“Vua lặn”
12h trưa, sau khi kết thúc giờ làm việc buổi sáng, ông Phạm Văn Lượm (SN 1960, còn gọi là Út Tèo, TP.Thủ Đức, TP.HCM) tranh thủ chăm sóc hàng cây cảnh trước căn phòng nhỏ. Vừa tưới cây, ông vừa kể về những tháng ngày nhiều sóng dữ của đời mình.
Trước khi trở thành vị trưởng ban bảo vệ dân phố có nhiều thành tích bắt cướp, trấn áp tội phạm, ông Tèo từng là “vua lặn” của làng lặn An Khánh (nay là Phường An Khánh, TP.Thủ Đức).
Sinh ra ở ngôi làng chuyên lặn mò tìm phế liệu, ông Út Tèo nổi tiếng bơi lặn giỏi. Sau khi xuất ngũ, ông trở thành nhân viên trục vớt ở cảng Sài Gòn, công ty Ba Son. Những năm ấy, ông nhiều lần lặn trục vớt tàu thuyền, hàng chìm dưới sông Sài Gòn.
Cái nghề nguy hiểm, lấy tay làm mắt không khiến ông sợ hãi. Những ca chìm tàu hàng khó, ông đều có mặt xử lý. Ông nhớ những lần ngụp lặn dưới độ sâu hơn 20m ở sông Sài Gòn để vớt tàu hàng.
Ông kể: “Những lần đó chúng tôi phải đào sâu xuống lòng sông rồi tiếp tục đào lớp đất bên dưới thân tàu. Sau đó, chúng tôi lại đào ngược trở lên tạo thành đường hầm hình chữ U để có thể luồn dây cáp qua dưới thân tàu.
Việc đào những đường hầm như thế rất nguy hiểm. Bởi, đất dưới lòng sông có thể sụt lún bất cứ lúc nào. Lúc đó, chúng tôi chưa có máy móc, thiết bị hiện đại như bây giờ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên luôn trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc”.
Ông Tèo theo nghiệp lặn trục vớt đến khi được vận động tham gia lực lượng bảo vệ dân phố ở phường An Khánh. Vốn ghét cái ác, khi có cơ hội tham gia trấn áp tội phạm, ông Tèo đồng ý ngay. Từ đó, ông vua lặn một thời trở thành khắc tinh của tội phạm, giang hồ.
Nhiều năm trước, khu vực An Khánh được các đối tượng tội phạm, dân anh chị xã hội xem là mảnh đất màu mỡ. Bởi, nơi đây gần cảng nên tập trung nhiều hàng hóa, tàu bè. Cũng vì thế, dân anh chị tìm đến đây bảo kê, buôn lậu… khiến khu vực tập trung nhiều tệ nạn xã hội.
Mỗi lần đi tuần, ông Tèo đều phát hiện những vụ đánh nhau, trộm, cướp giật… Ông cũng nhiều lần đụng độ các vụ thanh toán, tranh giành địa bàn của các băng nhóm giang hồ. Những lúc như vậy, ông đều dũng cảm trấn áp, phối hợp với cơ quan công an xử lý kịp thời.
Những lần đối mặt tử thần
Sau những lần “đụng độ”, ông Út Tèo nhẵn mặt nhiều tay giang hồ cộm cán tại Quận 2 xưa như: Tài “Ba Đô”, Đại “què”, Dũng “bia”… Trong số này, táo tợn và manh động hơn cả là băng nhóm của Đại “què” khi luôn trang bị vũ khí nóng mỗi khi đi cướp.
Là người nắm rõ mọi ngõ ngách ở địa bàn, ông Út Tèo liên tục phát hiện, xử lý các vụ cướp, buôn bán ma túy, bảo kê của các đối tượng này. Đối với loại tội phạm có tổ chức, ông tham gia, phối hợp với lực lượng công an bắt giữ, triệt phá.
Ông nhớ lần phối hợp với Đội 3, Công an TP.HCM bắt đối tượng buôn bán ma túy có số lượng lớn. Sau lần này, ông bị đàn em của đối tượng tìm cách trả thù.
Ông kể: “Lần đó, tôi đang chạy xe máy ra khỏi hẻm thì chúng xô một đối tượng ra khiến tôi phải thắng gấp. Lúc này, các đối tượng khác lao đến rút dao đâm trúng người tôi. Vết đâm xuyên thấu từ lưng ra trước bụng.
Tuy vậy, tôi vẫn cố gắng truy đuổi các đối tượng. Sau đó, tôi được đưa vào bệnh viện. Trong lúc trị thương, các đối tượng vẫn tiếp tục truy lùng tôi để trả thù. Nhưng lúc đó tôi được cơ quan chức năng bảo vệ nên chúng không thực hiện được ý định”.
Liên tục phát hiện, triệt phá các đường dây buôn lậu, bảo kê, bán ma túy của nhiều tay giang hồ, Út Tèo trở thành cái gai cần phải nhổ trong mắt dân anh chị Quận 2 xưa. Nhiều đối tượng đã cho đàn em tổ chức truy sát, hòng triệt tiêu ý chí trấn áp tội phạm của ông.
Một lần, ông bị chúng dùng dao đâm trúng vai. Cũng như lần trước đó, mặc cho con dao còn ghim trên phần vai trái, ông quyết chống trả, truy đuổi đối tượng hành hung mình. Sau này, các đối tượng truy sát ông đều bị công an truy quét, bắt giữ.
Năm 2010, ông tiếp tục khiến tội phạm cướp giật run sợ. Năm đó, dù đã 50 tuổi, ông vẫn lao xuống lòng sông Sài Gòn, nơi được nhận định là "10 người nhảy thì 9 người chết" để truy bắt tên cướp táo tợn.
Ông chia sẻ: “Tôi nhiều lần bị trả thù nhưng chưa bao giờ sợ run sợ và có ý định khoan nhượng trước cái ác, tội phạm. Nếu run sợ, cái ác sẽ lấn át những điều tốt đẹp của xã hội, cuộc sống người dân sẽ không yên ổn.
Bây giờ, địa bàn đã được chuyển hóa. Các tay anh chị ngoài việc bị bắt, đi tù, chết… đều đã “xếp cánh”, “gác kiếm” hoàn lương. Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục công việc của mình. Tôi quyết cống hiến cho xã hội, đối mặt với tội phạm đến hơi thở cuối cùng”.
Hiện nay, ngoài tham gia bắt cướp ông Tèo còn tham gia giải quyết các vụ tranh chấp, đánh nhau trên địa bàn bàn. Ông cũng là người trực tiếp giám sát giáo dục người đã chấp hành án phạt tù và được trở về địa phương.
Với các thành tích của mình, ông Út Tèo được chính quyền địa phương, TP.HCM trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen.