Với nhiều hoạt động hấp dẫn, thú vị, Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu 2022 đang diễn ra sôi nổi, gây ấn tượng cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Một trong các sự kiện thu hút đông đảo doanh nghiệp, người dân tham dự là không gian trưng bày, giới thiệu, triển lãm tại thành phố Lai Châu diễn ra từ ngày 14 – 17/4. Đó là không gian trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trà...; Không gian triển lãm, giới thiệu hoa lan, cây sinh vật cảnh toàn quốc; Chương trình nghệ thuật, trình diễn trang phục dân tộc; Không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm mắc ca; sản phẩm OCOP và một số nông sản đặc trưng của tỉnh...
Trong đó, không gian trưng bày các sản phẩm OCOP diễn ra từ 8 giờ ngày 14/4 đến 15 giờ ngày 17/4/2022 tại Quảng trường Nhân Dân tỉnh Lai Châu được đánh giá là cú huých cho nông sản của tỉnh vươn xa, tìm kiếm cơ hội cho nhà đầu tư cũng như người sản xuất.
Sự kiện là cơ hội để quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương và tiềm năng, thế mạnh, điểm đến du lịch hấp dẫn Lai Châu với nhân dân cả nước, du khách trong và ngoài nước. Đồng thời tạo cơ hội kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các đơn vị, cá nhân đến hợp tác phát triển sản phẩm nông sản, ẩm thực.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Lai Châu có điều kiện phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, có thương hiệu và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tại Hội nghị Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh năm 2021 (Đợt 2), toàn tỉnh đã có 02 sản phẩm đạt trên 90 điểm, đủ điều kiện trình Hội đồng Đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Trung ương đánh giá sản phẩm 5 sao theo quy định; có 1 sản phẩm đạt 4 sao và 45 sản phẩm đạt 3 sao. Đây đều là những sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của địa phương, được các chủ thể chú trọng đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác theo quy định.
Trên cơ sở các sản phẩm chủ lực của địa phương, hiện nay, UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình OCOP nhằm tạo sức bật cho nông sản truyền thống trên địa bàn khẳng định vị thế. Chương trình cũng tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh truyền thống và sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, năng suất và hiệu quả cây trồng. Từ đó, tạo dựng niềm tin tuyệt đối với người tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.
UBND tỉnh giao cho Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện. Theo đó, thực hiện Chương trình OCOP gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ sẵn có ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Huy động các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện chương trình.
Chính quyền các cấp trong tỉnh định hướng, quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa, dịch vụ; quản lý, giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP. Đồng thời, hỗ trợ các khâu gồm: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.
Qua đó, Chương trình OCOP của tỉnh được triển khai đồng bộ, tập trung vào các sản phẩm hàng hóa chủ lực, có nguồn gốc nguyên liệu tại địa phương.
Gian trưng bày, giới thiệu văn hóa và các sản vật địa phương.
Tỉnh Lai Châu đang từng bước hình thành thương hiệu cho sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương như: Chè, gạo, miến dong, cây ăn quả, cá lồng và cá nước lạnh. Chương trình OCOP đã thúc đẩy sản xuất hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp tập trung, quy mô lớn nhằm xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm. Các chủ thể OCOP giới thiệu và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng trong cả nước, gia tăng cả về sản lượng và giá trị sản phẩm, tạo dựng uy tín và thương hiệu vững chắc.
Với hướng đi mới, nông dân trên địa bàn tỉnh tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển sản phẩm OCOP - tạo sức bật cho xây dựng nông thôn mới, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, kinh tế phát triển bền vững.
Bạch Liên