Sức ép liên tục từ Thủ tướng

Đến dự đại hội thi đua yêu nước ngành tài chính gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tỏ ra hài lòng với chính sách tài khóa đã chặt chẽ hơn sau thời kỳ mở rộng kéo dài.

Ông đánh giá cao công tác quản lý ngân sách của ngành tài chính thể hiện qua việc quy mô ngân sách nhà nước tăng lên, nợ công giảm xuống và Nhà nước có nhiều tiền hơn để chi cho đầu tư phát triển. 

{keywords}
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao huân chương Độc lập hạng nhất cho ngành tài chính. Ảnh: Nhân Dân

Thủ tướng nói: "Chúng ta chỉ có thể tự hào rằng tỉ lệ thu ngân sách cao cho thấy người dân tín nhiệm Chính phủ mà ủy thác chứ không phải Chính phủ tận thu. Nếu người dân không tín nhiệm với Chính phủ, họ tìm cách trốn thuế, tránh thuế, lách thuế, khi đó ngân sách rất khó thu được thuế. Do đó, Chính phủ, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm làm sao để những đồng tiền thuế của người dân được chi tiêu một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất".

Trong lễ trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho bà Nguyễn Thị Hồng gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhắc lại “nhiệm vụ hàng đầu” của ngành ngân hàng là phải thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị tiền đồng Việt Nam. 

Trao đổi với Tuần Việt Nam, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nói: “Nền tảng kinh tế vĩ mô đến nay được củng cố vững chắc sau những thăng trầm rất đau đớn”. Nhận định rất xác đáng này đã gói gọn bao nhiêu nỗ lực nhất quán để thực hiện mục tiêu hàng đầu trong tất cả các nghị quyết 01 hàng năm của Chính phủ: “Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế”.

Tinh thần ổn định vĩ mô làm trọng đã điều chỉnh các chính sách tài khóa và tiền tệ cẩn trọng, chặt chẽ hơn.

Thu tăng, nợ giảm

Cho đến năm 2016, chính sách tài khóa mở rộng mà phần lớn ngân sách chỉ đủ để chi thường xuyên để nuôi bộ máy, chi đầu tư phát triển phải dựa vào vay nợ. 

Chính sách tài khóa mở rộng đã góp phần đẩy lạm phát: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân lên đến 7,65% trong giai đoạn 2011-2015.

Trước tình hình đó, tháng 11/2016, Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành nghị quyết số 25/2016/QH14 với những yêu cầu chi tiêu chặt chẽ hơn. 

Theo đó, ngành tài chính phải từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi ngân sách; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi; ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia. Nghị quyết của Quốc hội nhằm thực hiện nghị quyết 07-NQ/TW của Đảng ban hành trước đó trong nỗ lực đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.    

Đó là một sức ép lên Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Đầu nhiệm kỳ này, ông tâm sự: “Nghị quyết Trung ương và Nghị quyết Quốc hội như thế nào thì ra nợ công thế, ra bội chi vậy”. Trong suốt thời kỳ dài sau đó, ngành tài chính đã đặt trọng tâm vào thực hiện các nghị quyết để góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô - một trong những thành quả nổi bật của Chính phủ.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, tỷ lệ huy động vào ngân sách đạt 24,5%; cơ cấu thu-chi chuyển dịch tích cực; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách tăng từ mức 68% của giai đoạn 2011-2015 lên 80,9% giai đoạn 2016-2019 và ước đạt 84,3% trong năm nay.

Trong năm nay, tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển dự kiến đạt 27-28%, trong khi tỷ trọng chi thường xuyên ước tính giảm xuống 60,5% và vẫn đảm bảo nguồn thực hiện điều chỉnh lương cơ sở, các nhiệm vụ quan trọng quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, và phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Tiền tệ “linh hoạt, thận trọng”

Trên mặt trận tiền tệ, cách thức điều hành cũng trở nên linh hoạt, thận trọng.

