Amos Wu, 34 tuổi, sinh sống ở Sarawak (Malaysia), từng là quản lý của một quán cà phê mèo. Trước đây, phần lớn thời gian của anh để quản lý các hoạt động của quán, chăm sóc cho khoảng 15 con mèo. Nhưng bây giờ, mọi công việc của Amos Wu chỉ xoay quanh cậu con trai 1 tuổi, theo Asia One.
"Mọi sinh hoạt, thói quen của tôi là do con trai tôi sắp đặt", người đàn ông nội trợ toàn thời gian cho biết.
Một ngày bình thường, Amos Wu thức dậy khi con trai dậy, khoảng 6-7h sáng. Trước khi chuẩn bị bữa sáng cho con, anh dành thời gian duy nhất trong ngày cho bản thân để tắm. Toàn bộ thời gian còn lại anh Amos Wu chăm sóc con trai.
"Điều quan trọng dẫn đến quyết định mang tính bước ngoặt là tôi muốn quan sát con lớn lên mỗi ngày thay vì nhờ ai đó chăm sóc con. Nếu bạn bỏ lỡ khoảng thời gian phát triển của con, bạn sẽ không bao giờ lấy lại được. Một đứa trẻ có thể đánh mất mối quan hệ gắn bó với bố mẹ trong tương lai ở ngay khoảng thời gian này".
Hiểu và thương vợ con hơn
Bên cạnh việc dựa vào bản năng làm cha của mình, kinh nghiệm chăm sóc mèo nhiều năm qua cũng giúp Amos Wu làm tốt vai trò ông bố toàn thời gian.
Anh chia sẻ rằng có lần con trai anh bị chàm bội nhiễm khiến cổ sưng và tấy đỏ. Nếu là người không có kinh nghiệm, các bậc cha mẹ thường chạy đôn chạy đáo khắp nơi để hỏi han, lo lắng.
Nhưng với kinh nghiệm của mình, anh Amos Wu cho rằng việc quan trọng khi đó là phải giữ bình tĩnh. Con đau, con khóc, nếu cha mẹ không bình tĩnh sẽ làm mọi việc rối hơn. Cuối cùng mọi việc được giải quyết sau khi anh đưa con đi khám và tuân theo bác sĩ chữa trị.
Trong các tình huống hàng ngày, anh là người đưa ra quyết định và tự chịu trách nhiệm vì vợ anh đi làm rất bận. Vợ anh là một y tá ở bệnh viện lớn nên anh gần như không thể liên lạc với cô trong giờ làm việc hay giờ trực.
Amos Wu nói: "Chúng ta thường nghe về chuyện những người phụ nữ kiệt sức khi phải một mình chăm sóc con cái. Nhưng người đàn ông không bao giờ hiểu hết việc làm mẹ khó khăn như thế nào. Trở thành ông bố nội trợ toàn thời gian, tôi hiểu được sự mệt mỏi, khó khăn của các bà mẹ là như thế nào và sức chịu đựng của họ đáng nể phục".
Điều quan trọng là con được chăm sóc tốt nhất
Gia đình và bạn bè của Amos Wu đều hiểu anh yêu trẻ con, anh luôn chia sẻ bản thân muốn có con từ khi còn trẻ. Khi anh quyết định trở thành ông bố nội trợ, gia đình và bạn bè đều ủng hộ.
Trong khi đó, mẹ vợ là người lo lắng và hoài nghi nhiều khi lần đầu tiên nghe anh nói muốn trở thành ông chủ của chính mình.
Amos Wu thừa nhận rằng trong xã hội vẫn tồn tại tư duy truyền thống về vai trò giới tính người chăm sóc trẻ, nhất là khi tương tác với người thế hệ cũ hay bác sĩ.
"Những người lớn tuổi vẫn có tư duy truyền thống nên họ thích nói chuyện về con cái với phụ nữ như vợ tôi hơn, đôi khi tôi phải lấy thông tin lại từ cô ấy. Ví dụ như mẹ vợ có nói gì không, mẹ vợ có dặn dò gì không", Amos Wu chia sẻ.
Khi đi đến bệnh viện, bác sĩ muốn trao đổi trực tiếp về sức khoẻ của con với vợ anh hơn. Trong khi đó, anh mới là người chăm sóc con và đưa ra câu trả lời cho mọi câu hỏi của họ.
"Có nhiều người vẫn suy nghĩ rằng mẹ phải là người chăm sóc con nhỏ, làm việc nhà, bố ra ngoài kiếm tiền. Tôi không ủng hộ, giới tính không phải là vấn đề trong việc chăm sóc con cái. Trong hôn nhân, phân chia vai trò làm cha làm mẹ do hai bên trao đổi, thoả thuận để đi đến thống nhất. Tất cả những gì cha mẹ cần quan tâm là liệu con cái có được chăm sóc tốt nhất hay chưa", Amos Wu nói.
Sợ lời khen ngợi
Mọi quyết định của Amos Wu xuất phát từ tình thương vợ, yêu con, anh không làm để chứng tỏ điều gì, anh cảm thấy sợ hãi khi nhận nhiều lời khen ngợi.
Bạn bè, người thân xung quanh hay ca ngợi anh chăm sóc con "như một người chuyên nghiệp". Nhưng anh cho rằng những việc làm hàng ngày của anh không đáng nhận lời khen. Đơn giản vì anh chỉ đang hoàn thành trách nhiệm cơ bản của một người làm cha.
"Mọi người không nên khen hay chê trong trường hợp này. Điều gì phù hợp với gia đình tôi thì tôi làm, có thể sẽ không phù hợp với gia đình bạn. Tôi hiểu ý tốt của mọi người nhưng tôi thấy hơi mệt và không thích cho lắm", anh nói.
Hiện tại, ưu tiên lớn nhất của anh là tiếp tục làm một ông bố nội trợ, chăm sóc con cho đến khi con đến "tuổi dậy thì nổi loạn". Anh ấy kêu gọi nhiều ông bố cùng tham gia hơn để trải nghiệm vai trò là người chăm sóc chính trong gia đình, bỏ ngoài tai những lời bình phẩm khen chê của xã hội.