Lên án Tổng thống Putin, tuyên bố sẽ trừng phạt Nga
Phát biểu trước các lãnh đạo chính trị ở Washington tối 1/3 theo giờ địa phương (sáng 2/3 giờ Việt Nam), ông Biden đã truyền đi thông điệp rằng, phương Tây đoàn kết trong phản ứng trước chiến dịch tấn công quân sự của Nga vào Ukraine, đồng thời lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc khủng hoảng đang diễn ra.
Tổng thống Biden đọc Thông điệp liên bang trước Quốc hội Mỹ tối 1/3. Ảnh: AP |
Theo CNN, lãnh đạo Nhà Trắng mở đầu Thông điệp liên bang bằng cách đề cập trực tiếp đến người đứng đầu Điện Kremlin: "Cách đây 6 ngày, ông Vladimir Putin của Nga đã tìm cách làm lung lay các nền tảng của thế giới tự do, nghĩ rằng ông ấy có thể bẻ cong nó theo cách đe dọa của mình. Nhưng ông ấy đã tính toán sai lầm. Ông ấy nghĩ mình có thể nhào nặn Ukraine và thế giới sẽ đảo ngược. Nhưng thay vào đó, ông ấy đã vấp phải một bức tường sức mạnh mà bản thân không bao giờ lường trước hay tưởng tượng được. Ông ấy đã đối mặt với người dân Ukraine".
Ông Biden cho rằng, ông Putin đang "bị cô lập khỏi thế giới hơn bao giờ hết". Ông cũng ca ngợi khả năng của Mỹ trong việc đoàn kết với các quốc gia yêu chuộng hòa bình khác trên khắp toàn cầu, đồng thời bày tỏ hy vọng thế giới sẽ buộc ông Putin phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình.
"Dù ông Putin có thể giành được chiến thắng trên chiến trường, nhưng ông ấy sẽ phải tiếp tục trả giá đắt về dài hạn", lãnh đạo Nhà Trắng nói.
Ông Biden thông báo, Mỹ sẽ cùng các đồng minh là Canada và Liên minh châu Âu đóng cửa không phận đối với mọi máy bay Nga, nhằm "cô lập hơn nữa Nga và tăng thêm sức ép đối với nền kinh tế của nước này". Các quan chức Mỹ tin, vẫn sẽ có nhiều cách khác để các công dân nước này rời khỏi xứ sở bạch dương sau khi lệnh cấm có hiệu lực, chẳng hạn như bằng đường bộ hay tàu hỏa.
Theo ông Biden, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ thành lập lực lượng đặc nhiệm để điều tra những nhà tài phiệt Nga ủng hộ Tổng thống Putin. "Chúng tôi sẽ cùng các đồng minh châu Âu để truy tìm và thu giữ các du thuyền, căn hộ sang trọng, máy bay phản lực riêng của họ".
Mỹ sẽ viện trợ cho Ukraine và không trực tiếp tham chiến
Tổng thống Biden đã tìm cách trấn an những người Mỹ đang lo ngại về cuộc chiến đang tiếp diễn ở Ukraine.
"Tôi biết tin tức về những gì đang xảy ra có vẻ đáng báo động đối với tất cả người Mỹ. Điều tôi muốn các bạn biết là, chúng ta sẽ ổn thôi. Khi lịch sử của thời đại này được viết nên, cuộc chiến của ông Putin ở Ukraine sẽ khiến nước Nga trở nên yếu hơn và phần còn lại của thế giới mạnh hơn. Chúng ta sẽ ổn thôi", ông nhấn mạnh.
Lãnh đạo Nhà Trắng tái khẳng định, Mỹ sẽ không điều binh lính tới Ukraine để trực tiếp đối đầu với các lực lượng Nga tại đây. Thay vào đó, quân Mỹ sẽ được triển khai đến châu Âu để bảo vệ các đồng minh NATO trong trường hợp Nga quyết định tiếp tục tiến về phía tây.
