Mỗi ngày, ông Cho Sung-whoi (71 tuổi) đều đi giao hàng bằng tàu điện ngầm rồi xuống đi bộ đến nhà khách hàng.
Ông đi theo lộ trình trong ứng dụng điện thoại di động để đến địa chỉ của người nhận. Sau khi hoàn thành, ông quay lại văn phòng để nhận đơn hàng mới.
Ông Cho hiện là một trong 10 người "shipper tóc bạc" ở công ty giao hàng.
Nếu làm cả ngày, ông nhận tiền công khoảng 30 USD (hơn 764 nghìn đồng). Số tiền này được bổ sung vào khoản lương hưu ít ỏi, chưa đầy 110 USD/tháng của ông.
“Tôi có thể xin nghỉ bất cứ khi nào tôi muốn. Ưu thế lớn nhất của công việc này là tự do về thời gian”, ông nói.
Sau khi nghỉ hưu, ông Cho từng đi du lịch nhưng nhanh chóng cảm thấy vô nghĩa. Chỉ khi được giới thiệu công việc, ông mới tìm thấy lại sự hứng khởi.
Công việc không chỉ giúp ông tìm thấy niềm vui mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định, sử dụng thời gian hữu ích hơn.
Trên thực tế, những người trên 65 tuổi vẫn tiếp tục đi làm như ông Cho không hề hiếm ở Hàn Quốc.
Bà Kim Nan-hyang (69 tuổi) dành cả đời để chăm sóc con cháu và cảm thấy tuổi hưu của mình bị chôn vùi trong những công việc thường nhật.
"Tôi muốn ra ngoài, hòa nhập với cộng đồng xã hội, để biết được bản thân có khả năng gì và khám phá nhiều con đường mới", bà nói.
Bà tìm đến Trung tâm Hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi Seoul. Bà yêu thích các công việc như hướng dẫn viên ở bảo tàng kim chi.
Bà nghĩ mình có thể tham gia các hoạt động xã hội, nhưng sẽ ý nghĩa hơn nếu tạo ra thu nhập. Do đó, bà Kim nghĩ đến việc bắt đầu kinh doanh.
Nỗ lực tạo việc làm cho người cao tuổi
Dù tuổi đã cao, nhiều người già vẫn tiếp tục đi làm. Lý do một phần vì lương hưu thấp, một phần vì họ tìm thấy niềm vui trong công việc.
Họp báo mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nói chính phủ sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn cho người cao tuổi, đi cùng với cam kết tăng lương hưu.
Bà Park Joo-im, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi Seoul, cho biết người cao tuổi thường thiếu thông tin về cơ hội việc làm.
Họ cảm thấy không chắc về việc mình có thể làm và thường bắt đầu với những câu hỏi như: "Tôi có thể làm việc không?" hay "Có nơi nào thuê người cao tuổi không?".
Giáo sư Jung Jae Hoon, Đại học Phụ nữ Seoul nói: “Thay vì chỉ cung cấp việc làm, các chính sách trong tương lai nên tập trung tạo ra cơ hội việc làm theo định hướng thị trường.
Hỗ trợ họ làm chủ doanh nghiệp hoặc khuyến khích khởi nghiệp, đồng thời tuổi nghỉ hưu cần được điều chỉnh linh hoạt”.