Đáp lại yêu cầu của Thủ tướng tại lễ bổ nhiệm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cam kết: “Toàn ngành sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống… làm sao để hệ thống ngân hàng thực hiện tốt vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế”. 

Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán được kiểm soát ở mức thấp hơn so với các năm trước. Trong giai đoạn 2016-2019, tốc độ này là 14,74%, thấp hơn bình quân 17,45% ở giai đoạn 2011-2015.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng giảm dần, tốc độ GDP tăng dần và cao hơn giai đoạn 2011-2015. Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng ngày càng được sử dụng hiệu quả và phân bổ phù hợp hơn. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dư nợ đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm trên 80% tổng dư nợ.

Lãi suất có xu hướng giảm dần và ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới biến chuyển nhanh chóng. Tình trạng vàng hoá, đô la hoá trong nền kinh tế giảm đáng kể, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên, hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện.

Rõ ràng, tiền tệ và tài khóa được phối hợp chặt chẽ, chủ động đã góp phần rất lớn vào ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát cơ bản bình quân được kiểm soát tốt, giữ mức tương đối ổn định, giai đoạn 2016-2020 dự báo đạt 1,81%, giảm mạnh so với trước đó.

Nền tảng đó đã giúp cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng bỏ tiền ra đầu tư, kinh doanh, giúp kinh tế tăng trưởng.

Mặc dù năm nay kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 ước đạt 5,9%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới.

Nền tảng 3 năm trước

TS Trần Đình Thiên nhận xét, nền tài chính vững mạnh đã góp phần rất lớn trong việc giữ ổn định nền kinh tế trong đại dịch Covid-19.

Ông phân tích, các năm 2017, 2018 và 2019 - tức trước khi có Covid-19, nền kinh tế tăng trưởng ổn định. 

“Trong 3 năm này, thế giới cũng náo loạn chứ không phải không, đặc biệt là xung đột Mỹ - Trung Quốc. Khi Trung Quốc suy giảm tăng trưởng, kéo theo cả thế giới suy giảm, bất ổn. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn đẩy mạnh mở cửa hội nhập... 

Phải có nền tảng 3 năm đó, chúng ta mới có được kinh tế như hiện nay. Không có nội lực đủ mạnh dự trữ, nền kinh tế 2020 khó trụ lắm”.

{keywords}
Ổn định vĩ mô giúp người dân, doanh nghiệp tin tưởng bỏ tiền ra đầu tư, kinh doanh

Nhưng thành công đó đang bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 thách thức.

Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế

Tháng 7 năm nay, khi họp với Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia trong bối cảnh Covid-19 đang càn quét khắp thế giới, Thủ tướng khẳng định: “Khác với đa số các nước, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ của chúng ta còn khá lớn cho kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng”.

Yêu cầu của Thủ tướng thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế và đảm bảo ổn định đời sống nhân dân" như là một mệnh lệnh cho các chính sách tài chính và tiền tệ.

Theo Bộ Tài chính, hàng loạt chính sách kích thích đã được ban hành để đồng hành với người dân và doanh nghiệp. Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm ước đạt 110 nghìn tỷ đồng. 

Báo cáo trước Quốc hội vừa rồi, Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam tiếp tục duy trì và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động mạnh”. 

Những ai, doanh nghiệp nào từng trải qua những giai đoạn lạm phát cao, giá cả phi mã, thấy tiền của mình mất đi từng ngày, lòng tin suy sụp, mới thấy giá trị của ổn định vĩ mô và cái giá của việc giữ được giá trị tiền đồng.

Ổn định vĩ mô mới là nền tảng cho phát triển, là mảnh đất để chăm bón lòng tin thị trường. Ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp là một trong những chính sách kinh tế thành công nhất trong 5 năm qua.

Tư Hoàng

Khi ngân sách từng có thời 'đi dây'

Khi ngân sách từng có thời 'đi dây'

Nỗ lực củng cố tài khóa để góp phần ổn định nền tài chính quốc gia lành mạnh và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô là một nỗ lực bền bỉ, kéo dài suốt nhiều năm qua.