"Vì mục đích đó, chúng ta đã huy động các lực lượng bộ binh, phi đội không quân, các tàu chiến của Mỹ để bảo vệ các nước NATO bao gồm Ba Lan, Romania, Latvia, Lithuania và Estonia", ông Biden nói.
Đối với Ukraine, Tổng thống Mỹ cũng nhắc tới gói viện trợ trực tiếp “hơn 1 tỷ USD cho Ukraine”, bao gồm cả trợ giúp về quân sự, kinh tế và nhân đạo từ Washington và các đồng minh.
Đại sứ Ukraine Oksana Markarova (trái) cầm theo quốc kỳ tới chứng kiến Tổng thống Mỹ Biden đọc thông điệp liên bang. Ảnh: AP |
Trong lúc phát biểu, ông Biden cũng đề cập đến sự hiện diện của Đại sứ Ukraine Oksana Markarova, người đang ngồi cạnh vợ ông - Đệ nhất phu nhân Jill Biden để chứng kiến ông đọc Thông điệp liên bang.
"Bà ấy tươi sáng, mạnh mẽ và quyết tâm. Vâng, chúng tôi, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, luôn sát cánh bên người dân Ukraine", ông Biden nói trong khi Đại sứ Markarova cầm quốc kỳ, đặt tay lên ngực trong tiếng vỗ tay tán thưởng của cả khán phòng.
Công bố biện pháp giảm lạm phát, hạ nhiệt giá nhiên liệu
Trong bài phát biểu thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận Mỹ và thế giới, ông Biden cũng trình bày một số kế hoạch, kể cả cắt giảm chi phí chăm sóc trẻ em, nhằm đối phó với tình trạng bấp bênh của nền kinh tế Mỹ thời hậu Covid-19 và nạn lạm phát ở mức kỷ lục 40 năm.
Lãnh đạo Nhà Trắng cho biết, ông muốn chống lạm phát bằng cách hạ giá thành sản xuất hàng hóa, chứ không phải hạ mức lương của người dân. Ông tin, việc cắt giảm chi phí sẽ dẫn đến việc nhiều hàng hoá được sản xuất nội địa hơn.
Theo ông Biden, hệ thống thuế hiện tại của Mỹ là thiếu công bằng và nên được cải tổ. Ông khẳng định sẽ không tăng thuế đối với bất kỳ ai có thu nhập dưới 400.000 USD một năm.
Về vấn đề giá nhiên liệu tăng mạnh do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Ukraine, ông Biden thông báo, Mỹ và các đồng minh đã nhất trí “xả kho” 60 triệu thùng dầu dự trữ để hạ nhiệt tình hình, kìm hãm giá dầu leo thang. Ông cũng cam kết Washington sẽ dùng mọi cách có thể để bảo vệ các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Ông cũng cho biết nền kinh tế Mỹ đã tạo ra hơn 6,5 triệu việc làm mới chỉ trong năm ngoái, nhiều hơn bao giờ hết trong lịch sử Mỹ.
Thông báo chiến lược vượt qua đại dịch Covid-19
"Năm ngoái, Covid-19 đã chia cắt chúng ta. Năm nay, chúng ta cuối cùng lại có mặt ở đây cùng nhau", ông Biden nói.
Tổng thống Mỹ đề cập đến nhu cầu đưa cuộc sống trở lại bình thường khi các nỗ lực phòng chống đại dịch của chính quyền do ông đứng đầu đã cung cấp các công cụ để giảm thiểu tác động của virus.
Ảnh: AP |
"Chúng ta có thể chấm dứt việc đóng cửa các trường học và doanh nghiệp. Chúng ta có các công cụ cần thiết. Đã đến lúc nước Mỹ quay trở lại làm việc và mọi người lấp đầy những khu trung tâm tuyệt vời của chúng ta một lần nữa. Những người làm việc tại nhà có thể cảm thấy an toàn và bắt đầu quay trở lại văn phòng của họ. Chính phủ liên bang đang làm điều đó. Phần lớn nhân viên liên bang sẽ quay trở lại làm việc trực tiếp. Các trường học của chúng ta đang mở cửa. Hãy giữ nguyên như vậy", ông Biden cho hay.
