Nhà 4 đời “chơi” cây
Lối vào nhà ông Kiều Huấn (SN 1938) ở Phú Nhi (Sơn Tây, Hà Nội) gây ấn tượng bởi những bóng cây được trồng vây quanh cổng, rợp mát và xanh tươi. Trong sân, những chậu cây cảnh đủ các thế được xếp nghiêm chỉnh thành các hàng nối nhau. Ai đến đây cũng rất ấn tượng với vườn cây cảnh của gia đình ông Huấn.
Ông giới thiệu, đây là những gốc cây được gia đình ông dày công chăm sóc nhiều năm, có nhiều cây từ thời các cụ để lại. Từ thời ông bà của ông Huấn, cây cảnh đã xuất hiện trong nhà. Bố ông là người có tình yêu cây đặc biệt. Bản thân ông từ nhỏ đã thích cây cảnh và hy vọng sau này có được một vườn cây thật đẹp. Tình yêu ấy cứ nhen nhóm dần theo năm tháng.
Sau này ông chọn theo nghề giáo. Dù vẫn khao khát có một vườn cây cảnh riêng cho mình nhưng vì thời gian không cho phép, ông tạm gác lại đam mê. Những ngày đó, thi thoảng rảnh rỗi, ông vẫn thăm thú cây cối của bạn bè, người quen hoặc tìm những hình ảnh cây cảnh ở trên báo để ngắm, thỏa đam mê. Những cây trong vườn nhà ông ngày ấy cũng thưa thớt, chưa nhiều cây có thế đẹp.
Năm 1990, khi về hưu, ông Huấn mới chuyên tâm dành thời gian chăm sóc và sưu tầm thêm các loại cây yêu thích vào vườn nhà.
“Trước đây khi làm giáo viên, tôi cũng yêu cây lắm nhưng không có nhiều thời gian chăm sóc. Khi về hưu, thời gian có, điều kiện giao lưu xã hội có, kinh tế cũng đỡ khó khăn hơn, tôi chuyên tâm hơn vào công việc chăm sóc cây cối để được sống với đam mê của mình”, ông Huấn nói.
Ông chia sẻ, thời gian đầu trồng cây khá khó khăn, ông phải đi xin ắc quy cũ của xe ô tô thải ra, về bỏ lõi, lấy vỏ, cho đất vào trong tạo thành chậu để trồng. Các cây cảnh khi đó ông cũng chỉ đi xin người ta hoặc giao lưu, trao đổi với những người cùng sở thích. Từ tâm hồn của một người yêu cây và con mắt nghệ thuật của mình, ông Huấn biến những “cây ven đường” thành cây cảnh, đẹp mắt, có thế.
Mỗi sáng sớm, ông dành thời gian chăm sóc, tỉa tót cho cây. Làm nhiều thành quen, ông coi đó là niềm vui.
Trong vườn hiện tại của nhà ông Huấn có những cây từ năm 1994 được chăm sóc cẩn thận. Vốn là giáo viên dạy sinh học của trường, ông Huấn có kỹ thuật chăm sóc và tình yêu cây đặc biệt.
Ông cho biết, ban đầu, việc chăm sóc cây rất khó khăn. Nhiều cây bị hỏng, sâu bệnh phải bỏ đi. Nhưng sau nhiều lần thất bại, thành công đã đến. Ông rút ra những kinh nghiệm quý cho mình và có cách chăm sóc tốt, giúp cây phát triển xanh tươi, không sâu bệnh.
Ông tìm tòi, nghiên cứu cách cắt tỉa sao cho đẹp, tạo được những thế cây đặc trưng. Yêu cây lại làm giáo viên nhiều năm, ông Huấn tự viết một cuốn giáo trình chăm sóc cây cho riêng mình và chia sẻ đến mọi người.
Theo ông, điều quan trọng nhất để giúp cây sống khỏe là phải cho “ăn nước” và có đủ ánh sáng. Sau đó, người thợ sẽ cắt tỉa theo ý của mình, tạo thành những cây vừa đẹp mắt vừa đẹp tinh thần.
Cây là bác sĩ của gia đình
Từ ngày về hưu, được bầu bạn với cây, ông Huấn cảm thấy yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống hơn nhiều. Khi rảnh rỗi, ông tham gia các hội trưng bày cây cảnh ở các tỉnh thành như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên… và các huyện xung quanh.
Đối với ông, đây là cơ hội giao lưu tác phẩm của mình cũng là dịp để học hỏi, trao đổi các loại cây mình yêu thích. Có người thích cây của ông nên muốn đổi, ông cũng vui vẻ đồng ý. Nhờ vậy, ông Huấn kết giao được nhiều bạn bè ở khắp các nơi, thi thoảng lại gọi điện kể chuyện cho nhau nghe khiến tuổi già thêm ý nghĩa.
Năm 1994, ông là 1 trong 7 người sáng lập Hội Sinh vật cảnh của thị xã Sơn Tây. Tại sân nhà ông hiện có hơn 100 chậu cây với đa dạng loại. Ngoài ra, gia đình ông còn sở hữu một vườn riêng có hơn 100 loại cây khác.
“Ai đến nhà tôi cũng bị những cây xanh này hút hồn. Nhiều người hỏi mua lắm nhưng tôi chưa bán. Có một số cây đã bán đi vì tôi muốn thay thế bằng các cây khác. Nhưng mỗi lần bán đều thấy rất tiếc vì trong mắt mình, cây nào cũng đẹp, cũng là công sức chăm sóc mình dày công bỏ ra”, ông Huấn chia sẻ.
Hỏi về giá của mỗi cây, ông Huấn chỉ cười. Ông cho rằng mỗi gốc cây đều “vô giá” và giá trị của nó tùy vào con mắt của mỗi người. Có người nhận định cây đẹp sẽ trả giá cao, có cây mình cho là đẹp nhưng người ta không thích lại trả giá thấp. Việc chơi cây và thẩm mỹ về cây của mỗi người theo ông là rất khác nhau.
Vì tuổi tác cao nên nhiều năm trước ông đã giao “toàn bộ gia tài cây” lại cho con trai cũng là người rất yêu cây cảnh. Con trai ông hiện là người chăm sóc chủ yếu, ông chỉ phụ giúp mỗi khi thảnh thơi.
“Đối với tôi, cây là bác sĩ của gia đình vì giúp mang lại không gian xanh, cho sức khỏe và tinh thần tốt. Mỗi sáng, nghe chim về trú ngụ, hót líu lo trên những tán cây, tôi lại thấy tâm hồn mình tươi trẻ lại”, ông Huấn tâm sự.