng tôi buộc phải đi vào cho nhanh”, tài xế Hinh trình bày.
Lái xe N.V.H. điều khiển xe 16 chỗ tự nhận, đó là thói quen xấu của người tham gia giao thông khi cứ thấy chỗ nào trống là đi vào.
Theo Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT, Công an Hà Nội), việc đi vào làn dừng xe khẩn cấp là hết sức nguy hiểm.
“Hành vi này dễ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng cho các xe gặp sự cố đang dừng, đỗ trong làn dừng khẩn cấp để chờ cứu hộ. Các xe chạy vào làn dừng khẩn cấp sẽ cản trở, gây khó khăn cho các phương tiện ưu tiên đi làm nhiệm vụ như cứu hỏa, cấp cứu, CSGT đi xử lý tai nạn khi có sự cố xảy ra trên cao tốc”, Thiếu tá Trần Quang Chinh cho biết.
Quá tải hạ tầng nên nảy sinh vi phạm?
Tuyến đường Vành đai 3 trên cao là trục đường xuyên tâm quan trọng bậc nhất Hà Nội, với gần 20km, nối cầu Thanh Trì và cầu Thăng Long.
Tuyến đường trên cao này, thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc vào giờ cao điểm. Đặc biệt, trong các kì nghỉ lễ, tuyến Vành đai 3 trên cao thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ từ sáng sớm đến đêm khuya.
Cá biệt, trong kì nghỉ lễ 2/9 vừa qua, liên tiếp trong 4 ngày nghỉ lễ, phương tiện ô tô đi lại khó khăn ngay từ 6h30 đến 23h.
Tháng 5/2020, qua đếm lưu lượng trên đường Vành đai 3 trên cao, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đường Vành đai 3 trên cao đã quá tải 2,5 lần. Đến nay, lượng ô tô liên tục tăng, tình trạng ùn tắc trên tuyến đường này cũng gia tăng.
Anh Nguyễn Khang (Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng, không cổ xúy cho hành vi đi vào làn dừng xe khẩn cấp nhưng vì đường thường xuyên ùn tắc, dù là cao tốc nhưng chỉ đi được khoảng 30- 40km/h thì cũng khó chấp hành.
Còn anh Nguyễn Hiếu (Thanh Hóa) cho hay, nếu lực lượng chức năng giải quyết được tình trạng ùn tắc trên tuyến đường này, tình trạng đi vào làn dừng xe khẩn cấp sẽ tự hết.
“Tôi đi từ Linh Đàm (Hoàng Mai) đến Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy) mà mất 2 giờ không đến được chỗ làm thì buộc phải vi phạm”, anh Hiếu bày tỏ bức xúc.
Theo lực lượng Cảnh sát giao thông, việc ô tô gia tăng quá nhanh khiến hạ tầng không theo kịp, tuy nhiên, vì lí do đó người tham gia giao thông không tuân thủ luật là khó chấp nhận. Không tuân thủ các quy định khi đi trên cao tốc cũng là lí do gây ùn tắc giao thông, khiến công tác điều tiết, phân luồng giao thông càng thêm khó.