Người đứng đầu Nhà Trắng nói thêm: "Hầu hết người Mỹ có thể bỏ khẩu trang, ở trong lớp học và tiến về phía trước một cách an toàn. Chúng ta đạt được điều này vì chúng tôi đã cung cấp vắc xin, các phương pháp điều trị, xét nghiệm và khẩu trang miễn phí".
Ông Biden cũng công bố sáng kiến mới "Xét nghiệm để điều trị". Theo ông, người Mỹ sẽ có thể được xét nghiệm Covid-19 tại hiệu thuốc và nhận thuốc điều trị miễn phí ngay tại chỗ nếu có kết quả xét nghiệm dương tính.
"Nếu bạn mắc Covid-19, thuốc viên Pfizer sẽ giúp bạn giảm 90% nguy cơ nhập viện. Tôi đã đặt hàng nhiều thuốc điều trị hơn bất kỳ ai khác trên thế giới. Pfizer đang làm việc ngoài giờ để có cho chúng ta 1 triệu viên thuốc trong tháng này và nhiều hơn gấp đôi vào tháng sau", ông Biden nói.
Điều đặc biệt về Thông điệp liên bang 2022
Đệ nhất phu nhân Jill Biden cùng các thành viên nội các đã có mặt tại phòng họp của Hạ viện để chứng kiến tổng thống đọc thông điệp liên bang. Nhà Trắng xác nhận, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo lần này là "người được chỉ định sống sót" (quan chức sẽ tiếp quản trọng trách lãnh đạo đất nước trong trường hợp xảy ra rủi ro tính mạng với cả tổng thống, phó tổng thống, chủ tịch hạ viện và chủ tịch thượng viện) nên bà không có mặt tại sự kiện đang diễn ra.
Các nghị sĩ Mỹ mặc trang phục có màu sắc ủng hộ Ukraine. Ảnh: AP |
Do Hạ viện và Nhà Trắng đã quyết định nới lỏng quy định bắt buộc đeo khẩu trang, nên các nghị sĩ có mặt tại buổi lễ đều không đeo khẩu trang, tập trung thành từng nhóm, bắt tay, ôm hôn và chụp ảnh lưu niệm cùng nhau. Nhiều chính khách cũng mặc quần áo màu vàng và xanh dương hoặc đeo ruy băng có 2 màu sắc này để thể hiện sự ủng hộ Ukraine theo lời kêu gọi của Hạ nghị sĩ Dân chủ Mike Quigley.
Vài giờ trước khi ông Biden đọc Thông điệp liên bang trước quốc hội, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tiết lộ đã kêu gọi người đồng cấp Mỹ "gây chú ý cho người dân về tính cấp thiết và tác động từ chiến dịch quân sự của Nga". Ông Zelensky cho biết đã thúc giục lãnh đạo Nhà Trắng thể hiện quan điểm quyết liệt hơn và tránh những tuyên bố mơ hồ về bày tỏ ủng hộ mà không thể hiện bằng hành động.
Lần gần đây nhất ông Biden đọc Thông điệp liên bang là tại phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội Mỹ hồi năm ngoái, trong đó ông nói rằng “đất nước đã sẵn sàng cất cánh sau một thời gian dịch bệnh và xung đột”.
Theo báo Guardian, sự kiện năm nay đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ có 2 nữ quan chức ngồi phía sau tổng thống khi ông đọc Thông điệp liên bang. Đó là Phó Tổng thống Kamala Harris và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.
Tuấn Anh
>>> Cập nhật tình hình chiến sự căng thẳng tại Ukraine
Tổng thống Mỹ lùi ngày đọc Thông điệp liên bang
Nhà Trắng vừa thông báo, Tổng thống Joe Biden sẽ đọc Thông điệp liên bang vào ngày 1/3, chậm hơn vài tuần so với các năm trước, thường là cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2.