Ông Vi Tư Hạo |
Vi Tư Hạo sinh ra trong một gia đình bình thường ở thành phố Đông Dương, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) vào năm 1938. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã thích đọc sách. Hầu hết các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng đều được ông đọc đi đọc lại nhiều lần.
Năm 1957, ông đỗ vào khoa tiếng Trung của Đại học Hàng Châu. Và trở thành giáo viên cấp 2 sau khi tốt nghiệp.
Trong những ngày tháng đứng trên bục giảng, ông gặp rất nhiều học sinh xuất sắc nhưng không thể tiếp tục theo học vì nghèo. Mỗi khi thấy những đứa trẻ nhìn vào lớp học với ánh mắt luyến tiếc và bất lực, trái tim ông lại quặn thắt.
Vi Tư Hạo quyết định giúp đỡ những học sinh nghèo đó, nhưng lương của ông lúc ấy không cao. Để có tiền giúp đỡ bọn trẻ, ông phải sống rất eo hẹp. Tuy vậy, ông cũng chỉ giúp được rất ít người.
Trước khi nghỉ hưu vào năm 1999, ông tìm gặp lãnh đạo trường, bày tỏ mong muốn thành lập một quỹ học bổng để giúp đỡ những học sinh có thành tích học tập tốt nhưng không thể đến trường vì nghèo.
Tuy nhiên, vì sống quá tiết kiệm nên bề ngoài của ông khiến người ta có cảm giác ông là người nghèo khổ. Không ai dám tin, ông có thể chi tiền để giúp đỡ người khác. Vậy nên lời đề nghị của ông bị lãnh đạo trường từ chối. Ông đành rời khỏi khuôn viên trường với sự tiếc nuối.
Sau khi nghỉ hưu, Vi Tư Hạo nhận được mức lương hưu 5600 tệ/tháng (20 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại). Với số tiền này, người bình thường có thể sống một cuộc sống thoải mái nhưng Vi Tư Hạo đã chọn một cuộc sống hoàn toàn khác. Ông giấu các con, trở thành một ông lão nhặt rác, nghèo khổ.
Quyết định của ông khiến hàng xóm, bạn bè bất ngờ. Ai cũng xì xào, bàn tán. Có người còn nghi ngờ những đứa con lấy chồng xa của Vi Tư Hạo bất hiếu nên mới khiến ông trở nên như vậy.
Những lời bàn tán ấy đến tai 3 con gái của Vi Tư Hạo. Tất cả đều bức xúc. Họ thậm chí còn họp gia đình, đòi đón bố về sống cùng mình để chăm sóc. Nhưng Vi Tư Hạo kiên quyết từ chối. Ông vẫn tiếp tục công việc nhặt rác và sống một mình trong căn hộ cũ kĩ.
Năm 2014, Vi Tư Hạo bất ngờ nổi tiếng trên Internet. Lúc đó, ông khoác sau lưng một chiếc túi với đồ đạc lỉnh kỉnh và bước đến cửa thư viện Hàng Châu. Sau khi đã cất đồ đạc gọn gàng, ông mới bước vào trong.
Tuy nhiên, ông không tìm sách ngay mà đi đến bồn nước, rửa tay thật cẩn thận. Sự tôn trọng của ông đối với sách đã thu hút ánh nhìn của một phóng viên. Ngay lập tức, người phóng viên đã chụp ảnh và đưa lên Internet.
Ông luôn giữ thói quen rửa tay cẩn thận trước khi chạm vào sách. |
Vi Tư Hạo nhanh chóng nhận được sự chú ý của nhiều người. Mọi người đều ca ngợi tính cẩn trọng của ông lão. Một số phụ huynh thậm chí còn lấy bức ảnh để truyền cảm hứng cho con cái của họ.
Nhưng tại thời điểm ấy, hầu hết mọi người đều chỉ biết ông là một người nhặt rác tôn trọng sách. Không ai tưởng tượng được rằng, ông lão có vẻ ngoài nghèo khổ, hôi hám ấy từng là một giáo viên và đang có mức lương hưu không hề thấp.
Vi Tư Hạo đến thư viện không chỉ một hai lần. Bất cứ khi nào có thời gian, ông lại đến đọc sách. Lần nào đến ông cũng rửa tay cẩn thận. Có người hỏi ông tại sao lần nào cũng phải rửa tay. Ông lão chỉ ngượng ngùng cười: "Không được làm bẩn sách".
