Ô tô điện Wuling HongGuang Mini EV đang là tâm điểm thảo luận trên nhiều cộng đồng xe ở Việt Nam bởi mức giá bán cực rẻ tại Trung Quốc, chỉ từ 32.000 - 100.000 nhân dân tệ (từ 113 - 346 triệu đồng). Việc Công ty cổ phần ô tô TMT, một đơn vị chỉ chuyên sản xuất và kinh doanh xe tải tuyên bố bắt tay với đối tác Trung Quốc lắp ráp mẫu xe này càng dấy lên hoài nghi về khả năng thành công của chiếc xe tới đây.
Manh nha thị trường xe điện mini giá rẻ
Thực tế, ô tô điện mini đã vào Việt Nam từ những năm 2014-2015 theo diện nhập khẩu không chính thức.
Anh Nguyễn Danh Sơn, một người kinh doanh xe máy điện trên phố Bà Triệu được biết đến là người đã mang chiếc ô tô điện mini đầu tiên về Việt Nam vào năm 2015. Đây là mẫu Dolphin có kiểu dáng hình hộp, chở được hai người. Thương hiệu gắn trên xe vẫn nguyên gốc chữ Trung Quốc ở phía đuôi.
Ngay sau đó, chiếc xe đã tạo nên sự quan tâm đặc biệt của người Việt khi có giá chỉ khoảng 70 triệu đồng. Xe tuy nhỏ nhưng có đầy đủ các trang bị của một chiếc ô tô du lịch thứ thiệt gồm: đèn pha đôi, 4 bánh hơi không săm. Nội thất bên trong đầy đủ các tiện ích như bảng đồng hồ tốc độ, điều hoà 2 chiều, đầu đĩa FM/CD/MP3. Trái tim của chiếc xe là hai động cơ điện, công suất 3kw, cho tốc độ cực đại 45km/h và quãng đường di chuyển khoảng 60km một lần sạc.
“Ngay khi xem xe và giá bán, có tới hơn 20 người đặt mua nhưng phần lớn xe chỉ đi trong trang trại hoặc khu đất riêng vì không đăng ký được”, anh Sơn chia sẻ.
Sau chiếc Dolphin, ô tô điện mini không đăng ký lưu hành vẫn tìm đường về Việt Nam. Nhiều người sẵn sàng bỏ số tiền tương đương chiếc xe Honda SH150i (90-100 triệu đồng) để thoả mãn cảm giác “che mưa nắng”.
Anh Nguyễn Quang Tuấn, một người dân sống ở Hưng Yên đã mua chiếc ô tô điện Trung Quốc giá 85 triệu đồng cho biết, những ngày mưa gió, hay trời đông lạnh lẽo, anh vẫn chở vợ con trên đường làng, đi thăm nhà ông bà. Rõ ràng, cảm giác đi một chiếc xe nhỏ gọn, che mưa che nắng và đa dụng thích hơn là đi xe máy. Nhà rộng có chỗ sạc, giá xe rẻ chính là yếu tố khiến anh Tuấn quyết định mua, nhưng anh không dám chạy xe ra quốc lộ vì sợ bị CSGT xử phạt, thu xe.
Gần đây, một cơ sở kinh doanh tư nhân tại Hà Đông, Hà Nội cũng đã nhập xe ô tô điện mini xuất xứ Trung Quốc với mục đích thăm dò thị trường. Tuy nhiên, do nhập không chính thức, lô xe này đang được cất kho.
Theo thông tin VietNamNet tìm hiểu, dự kiến tuần này, một doanh nghiệp thương mại ở TP.HCM cũng sẽ ký kết hợp tác với một đối tác lớn ở Trung Quốc để nhập khẩu và phân phối ô tô điện mini.
Năm 2021, chiếc ô tô điện Cevo 2 chỗ ngồi của Hàn Quốc đã từng được trưng bày tại một cuộc triển lãm về cơ khí ô tô tại Hà Nội để tìm kiếm đối tác sản sản xuất và phân phối ở Việt Nam.
Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện hãng Cevo cho hay, ô tô điện mini nhắm đến khách hàng chính là giới trẻ, người có thu nhập thấp muốn thay thế xe máy sang phương tiện an toàn hơn để di chuyển quãng ngắn, chủ yếu trong nội đô. Nếu bán tại Việt Nam, ô tô điện Cevo sẽ hướng đến giá từ 200 triệu đến 240 triệu đồng.
Tại Hàn Quốc, mẫu xe điện Cevo 2 được chính phủ trợ giá nên giá xe đến tay khách hàng giảm còn khoảng 150 triệu đồng (giá quy đổi sang tiền đồng).
Rào cản không ít
Trong bối cảnh giá ô tô Việt Nam được đánh giá ở mức cao nhất khu vực với gánh nặng thuế phí chồng chất thì việc xuất hiện một mẫu ô tô điện mini giá siêu rẻ sẽ tạo ra sức hút khổng lồ với người dùng.
Đặc biệt, dù mức sống của người dân Việt Nam đã cao hơn giai đoạn trước nhưng tiếp cận ô tô vẫn là một phương tiện nằm ngoài tầm với của không ít người. Chiếc rẻ nhất thị trường ô tô Việt Nam là mẫu KIA Morning bản số sàn cũng đã tiêu tốn gần 400 triệu đồng để có thể lăn bánh trên đường.
Tuy nhiên, dựa trên giá bán của Wuling HongGuang ở Indonesia từ 397 triệu đến 476 triệu đồng (giá quy đổi sang tiền đồng), cộng với Việt Nam chưa có chính sách trợ giá ô tô điện như Trung Quốc hay Hàn Quốc, nhiều chuyên gia nhận định chiếc xe của Wuling có thể có giá không dưới 300 triệu đồng khi bán tới tay người Việt.
Với giá không dưới 300 triệu đồng, sẽ còn nhiều rào cản với chiếc xe này gia nhập thị trường.
Tay đua xe ô tô chuyên nghiệp nổi tiếng Vinh Nguyễn (Nguyễn Hồng Vinh) cho rằng với kích thước nhỏ như Wuling HongGuang, đây không phải là ô tô mà là một phương tiện di chuyển kiểu mới. Bên cạnh đó, việc chỉ chạy được khoảng cách trên 100km, tốc độ tới 70-80km/h, không có sạc nhanh đã bó buộc chiếc xe này hoạt động trong phạm vi ngắn.
“Xe này hợp với phụ nữ, sinh viên đi lại thay cho xe máy. Sẽ có người mua khi giá dưới 200 triệu đồng, nhưng lên đến 300 triệu thì rất khó bán”, anh Vinh nhận xét.
Cùng chung quan điểm với anh Vinh về giá bán, anh Phạm Thành Lê, admin diễn đàn chơi xe Otofun, nhận định thêm: “Khác với các khảo sát về lý do chọn xe ô tô này hay ô tô kia, thực tế thì đa phần người Việt thường mua xe ưu tiên hai yếu tố giá và kiểu dáng. Vậy nên, với chiếc Wuling HongGuang, việc có bán được hay không, phụ thuộc đầu tiên vào số tiền khách phải bỏ ra là bao nhiêu”.
Tâm lý của nhiều người dùng Việt Nam có xu hướng vừa muốn giá rẻ nhưng lại không chấp nhận chất lượng thấp hoặc quá kém trang bị tiện ích. Vì thế, chiếc ô tô điện mini Wuling HongGuang nếu thực sự đáp ứng được chất lượng, kiểu dáng chỉ có thể là lựa chọn "thêm trải nghiệm" của những gia đình đã có ô tô chạy xăng, dầu thay vì là lựa chọn sở hữu xe ô tô lần đầu.
Bên cạnh đó, mẫu xe có yếu tố xuất xứ Trung Quốc cũng khiến nhiều người dùng Việt Nam ngại ngần.
Anh Nguyễn Xuân Đạt (chuyên kinh doanh ô tô cũ trên phố Trần Vỹ, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, ô tô Trung Quốc hiện nay đã hấp dẫn hơn trước, nhưng sẵn sàng mua hay không thì ngoài giá bán còn phụ thuộc thị hiếu người dùng.
“Xe Trung Quốc khó thuyết phục phân khúc khách hàng cao hơn bởi định vị giá xe ban đầu đã rất thấp, theo thời gian sẽ không thể cải thiện nhanh dù bây giờ có những mẫu xe đắt không kém xe Châu Âu hay Nhật. Phải mất gần chục năm trở lại đây, những cái tên Zotye Z8 T700, BAIC Beijing X7, Brilliance V7, BAIC Q7,... mới khiến người Việt mở hầu bao nhờ thiết kế và trang bị ăn theo xe các hãng tên tuổi", anh Đạt nói.
"Với chiếc Wuling HongGuang mang thiết kế như xe đồ chơi, giá tương đương ô tô chạy xăng thì rất khó bán”, anh Đạt nói.
Nhìn rộng ra ở nhiều mặt hàng khác đến từ Trung Quốc, đi đôi với giá rẻ là chất lượng kém đã gây mất lòng tin cho khách Việt. Đó là lý do dẫn tới định kiến của đa số người dùng đối với ô tô Trung Quốc nói chung, nhất là khi ô tô là sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao và thông minh.
Thời điểm này, sẽ là quá sớm để nói về khả năng thành công hay thất bại của Wuling HongGuang và ô tô điện mini Trung Quốc trên đất Việt. Câu chuyện sẽ trở nên rõ ràng hơn vào quý II năm nay, khi TMT công bố giá bán và bắt đầu nhận đặt hàng.
Tuy nhiên, quá khứ 10 năm trước, trào lưu nhập xe đô thị giá rẻ của Ấn Độ, Trung Quốc rồi chết yểu nhanh chóng có thể là bài học cho những doanh nghiệp có tham vọng mang xe điện giá rẻ về chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Đình Quý