Cách đây hơn chục năm, trào lưu trồng rau sân thượng chưa mấy nở rộ. Tuy nhiên, thời điểm ấy, do nhận thấy tình trạng lạm dụng thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu để chăm bón rau quả ngày càng phức tạp, anh Nguyễn Đức Khải (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã quyết định thiết kế một vườn rau cho gia đình mình.
Cuối năm 2011, anh Khải mua đất sạch ngoài sông Hồng với giá khoảng 400-500.000 đồng/m3, sau đó thuê người cẩu lên sân thượng. Ngoài ra, anh cũng chia đất thành nhiều bao nhỏ, tranh thủ lúc rảnh rỗi vác từng bao lên.
Suốt 1 tháng trời ròng rã, dùng đủ mọi cách, anh Khải cũng vận chuyển được hơn 10 tấn đất lên "mái nhà". Đất được anh trộn với trấu, phân bò, phân trùn quế chia nhỏ vào từng khay và gieo những hạt giống đầu tiên.
Trên khu vườn này, ngoài hơn chục khay hình chữ nhật cách mặt trần 60cm, anh Khải còn thiết kế hệ thống giàn sắt bao quanh để trồng cách loại cây dây leo, cắt đục tạo khay, dựng luống. Anh tự tay lựa từng thanh sắt, tự tay hàn xì, tạo khung…
Vẫn nghĩ có một khu vườn thực chất cần đầu tư nhiều công sức, tiền bạc, nhưng khi bắt tay vào làm, anh Khải không nghĩ lại tốn kém đến vậy. Anh Khải tính toán, trừ những công đoạn anh tự tay làm ra thì riêng tiền mua sắt, tiền mua đất, trấu hun, đậu tương làm phân bón… cũng không dưới 200 triệu đồng.
Khu vườn của anh Khải rộng 130m2 là tổng diện tích sân thượng của hai ngôi nhà liền nhau. Hai ngôi nhà này có kết cấu 5 tầng nhưng anh Khải chỉ xây 3 tầng, thi công chắc chắn. Chính vì vậy dù khu vườn được tạo nên từ khoảng 10 tấn đất cùng hệ thống khay, giàn sắt nhưng anh Khải không lo nhà bị sụt lún hay nứt vỡ…
Anh Khải chia sẻ, anh không dùng nước máy mà thiết kế một đường nước riêng, dẫn nguồn nước giếng khoan để tưới rau. Trong quá trình trồng, để hạn chế tình trạng sâu bệnh và đảm bảo rau quả tươi tốt, anh tuân thủ nguyên tắc thuần vụ, mùa nào thức ấy.
Mùa hè anh trồng dưa lưới, dưa chuột, rau đay, bầu bí, mùng tơi, mướp. Mùa đông anh trồng chủ yếu là các loại cà chua, đậu cô ve, su su, cải bắp, súp lơ, su hào, xà lách….
Vốn làm nghề quay phim nên trước đây anh Khải luôn bận rộn với các chương trình, sự kiện. Vợ anh là chủ của một trường mầm non tư thục nên hầu như không thể phụ giúp anh.
Để có thời gian dành cho khu vườn, sáng sáng, anh dậy sớm từ 5h để tưới cây khoảng 30-40 phút rồi lại tấp tểnh đi làm. Tối về lại anh lên tưới cây, thu hoạch, bắt sâu. Công tác chăm sóc, cải tạo đất, sửa sang giàn, chậu được anh sắp xếp vào các ngày nghỉ.
"Nói chung ngày nào cũng phải lên vườn một đôi lần. Ốm cũng phải cố bò lên thăm cây vì cứ một hai cây chết là tôi cũng thấy xót ruột", anh Khải cho hay.
Để bảo vệ vườn trên sân thượng tránh khỏi sâu bệnh côn trùng, nhiều gia đình đã đầu tư làm giàn lưới, mái poly che mưa lấy sáng. Tuy nhiên, anh Khải lại muốn khu vườn của mình có được ánh nắng tự nhiên, được hứng những giọt nước mưa mát ngọt nên anh quyết định để khu vườn ở dạng mở. Nếu có sâu bọ, anh tự bắt bằng tay hoặc dùng chế phẩm sinh học phun phòng, trừ chứ tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu.
Vì mong muốn khu vườn của mình phát triển theo hướng hữu cơ nên anh Khải tự ủ phân vi sinh từ đậu nành hoặc các loại lá rau già, vỏ củ quả. Sau mỗi lần thu hoạch rau củ, anh đều phơi đất khoảng nửa tháng sau đó mới trồng cây tiếp theo.
Sản lượng đôi khi không cao, trồng 10 cây có thể chết tới 6-7 cây do nắng nóng hoặc mưa rét quá nhiều. Tuy nhiên, vì các loại rau củ mình trồng ra sạch 100%, có thể ăn ngay tại vườn, đảm bảo sức khỏe cho gia đình, cung cấp bữa ăn ngon cho học sinh nên anh Hải lại có thêm động lực gắn bó với công cuộc làm "nông dân" giữa phố thị.
Từ ngày tự tay xới từng luống đất, đặt từng hạt giống, anh Khải cảm thấy mình được truyền thêm nhiều năng lượng tích cực, thay đổi lối sống lành mạnh hơn.
Sống ở phố thị chật chội nên khu vườn còn là nơi hóng gió, thư giãn của vợ chồng anh Khải cùng các con. Đây cũng là nơi cho học sinh trong trường học của vợ anh trải nghiệm. Lượng rau trái thu về mỗi ngày khá nhiều. Anh Khải thường dành một ít để ăn, phần còn lại anh chủ yếu cho bếp ăn trường học của gia đình.
Anh Khải chia sẻ, hình ảnh về những khu vườn xanh mướt trên sân thượng với đủ loại hoa trái theo mùa luôn là niềm ao ước của nhiều người sống ở thành phố. Nhưng, có lẽ chỉ những ai bắt tay vào làm thực sự mới hiểu được nỗi vất vả khó khăn.
Nhiều gia đình có điều kiện ở khu Mỹ Đình từng đến nhà anh Khải thăm quan vườn rau và tỏ ra rất thích thú. Họ ngỏ ý muốn thuê anh làm một khu vườn tương tự. Vì bận rộn nên anh chỉ có thể chia sẻ với họ kinh nghiệm thiết kế khu vườn.
"Tôi cũng nói với họ rằng, làm vườn không chỉ ngày một ngày hai mà phải dành nhiều thời gian chăm sóc, tưới tắm thì mới mong có ngày thu hoạch. Việc chăm sóc cũng không thể qua loa cẩu thả kiểu, chỉ chăm chăm bón phân đạm cho cây. Làm như thế có thể cây nhanh lớn nhưng chỉ được một thời gian thì đất sẽ bạc màu. Mà đất trên sân thượng đâu phải cứ muốn là thay được", anh Khải cho hay.
Theo Dân Trí
Đôi vợ chồng ở TP.HCM trồng rau, làm vườn khi cách ly tại nhà
Trong thời gian tự điều trị và cách ly tại nhà, vợ chồng chị Lê Thị Diễm coi việc chăm sóc những luống rau, chậu hoa là cách rèn luyện sức khỏe và duy trì tinh thần lạc quan.