Chiếc ô tô điện Wuling HongGuang Mini EV sẽ có buổi ra mắt vào sáng nay, 29/6, trở thành tâm điểm thảo luận trên nhiều cộng đồng xe ở Việt Nam suốt hơn một tuần qua, nhất là khi giá bán được đồn đoán lên tới 265 triệu đồng. 

Ngoài Wuling "nổ phát súng" chính thức mở màn cho phân khúc ô tô điện hoàn toàn mới tại Việt Nam là microcar (ô tô siêu nhỏ), thì thị trường đã và sắp manh nha thêm nhiều mẫu xe gia nhập nhóm xe này. Người Việt đã bắt đầu liên tưởng đến "làn sóng" xe máy Trung Quốc giai đoạn những năm 2000, góp phần giảm giá xe máy Nhật trong nước.

Wuling HongGuang Mini EV đang nhận được nhiều sự quan tâm từ người Việt.

Sự đổ bộ của ô tô điện Trung Quốc

Thực tế, ô tô điện mini đã vào Việt Nam từ những năm 2014-2015 theo diện nhập khẩu không chính thức. Thời điểm đó, mẫu xe có tên Dolphin mang kiểu dáng hình hộp, chở được hai người đã xuất hiện ở Hà Nội với giá chỉ khoảng 70 triệu đồng.

Chiếc xe trông như đồ chơi nhưng đủ các trang bị như một chiếc ô tô du lịch thông thường, gồm: đèn pha đôi, 4 bánh hơi không săm, bảng đồng hồ tốc độ, điều hoà 2 chiều, đầu đĩa FM/CD/MP3. Quãng đường di chuyển của xe khoảng 60km một lần sạc. Tuy nhiên xe không thể đăng ký, đăng kiểm và được mua để chạy trong trang trại hoặc khu vực khép kín.

Sau chiếc Dolphin, ô tô điện mini không đăng ký lưu hành vẫn tìm đường về Việt Nam. Đến nay, trên nhiều trang mạng vẫn có người quảng cáo, đăng bán ô tô điện giá chỉ tương đương chiếc xe Honda SH150i (90-100 triệu đồng) và vẫn có khách sẵn sàng mua để thoả mãn cảm giác “che mưa nắng”.

Hồi tháng 2 vừa qua, dù không mang vào xe giá rẻ nhưng nhà phân phối thương hiệu Haima của Trung Quốc cũng nhập cuộc chơi ô tô điện với mẫu MPV điện 7X-E. Đến nay, giá xe chưa được công bố nhưng nhiều khả năng không hề rẻ khi giá tại Trung Quốc đã tương đương trên 900 triệu đồng. 

Haima 7X-E được phát triển dựa trên thiết kế của mẫu MPV Haima 7X với chiều dài 4.815mm và ghế ngồi kiểu 2+2+3. Bên trong xe khá hiện đại khi sở hữu 2 màn hình 12,3 inch, nhiều tiện nghi và đầy đủ các tính năng an toàn và hỗ trợ người lái. Xe có thể di chuyển với quãng đường 510 km sau mỗi lần sạc. 

Trước đó, vào tháng 12/2022, mẫu xe ô tô điện Honri Boma của Trung Quốc đã được đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam cho thấy sự chuẩn bị kế hoạch mở bán cụ thể.

Ô tô điện Honri Boma.

Chiếc ô tô điện này có vẻ ngoài được ví như xe Toyota Alphard thu nhỏ với kích thước dài x rộng x cao lần lượt là 3.517 x 1.495 x 1.660 mm. Bên trong trang bị tiêu chuẩn ở mức xe giá rẻ. Honri Boma có động cơ là mô-tơ điện có công suất tối đa chỉ 30 kW (khoảng 41 mã lực) và mô-men xoắn cực đại 84 Nm, thích hợp di chuyển trong đô thị.

Một số thương hiệu ô tô tiếng tăm của Trung Quốc như MG, Chery cũng đang lên kế hoạch bán xe điện tại Việt Nam với dải sản phẩm từ giá rẻ cho đến mẫu cao cấp, chưa kể đã có nhà phân phối tư nhân bán mẫu Hongqi E-HS9 từ đầu năm 2022. Qua đó cho thấy sự đổ bộ của ô tô điện Trung Quốc đã bắt đầu và sẽ dần sôi động.

Dự cảm khó khăn ban đầu không ít

Trước mức giá bán được đồn đoán của Wuling HongGuang Mini EV có thể lên đến 300 triệu đồng, nhiều người đang có nhu cầu mua ô tô cảm thấy chưa sẵn sàng, thậm chí so sánh với xe chạy xăng.

