Bài 1: Lưng còng, sức yếu, người già không lương hưu vất vả tự lực cánh sinh
Bà Trần Thị Loan là một trong số những người cao tuổi (NCT) còn tích cực lao động sản xuất ở xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Năm nay 69 tuổi, bà vẫn nhận công việc trông coi ủy ban xã, lại trồng 2 sào niễng và nuôi 100 con gà. Chồng bà thi thoảng vẫn làm thợ xây quanh nhà để kiếm thêm thu nhập.
Một ngày của bà Loan diễn ra khá tất bật với việc trồng trọt, chăn nuôi và phần lớn thời gian trông coi, làm các công việc tạp vụ ở ủy ban xã. Bà cho biết, thu nhập hiện tại của ông bà đủ chi tiêu, không phải nhờ vả đến con cháu.
Bà cho biết, nguồn thu nhập chính đến từ công việc thợ xây của ông và 2,5 triệu đồng từ công việc ở ủy ban của bà. Còn việc trồng niễng và nuôi gà vất vả nhưng thu nhập không đáng kể. “Người ta thu 7-8 triệu đồng/sào nhưng tôi năm nào cũng chỉ được 3-4 triệu cả 2 sào. Gà thì nuôi để ăn và cho con cháu là chính”.
Bà bảo làm nhiều vậy nhưng sức khoẻ ngày một yếu. Có hôm ra ruộng niễng, bà không tìm được đường lên bờ nhà mình.
Ở tuổi 60, bà Nguyễn Thị Dưỡng (xã Hương Gián, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) vẫn còn trẻ và khoẻ mạnh. Từ khi chồng bà mất cách đây 1 năm, bà sống một mình trong căn nhà 2 tầng rộng rãi, khang trang. Ba người con của bà đều đang làm việc ở Hà Nội, 2-3 tuần thay phiên nhau về thăm mẹ một lần.
Trước kia, hai vợ chồng bà làm ruộng nuôi các con ăn học. Có thời gian, ông bà cũng vào TP.HCM để làm công việc lao động tự do cho người nhà.
Hiện tại, bà không trồng lúa nữa vì thu nhập không đáng kể. Ngoài hỗ trợ tài chính từ các con, thu nhập của bà trông vào việc trồng rau bán mỗi ngày ở chợ thôn.
Xã Hương Gián nơi bà ở có kinh tế hộ gia đình rất phát triển nhờ các khu công nghiệp xung quanh nở rộ, cộng với nguồn ngoại tệ lớn đổ về từ xuất khẩu lao động. Người trong độ tuổi lao động ở đây, nếu không đi xuất khẩu lao động thì sẽ đi làm công nhân cho các công ty, nhà máy gần đó.
Những người ở độ tuổi như bà Dưỡng rất khó để được nhận vào làm công nhân. Họ chỉ biết ở nhà loanh quanh với đồng ruộng, ao vườn - những công việc mà nhiều gia đình trẻ ở đây đang dần không còn mặn mà nữa.
Theo tìm hiểu của PV, nhiều gia đình trẻ ở xã Hương Gián đã bỏ trồng lúa. Bởi vì thời gian và công sức cấy vài sào ruộng không mang lại thu nhập bằng đi làm những công việc khác.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Hoàng Trọng Đảo - Phó chủ tịch UBND xã, tỷ lệ trồng lúa của cả xã vẫn cao - trên 90%, bởi vì cũng có những gia đình nhận cấy vài mẫu ruộng thay phần của các gia đình khác.
Bây giờ, hầu hết người dân ở xã làm ruộng bằng máy móc. Những gia đình cấy nhiều ruộng chủ yếu đi thuê người làm, đến mùa lại thuê máy gặt để thu hoạch.
Gia đình cấy nhiều thường đầu tư mua máy gặt. Sau khi trừ chi phí, họ vẫn có lợi nhuận nhờ làm nhiều, tích tiểu thành đại, thay vì chỉ cấy vài sào.
Người già ở xã, nếu không nhận được nhiều sự trợ giúp từ con cháu hoặc không có nghề phụ, vẫn sẽ làm ruộng để có chút thu nhập. Còn lại hầu hết ở nhà trông cháu, chăm nom nhà cửa để các con đi làm. Bà Nguyễn Thị Hay - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã chia sẻ, cứ đến chiều tối, cổng trường tiểu học lại chật kín ông bà đi đón cháu, vì bố mẹ bọn trẻ bận đi làm ca kíp.
Không ai dạy nghề cho người già
Ông Đào Trọng Độ (Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho rằng, để tìm kiếm việc làm mang lại thu nhập là điều không đơn giản với NCT. NCT đang gặp nhiều rào cản trong quá trình tìm kiếm việc làm, để đảm bảo sinh kế và nâng cao thu nhập. “Các quy định về lao động lớn tuổi ở nước ta vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành.
Đa số NCT có nhu cầu làm việc nhưng không biết tìm việc làm ở đâu. Với NCT từ 60 tuổi trở lên, công việc tìm được chủ yếu là làm bảo vệ, giúp việc gia đình”.
Lao động là NCT chủ yếu làm trong khu vực phi chính thức và ngành nông - lâm - thuỷ sản, chất lượng việc làm thấp, thu nhập chỉ bằng 38,5% mức lương bình quân trên thị trường. Phần lớn NCT hiện nay tham gia lao động với vị thế của lao động dễ tổn thương.
Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp và hướng nghiệp cho NCT đã trở thành nội dung trong Quyết định số 799 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt hồi tháng 6/2023. Mục tiêu là đến năm 2025, ít nhất 50% NCT có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm; ít nhất 20.000 NCT được hỗ trợ hướng nghiệp; ít nhất 10.000 hộ gia đình có NCT được vay vốn khởi nghiệp.
Tuy nhiên, theo thống kê, con số đạt được cho đến nay vẫn rất khiêm tốn do các địa phương không bố trí được ngân sách. Thực tế, trên cả nước hầu như không có trường chuyên nghiệp nào thực hiện các hoạt động đào tạo cho NCT. NCT muốn học nghề phải tự học hoặc nhờ người thân, quen là chính.
Ông Độ cho rằng để khắc phục được những vướng mắc trong việc đào tạo nghề cho NCT, cần xây dựng chính sách, quy định và cung cấp nguồn tài chính để khuyến khích người sử dụng lao động giữ và thuê NCT. Cụ thể là cơ chế hỗ trợ tài chính (miễn giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội, y tế với lao động cao tuổi chưa có đủ thời gian đóng bảo hiểm; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho những công ty sử dụng nhiều lao động cao tuổi).
LTS: Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1/3 số NCT có lương hưu và các khoản trợ cấp. Hầu hết lao động NCT dễ bị tổn thương - không có hợp đồng, lương thấp, không được đóng bảo hiểm… Có một thực tế là, hơn một nửa NCT Việt Nam đang ở độ tuổi 60-69. Nhiều người trong số này còn khoẻ mạnh, minh mẫn. Nhưng một phần do không tìm được công việc phù hợp, một phần vì tư tưởng cũ, họ chưa được tận dụng hết sức khoẻ, trí tuệ của mình, gây lãng phí cho chính NCT và cả cho đất nước. VietNamNet giới thiệu tuyến bài Già hoá dân số và việc làm cho người cao tuổi nhằm làm rõ hơn về vấn đề này. |
Bài 3: Người già còn sức khoẻ, trí tuệ, nên làm việc suốt đời