Sau mỗi buổi nhặt rác, ông đều đến thư viện Hàng Châu để đọc sách. |
Yêu sách và thích đọc sách nhưng do tuổi cao, thị lực của ông ngày càng kém dần. Mỗi khi đọc, ông phải đưa mắt rất gần vào cuốn sách thì mới có thể nhìn thấy chữ.
Tuy nhiên, vào ngày 13/12/2015, trên đường đi nhặt rác, ông đã bị một chiếc taxi đâm phải. Sau hơn 20 ngày nằm viện, ông qua đời.
Ba con gái trở về nơi ở của cha để thu dọn đồ đạc. Trong ngôi nhà nhỏ, chỉ có một tấm phản và những đồ đạc cũ kĩ, cả 3 người nhìn nhau bật khóc. Họ không thể tưởng tượng được vì sao cha lại kiên quyết sống cảnh như thế này.
Trước đó, họ đã nhiều lần đề nghị sửa nhà nhưng Vi Tư Hạo không đồng ý. Ông luôn nói, đừng lãng phí tiền, căn nhà hiện tại vẫn đủ tốt để ông có thể sống thoải mái.
Bây giờ nhìn thấy căn nhà, họ càng không hiểu được vì sao, lương hưu của cha cao nhưng ông lại muốn làm khó mình như vậy. “Tôi nhớ bố tôi đã bị ngã khi đi lên bậc thang ở thư viện vào năm trước. Chân ông bê bết máu, có vết thương dài 10cm. Một người phụ nữ tốt bụng đã đưa ông đến bệnh viện, bác sĩ bảo ông hãy nghỉ ngơi. Nhưng ông chỉ mua băng và thuốc rồi bỏ đi”, cô Ngô - con gái thứ 2 của Vi Tư Hạo chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Khi biết tin, cô đã cãi nhau với cha đẻ của mình. Hành vi không trân trọng cơ thể của cha khiến cô rất buồn. Ngay cả sau khi cha qua đời, cô vẫn còn một chút oán hận trong lòng. “Nếu cha tôi không đi nhặt rác mà sống với các con, có thể ông sẽ không phải rời khỏi thế gian theo cách như vậy”.
Mãi cho đến khi nhìn thấy một chiếc hộp sắt, trong đó có những tờ giấy biên nhận và thư từ, các con mới hiểu tất cả những điều dị thường của cha. Hóa ra, kể từ khi nghỉ hưu, Vi Tư Hạo đã nhận đỡ đầu một số học sinh có gia cảnh nghèo.
Theo giấy biên nhận, ông bắt đầu gửi tiền dưới tên Ngụy Đinh Triệu từ năm 1994 và đã quyên góp được 21 năm. Ông cũng luôn giữ liên lạc với những đứa trẻ mà ông bảo trợ trong những năm qua. Khi bọn trẻ gặp phải các vấn đề khó khăn trong cuộc sống, chúng viết thư hỏi ông, ông đều kiên nhẫn trả lời.
Trong chiếc hộp sắt, con gái của Vi Tư Hạo còn tìm thấy một hợp đồng hiến xác. Ông lão hy vọng rằng sau khi qua đời, tất cả những gì còn lại của ông sẽ được hiến tặng cho những người khó khăn cần đến.
Khi hiểu rõ sự tình, rất nhiều người đã rơi nước mắt vì cảm động. Họ quyết định huy động tiền để làm tiếp những việc mà ông đang dang dở. Một số còn có nguyện vọng làm một bức tượng cho ông.
Vì thế, ngày nay, khi đến thư viện Hàng Châu, mọi người có thể thấy bức tượng ông già đang đọc sách. Đó chính là ông già Vi Tư Hạo - người từng được Giáo sư Lâu Hàm Hùng (Đại học Chiết Giang) nhận xét là một nhà giáo dục có tâm. “Anh ấy đã ra đi, nhưng tinh thần của anh ấy vẫn mãi ở lại thành phố này".
Bức tượng ở thư viện Hàng Châu. |
Linh Giang (Theo Sohu)
Cậu học trò nghèo thành tài, tặng cô giáo cũ căn nhà 70m2
Mùa đông lạnh giá, thấy Chí Đức không có giầy đi, Trương Tú Vinh lấy hơn nửa tháng lương của mình cho cậu bé mua giày. Điều này khiến cậu cảm động và ghi nhớ trong suốt cuộc đời.