Trong khi đang chơi, bé N.Q.H. (37 tháng tuổi, trú tại huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) bất ngờ ngã lọt chân vào khe hở cống thoát nước gần nhà. Trẻ đau đớn, khóc thét, cẳng chân trái biến dạng. Gia đình nhanh chóng sơ cứu và đưa bé đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, Phú Thọ để cấp cứu.
Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán gãy kín 1/3 giữa 2 xương cẳng chân trái di lệch, gãy đầu trên xương mác trái. Sau khi hội chẩn, bác sĩ quyết định gây mê, kéo nắn bó bột dưới màn hình tăng sáng.
Sau khi thoát mê, bé được bác sĩ kê đơn thuốc về điều trị ngoại trú và tư vấn cho phụ huynh cách theo dõi sau bó bột, hẹn lịch tái khám.
Các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê khuyến cáo gãy xương là tai nạn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách có thể để lại di chứng tàn phế suốt đời, thậm chí đe dọa tính mạng của nạn nhân. Việc sơ cứu ban đầu kịp thời và đúng cách sẽ giảm được 70% biến chứng do gãy xương.
Các bước sơ cứu gãy xương cẳng chân:
Bước 1: Đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng, chân duỗi thẳng, bàn chân vuông góc với cẳng chân.
Bước 2: Dùng hai nẹp đặt ở mặt trong (từ bẹn đến quá gót chân) và ngoài (từ mào chậu đến quá gót chân) của chân gãy. Độn bông vào hai đầu nẹp, phía trong, ngoài của các đầu xương.
Bước 3: Buộc cố định hai nẹp ở các vị trí trên và dưới vùng gãy (trên khớp gối khoảng 3-5cm).
Bước 4: Băng số 8 ở cổ chân để cố định bàn chân vuông góc với cẳng chân.