Vợ chồng trẻ Lam Sơn và Thu Thảo (Long Biên, Hà Nội) đã mua chiếc xe Mercedes Sprinter cũ, nâng cấp thành “ngôi nhà di động” gồm đủ phòng bếp - ăn, phòng ngủ... để đưa các con đi du lịch.
Giữa tháng 7 vừa qua, trong kì nghỉ hè của các con, vợ chồng anh Lương Lam Sơn (36 tuổi) và chị Trần Thu Thảo (34 tuổi) quyết định lái “ngôi nhà di động” du lịch xuyên Việt. Họ xuất phát từ Hà Nội đi Thanh Hóa, men theo con đường ven biển từ Hà Tĩnh tới Khánh Hòa, vòng lên Đà Lạt, về TP.HCM để di chuyển tới miền Tây. Khi trở về, gia đình nhỏ qua các cung đường biển đẹp nhất Việt Nam như Cà Ná, Mũi Dinh, Vĩnh Hy…
Chuyến đi kéo dài 31 ngày đêm. Chỉ duy nhất một đêm, họ ngủ khách sạn. Còn lại, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên “ngôi nhà di động” rộng chỉ 6m2.
Anh Sơn chia sẻ, từ bé, anh đã rất thích thú với những căn nhà di động - mobihome trong các bộ phim Mỹ. Khoảng 3 năm trước, anh tìm hiểu và bắt tay vào thiết kế, thực hiện “ngôi nhà di động” cho gia đình. Đến nay, cặp đôi đã thực hiện chiếc mobihome thứ 7. Những chiếc ô tô cũ được đại tu, bảo dưỡng rồi “hô biến” thành "ngôi nhà" với đầy đủ công năng với bếp, nhà vệ sinh, giường ngủ…
"Càng làm mình càng tích lũy được kinh nghiệm, tìm ra cách thiết kế, lắp đặt hiệu quả hơn. Những chiếc xe trước mình đã sang nhượng cho các gia đình chung sở thích. Chiếc xe thứ 7 này hiện là phiên bản hoàn hảo nhất”, anh Sơn cho biết.
“Ngôi nhà di động” thứ 7 của gia đình Hà Nội được cải tạo từ chiếc xe 16 chỗ Ford Transit đời 2010. Trên xe có đầy đủ giường ngủ, bếp, nhà vệ sinh, các kệ để đồ, điều hòa, nước sạch…
"Ngôi nhà di động" của gia đình anh Sơn
Theo anh Sơn, chiếc xe trang bị pin dự phòng 280AH, sạc một lần có thể dùng trong 2 ngày 2 đêm. "Pin dự phòng sử dụng bộ sạc của xe ô tô nên cứ đi khoảng 100km thì pin tự đầy, không lo thiếu điện. Cơ chế của nó là sử dụng máy phát của xe sạc cho acquy của xe, acquy sạc đầy rồi sẽ tự chuyển sang sạc cho pin dự phòng", anh Sơn giải thích.
Trên xe trang bị điều hòa nguồn 220V chuyên dành cho mobihome, hệ thống đèn âm trần, quạt hút gió, tủ lạnh 60 lít có thể làm đá - làm mát… Trên xe có thể chứa 100l nước sạch phục vụ sinh hoạt của gia đình và hệ thống chứa nước thải. Khi lượng nước thải gần đầy, anh Sơn sẽ di chuyển tới các khu vực nắp cống để xả thải.
Nhà tắm trên xe vừa đủ cho một người lớn đứng tắm thoải mái, có bồn cầu tự hoại.
Ngay sau hàng ghế lái và ghế phụ, anh Sơn thiết kế một chiếc giường đơn dành cho người có chiều cao 1,7-1,8m như anh. Vợ và hai con anh Sơn sẽ ngủ tại khu vực giường phía sau xe. Kích cỡ là 1,5x1,65m, có đệm mềm dày 7cm.
"Gia đình mình từng lái xe chinh phục vùng núi phía Bắc trong 11 ngày, du lịch nhiều tỉnh thành gần Hà Nội nên việc sinh hoạt trong xe khá quen thuộc. Cả nhà ngủ rất ngon trên xe”, vợ chồng anh Sơn cho hay. Khi tới Nha Trang, đúng thời điểm người thân cũng tới đây du lịch, gia đình anh Sơn chuyển ra khách sạn ngủ. "Cả đêm vợ chồng cùng hai con trằn trọc khó ngủ. Sau đêm đó, nhà mình ngủ hoàn toàn trên xe", anh Sơn kể.