Anh Tô Quốc Đạt (Hà Đông, Hà Nội) thẳng thắn nhận xét: "Nếu giá xe từ 250 - 300 triệu đồng thì tôi mua ngay một số xe cũ đời cao 2018, 2019 như KIA Morning, Hyundai Grand i10, Vinfast Fadil chứ tội gì mua ô tô điện mini Trung Quốc. Hơn nữa loại xe này chỉ chạy loanh quanh trong phố, không thể đi xa, đi cao tốc thì khó thuyết phục gia đình chưa có ô tô chọn mua bởi giá đắt".

Đối với anh Lưu Trọng Hiếu, chủ nhãn hàng Xe đạp gia đình (Long Biên, Hà Nội), việc chọn mua ô tô điện còn là vì thích khám phá công nghệ thông minh mới chứ không đơn thuần chỉ là phương tiện di chuyển. 

"Tôi đang chạy một chiếc KIA Sorento và vừa mới nhận xe điện Vinfast e34 sau một năm chờ đợi. Tôi mua thêm ô tô điện ngoài ý nghĩa muốn bảo vệ môi trường thì còn thích sự thông minh trên xe, với khả năng kết nối và dễ dàng nâng cấp phần mềm. Xe Vinfast đáp ứng được nhu cầu này. Vì thế để chọn một chiếc xe điện chỉ đơn thuần mang kiểu dáng ô tô như Wuling, không có tính năng lái thông minh hay công nghệ Al thì đó không phải lựa chọn của tôi", anh Hiếu nói.

Vợ chồng anh Lưu Trọng Hiếu bên chiếc ô tô thứ hai mới mua là Vinfast e34.

Trong khi đó, anh Nguyễn Xuân Đạt (chuyên kinh doanh ô tô cũ trên phố Trần Vỹ, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng ô tô xăng Trung Quốc vốn đã khó thuyết phục phân khúc khách hàng cao hơn bởi định vị giá xe ban đầu rất thấp, thì ô tô điện sẽ càng khó tìm chỗ đứng nếu không rẻ như ở đất nước sản xuất ra nó.

Anh Đạt khẳng định chắc nịch: "Xe điện nhỏ như Wuling không có gì ngoài động cơ điện và vỏ che mưa nắng mà giá như KIA Morning cũ sẽ rất khó bán. Với vai trò dân buôn xe như tôi đã nhìn thấy mua rồi khó có cửa bán lại trừ khi giảm một nửa giá trị thì may ra kiếm được khách. Tôi dự cảm mẫu xe này sẽ khó có chỗ đứng cụ thể".

Tay đua xe ô tô chuyên nghiệp nổi tiếng Vinh Nguyễn (Nguyễn Hồng Vinh) cho rằng với kích thước nhỏ như Wuling HongGuang không phải là ô tô mà là một phương tiện di chuyển kiểu mới. Bên cạnh đó, việc chỉ chạy được khoảng cách trên 100km, tốc độ tới 70-80km/h, không có sạc nhanh đã bó buộc chiếc xe này hoạt động trong phạm vi ngắn.

 “Xe này hợp với phụ nữ, sinh viên đi lại thay cho xe máy. Sẽ có người mua khi giá dưới 200 triệu đồng, nhưng lên đến 300 triệu thì rất khó bán”, anh Vinh nhận xét.

Ngoài các ý kiến cho thấy "độ khó" của ô tô điện mini Trung Quốc khi bán tại Việt Nam, theo ông Trần Minh Thao, Giám đốc Công ty CP Thái Bình Hưng Thịnh (Thái Hưng), một đơn vị cũng sắp tung ra thị trường loại ô tô điện cỡ nhỏ, nhận định tiềm năng cho loại xe này vẫn có, nhưng chưa thể nhanh.

"Nghiên cứu độc lập của công ty chúng tôi, giai đoạn bùng nổ thị trường ô tô Việt Nam sẽ vào năm 2030 và lúc đó mới xảy ra làn sóng mua ô tô như xe máy thập niên đầu thế kỷ 21. Vì thế, ô tô điện cũng nằm trong xu thế mua sắm, nhưng tiến trình nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Để nói xe điện bùng nổ ngay từ năm sau thì chưa, nhưng nó sẽ phát triển dần dần", ông Thao nói.

Thực tế ô tô ở Việt Nam hiện có mức giá cao nhất nhì khu vực với gánh nặng thuế phí thì nó vẫn được coi là tài sản lớn, là mơ ước của nhiều người. Khi chiếc rẻ nhất thị trường ô tô Việt Nam là mẫu KIA Morning bản số sàn đã tiêu tốn gần 400 triệu đồng để có thể lăn bánh trên đường, thì với giá không dưới 300 triệu đồng, sẽ còn nhiều rào cản với những chiếc ô tô điện mini như Wuling Hongguang khi gia nhập thị trường.

Bạn có bình luận thế nào về tương lai của các ô tô điện mini tại Việt Nam? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!