Sau cuộc gặp với Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Washington và các đồng minh đã vô cùng nỗ lực để trang bị vũ khí và chuẩn bị cho Ukraine tiến hành cuộc phản công chống lại Nga.
“Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể, từ tập thể đến riêng lẻ ở Mỹ, để giúp họ sẵn sàng, để hỗ trợ”, ông Biden nói hôm 8/6.
Tổng thống Mỹ gọi nỗ lực tiến hành cuộc phản công của Kiev là “tình huống đang phát triển mà chúng tôi rất lạc quan”.
Bình luận của ông Biden được đưa ra sau khi có thông tin các lực lượng Ukraine đã phải hứng chịu thương vong “đáng kể” trong quá trình chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga. Hôm 8/6, hãng tin CNN cho hay, quân đội Ukraine đang đối mặt với “sự kháng cự mạnh hơn dự kiến”, và đang phải vật lộn để đưa các phương tiện do phương Tây cung cấp vượt qua những bãi mìn.
Cuộc phản công của Ukraine được cho đã bắt đầu bằng đợt tấn công quy mô lớn vào ngày 4/6. Kiev thừa nhận các lực lượng đang "chuyển sang hành động tấn công" ở một số khu vực, nhưng bác bỏ tuyên bố về những thất bại và tổn thất như phía Nga đưa ra.
Nga cáo buộc Mỹ ngăn Kiev ký thỏa thuận ngừng bắn
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev cáo buộc, Mỹ và Anh cản trở con đường hòa bình giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.
“Tôi có thể xác định các quốc gia quan tâm nhất tới việc tiếp tục chiến sự là Mỹ và Anh”, hãng tin RT dẫn lời ông Patrushev nói trong một cuộc họp báo ở Belarus hôm 8/6.
Ông Patrushev nhắc lại việc Moscow và Kiev từng sắp đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong những tuần đầu tiên xảy ra xung đột. Nhưng chính phủ Ukraine đã rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình do áp lực của Mỹ, quan chức Nga cáo buộc.
Cuộc đàm phán trên diễn ra ở Istanbul. Vào thời điểm đó, Ukraine đã đề xuất cam kết duy trì thế trung lập để đổi lấy các đảm bảo an ninh, và Moscow đã tạm thời đồng ý.
Giới chức Nga cho rằng sự thù địch ở Ukraine là một phần trong cuộc chiến ủy nhiệm do Mỹ và các đồng minh tiến hành để chống lại Moscow.
Còn Washington tuyên bố mục tiêu ở Ukraine là tạo ra "thất bại chiến lược" cho Nga. Mỹ đã cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine để đạt được mục tiêu đề ra.
Binh sĩ phương Tây không tới Ukraine
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba cho hay, Kiev đã bác bỏ đề xuất của cựu Tổng thư ký NATO Anders Rasmussen về việc Ba Lan có thể lãnh đạo một "liên minh thiện chí", và điều quân tới Ukraine.
Ông Kuleba nhấn mạnh chính phủ Ukraine chưa bao giờ đưa ra yêu cầu như trên.
“Cho đến khi cuộc xung đột trên lãnh thổ Ukraine kết thúc, các quốc gia nước ngoài sẽ không gửi quân tới Ukraine. Hơn nữa, chúng tôi không yêu cầu điều đó. Chúng tôi nói ‘hãy gửi vũ khí cho chúng tôi’”, Bộ trưởng Kuleba bình luận về tuyên bố của ông Rasmussen.
Trước đó, cựu lãnh đạo NATO cho rằng một số nước thành viên của liên minh quân sự có thể điều quân tới Ukraine, nếu như Kiev không nhận được sự đảm bảo an ninh chính thức tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Vilnius của Lithuania vào tháng Bảy tới.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky còn đe dọa tẩy chay sự kiện, trừ khi Kiev nhận được một lộ trình cụ thể để gia nhập NATO.
Ngoại trưởng Kuleba tin chắc Ukraine sẽ trở thành một phần của NATO.
Mỹ trước đó xác nhận có một nhóm binh sĩ quy mô nhỏ bên trong lãnh thổ Ukraine, nhưng chỉ làm công tác giám sát sự hỗ trợ quân sự cho Kiev.
NATO và các đồng minh cũng nhiều lần khẳng định không tham gia vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.