Vợ chồng anh Sơn, chị Thảo mất khoảng 2 năm để chuẩn bị cho chuyến đi này. Ngoài dành thời gian để cải tạo một “ngôi nhà” tối ưu nhất, họ còn lên lịch trình chi tiết, chọn các điểm đến hoang sơ, ít người biết, vắng khách du lịch để trải nghiệm cuộc sống bản địa, tìm hiểu văn hóa.
Buổi sáng, cả nhà thức dậy để ngắm bình minh, tắm biển, sau đó di chuyển tới khu vực lân cận khám phá ẩm thực địa phương như cháo canh Đồng Hới, bún bò Huế,... Khoảng 9 - 9h30, gia đình xuất phát tới địa phương mới, ăn trưa nhẹ và nghỉ trên xe. Trước 17h, họ sẽ dừng chân để tắm biển, vui chơi ở các quảng trường, điểm đẹp…
"Mình sẽ lái xe tối đa 4 giờ mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe và an toàn. Vì sinh hoạt ngay trên xe nên việc nghỉ đêm ở đâu không cần quá lo lắng. Mình có thể dừng ở cây xăng, trạm dừng chân, địa điểm hoang sơ sát biển, bên rừng… Trên xe luôn dự trữ sẵn đồ ăn”, anh Sơn chia sẻ.
Trên hành trình xuyên Việt, gia đình này cũng gặp một vài sự cố nhỏ như xe lún cát ở Quảng Nam, sa lầy ở hồ Trị An. Một lần khác, tại Phú Quốc, pin dự phòng hết giữa đêm. "Thật may là xe đỗ sát bờ biển, nên mình mở hết cửa ra, kéo cửa chống muỗi để gió, không khí lưu thông. Gió mát, không khí dễ chịu, cả nhà vẫn ngủ ngon lành”, anh Sơn kể.
Cứ vài ngày, gia đình anh lại ghé vào nhà dân xin nước. Nhiều người cho rằng việc này bất tiện nhưng với gia đình anh, đây lại là cơ hội để làm quen với những người bản địa, gặp gỡ những người dân tốt bụng, mến khách.
Những ngày đầu, gia đình nhỏ chủ yếu tự nấu ăn. Khi tới Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… họ bắt đầu dành cơ hội trải nghiệm đặc sản địa phương.
"Ghé qua các vùng biển, vợ mình thường mua hải sản ở chợ của bà con rồi chế biến trên xe. Ở Thị trấn Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), một xô hàu lớn chỉ 35.000 đồng”, anh Sơn cho biết. “Mình có lắp một quạt hút gió ngay khu vực bếp, giúp hạn chế mùi khi nấu nướng trên xe, lưu thông không khí để không bị ngạt khi ngủ”, ông bố Hà Nội nói thêm.
Sau chuyến đi, hai bạn nhỏ Kem và Kay “chuyển sang màu da đen” nhưng khỏe mạnh, cứng cỏi và tự lập hơn thấy rõ. Các con trước đây sợ nắng, sợ sóng biển lớn thì giờ tự tin tham gia các trò chơi nhảy sóng, lặn biển… Hai bạn nhỏ cũng giao tiếp mạnh dạn hơn, dễ dàng làm quen với những người bạn mới, thích nghi tốt với khí hậu, ẩm thực các địa phương khác nhau…
“Cuộc sống trong căn nhà 6m2 còn giúp các con rèn luyện những thói quen tốt như ngăn nắp, gọn gàng”, anh Sơn nói. “Vợ chồng tôi tin các con đã có mùa hè thú vị, được tận mắt thấy vẻ đẹp của quê hương, đất nước”, anh Sơn bày tỏ.
Theo tính toán, chi phí chuyến đi khoảng 40 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với sinh hoạt bình thường của gia đình. Trong đó, chi phí xăng xe khoảng 15 triệu đồng, phí cầu đường hết 2 triệu đồng, tiền ăn uống khoảng 20 triệu đồng. Trước đó, chi phí mua xe và sửa xe khoảng 300 triệu đồng. Chi phí cải tạo xe thành "nhà di động" khoảng 120-140 triệu đồng.