Quốc hội dành cả ngày hôm nay để thảo luận về các báo cáo công tác của TANDTC, VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Chiều 21/11, cuối phiên thảo luận, giải trình một số vấn đề, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết qua phát biểu của ĐBQH thì có băn khoăn việc "càng chống, càng đấu tranh quyết liệt nhưng tội phạm càng tăng".
Theo ông Trí có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân gốc là cần quan tâm, tập trung phòng, ngừa để chủ động ngăn chặn kịp thời tội phạm từ gốc.
Ông cho rằng phải đồng bộ các giải pháp, từ xây dựng pháp luật, cả hệ thống chính trị và xã hội cùng vào cuộc, đến việc tuyên truyền để mọi người tự biết bảo vệ mình và cảnh giác.
Theo ông, trong đấu tranh tội phạm bao giờ cũng có 2 yêu cầu là chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm. “Để đảm bảo vừa đạt được cả 2 yêu cầu tròn trịa như mong muốn, sắp tới khi làm luật chúng ta cũng phải suy nghĩ”, ông Trí nhấn mạnh.
Có ĐBQH cho rằng "tội phạm có những loại càng chống càng tăng". Lý giải, Viện trưởng dẫn chứng tội phạm tham nhũng, ma túy, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp...có đặc thù là "ẩn", nên khi đấu tranh mạnh sẽ phát hiện và xử lý được nhiều, còn khi làm chưa đủ mạnh, không phát hiện ra nhiều thì "mình nói là không có".
Ông Trí cho biết: "Tội phạm tham nhũng so với trước đây chắc chắn là giảm, còn giảm bao nhiêu thì phải có đánh giá cụ thể. Còn qua quan điểm về kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, vấn đề chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật và vấn đề điều tra, xử lý, truy tố, xét xử hiện nay, nói không giảm là không đúng".
Viện trưởng Lê Minh Trí cũng nhận định tội phạm tham nhũng tuy giảm nhưng vẫn còn, nên vẫn phải đấu tranh, xử lý.
Giải trình trước đó, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an phân tích từ đầu năm đến nay, thế giới, khu vực diễn biến rất phức tạp, tác động đến trong nước, cùng với những khó khăn tích tụ trong đại dịch Covid-19 đã tạo điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật nhiều hơn so với năm trước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhìn nhận tình hình an ninh trật tự, tội phạm và vi phạm pháp luật cơ bản được kiểm soát tốt, môi trường xã hội được duy trì. Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động rất phức tạp.
"Khối lượng công việc các cơ quan chức năng phải giải quyết trong năm 2023 rất lớn, gần 170.000 tin báo tố giác tội phạm, trên 134.000 vụ án với gần 210.000 bị can, trên 6 triệu vụ xử lý vi phạm hành chính trải rộng nhiều lĩnh vực đời sống xã hội thì việc còn những tồn tại, hạn chế cũng là điều khó tránh khỏi", Đại tướng Tô Lâm thông tin.
Ông cho biết có 3 nhóm nguyên nhân. Về chủ quan là vấn đề triển khai giải pháp phòng chống tội phạm; sự phối hợp giữa cơ quan chức năng; về tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, cá biệt có những trường hợp sai phạm tiêu cực, vi phạm pháp luật của một số ít cán bộ, chiến sĩ.
Thứ hai là những khó khăn, vướng mắc pháp luật, cơ chế chính sách.
Thứ ba là những khó khăn về nguồn lực, Bộ trưởng cho biết, yêu cầu nhiệm vụ tăng lên nhưng biên chế và kinh phí phương tiện còn khó khăn, thậm chí không được tăng.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Bảo đảm an ninh trật tự trong thời gian tới là rất nặng nề, khó khăn và cấp bách, tình hình hiện nay diễn biến hết sức mau lẹ và phức tạp. Đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật là lĩnh vực có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, vừa là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài, vừa là vấn đề cấp bách trước mắt".