Đường vành đai 2 trên cao trong sáng 11/1, khi Hà Nội vừa tổ chức lễ thông xe để đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán. Dự án đoạn cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở bao gồm xây mới tuyến đường bộ trên cao dài hơn 5km và mở rộng tuyến đường dưới thấp dài 3,1km.
10h tại nút giao 3 tầng tại Giải Phóng, ôtô lưu thông trên cao không nhiều, trong khi bên dưới cảnh ùn ứ vẫn diễn ra ở mỗi nhịp đèn đỏ. Ở hướng ngược lại chưa có xe chạy do ở phía đầu đường, hệ thống rạp tổ chức sự kiện thông xe chưa được dỡ bỏ.
Tại nhánh xuống đoạn Ngã Tư Vọng cũng thưa vắng xe cộ.
Dự án vành đai 2 trên cao được khởi công từ năm 2008 với mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, nối liền ba quận trung tâm: Đống Đa, Thanh Xuân và Hai Bà Trưng. Đây là một trong những công trình giao thông huyết mạch quan trọng của Hà Nội.
Quá trình hoàn thiện dự án gắn với việc mở rộng tuyến đường bên dưới, đặc biệt là hai bên đường Trường Chinh, giúp giảm gánh nặng ùn tắc giao thông khu vực này.
Phía trên, bảng điện tử hiển thị tình trạng giao thông xuyên suốt tuyến về tới Ngã Tư Sở giúp các tài xế nắm bắt tình hình để có phương án ứng phó.
Trong buổi đầu tiên thông xe, cảnh tượng trái ngược xảy ra khi trên cao thông thoáng, bên dưới vẫn tắc nghẽn như thường nhật.
Theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải, việc di chuyển tại đường trên cao được chia hai chiều riêng biệt bằng dải phân cách cứng. Tốc độ khai thác tối đa cho phép trên cầu chính là 80km/h, trên cầu nhánh là 60km/h.
Toàn tuyến vành đai 2 Hà Nội theo quy hoạch có chiều dài hơn 43km, quy mô mặt cắt 50-72,5m. Tuyến đường chạy qua Vĩnh Tuy - Minh Khai - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Võ Chí Công - Trường Sa - Nguyễn Văn Linh - Vĩnh Tuy, tạo thành vành đai khép kín.
Phía nhánh lên đường trên cao hướng Ngã Tư Vọng đi Vĩnh Tuy vẫn được rào chắn, chưa đưa vào sử dụng trong sáng 11/1. Việc thông xe xuyên suốt đường vành đai 2 Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở sẽ góp phần giảm tải cho các điểm nóng ùn tắc giao thông lân cận đã nhiều năm qua.