Chương trình Dân hỏi - thành phố trả lời giúp được rất nhiều người dân TP.HCM gặp khó khăn, đồng thời mở ra một cách giao tiếp mới giữa người dân và chính quyền thành phố.

Tối 3/9, trong chương trình livestream Dân hỏi - thành phố trả lời, ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức - đã kết nối điện thoại trực tiếp với một người dân trên địa bàn để hỏi han, giải quyết cụ thể về gói cứu trợ người gặp khó khăn do Covid-19 mà người này được hưởng. Ông Hoàng Tùng giải thích rõ việc vì sao người này đã nhận được gói cứu trợ đợt một và hứa sẽ tìm hiểu về yêu cầu nhận thêm của người dân.

Việc một lãnh đạo chính quyền gọi điện trực tiếp để giải đáp các vấn đề nhạy cảm trên sóng trực tiếp như vậy chưa từng xảy ra trước đây. Cùng với việc trả lời ng thắn, đi vào vấn đề của người dân, chương trình Dân hỏi - thành phố trả lời của TP.HCM đang tạo được sự quan tâm rất lớn từ người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành hiện nay.

VietNamNet đã có buổi trò chuyện với ông Lê Quang Tự Do - Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT) - về chương trình do Sở TT&TT TP.HCM phối hợp với Bộ TT&TT thực hiện. Ông Lê Quang Tự Do là người  tham gia dẫn trên sóng trực tiếp cùng với MC Quyền Linh từ khi chương trình ra đời đến nay.

{keywords}

Ông Lê Quang Tự Do 

Không dàn dựng

Thưa ông, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức gọi điện cho người dân trên sóng trực tiếp như vậy có nằm trong kịch bản chuẩn bị trước?

Chương trình Dân hỏi - thành phố trả lời là người thật, việc thật và không dàn dựng. Chúng tôi để người dân gửi câu hỏi trước, sàng lọc ra những câu không bị trùng và được nhiều người quan tâm để trả lời. Bên cạnh đó, cũng phản hồi những câu hỏi đặt ra trong phần bình luận lúc livestream.

Việc gọi điện trực tiếp cho người dân ngay trong chương trình để giải đáp cũng không hề dàn cảnh. Chúng tôi chọn những sự việc bức xúc nhất của người dân, những hoàn cảnh đặc biệt nhất gửi về chương trình để lãnh đạo thành phố và lãnh đạo quận huyện trả lời trực tiếp.

Nhiều lãnh đạo địa phương nắm rõ địa bàn nên muốn đích thân xác minh để trả lời người dân cho chính xác, vì cũng có trường hợp sau khi hỏi ra mới thấy không phải như vậy.

Đến nay, chương trình đã có 3 lãnh đạo thực hiện gọi trực tiếp, giải đáp thắc mắc cho dân. Việc này tạo hiệu ứng tốt, được bà con đánh giá cao.

Việc lãnh đạo gọi điện trực tiếp giải quyết như vậy có khiến người dân dồn câu hỏi vào chương trình. Điều này có tạo sức ép cho những người thực hiện, thưa ông?

Những cuộc gọi trực tiếp, người thật việc thật như vậy giúp củng cố niềm tin của người dân với chính quyền. Song song đó, thành phố thực hiện cứu trợ trên diện rộng.

Chẳng hạn, cho đến nay, chương trình đã tổng hợp được khoảng 1,6 triệu đơn đăng ký để gửi về các quận huyện xử lý. Nhờ đó, công tác giải ngân, cấp phát tiền hỗ trợ và túi an sinh cho người dân được thúc đẩy rất nhanh. Trong một tuần đã đạt được một triệu túi, một con số rất cao.

Việc cấp phát cứu trợ nhanh chóng đến nhiều người dân là xử lý trên diện rộng, còn gọi điện trực tiếp trong chương trình là một cách cho thấy lãnh đạo thành phố và địa phương muốn lắng nghe ý kiến nhân dân để xử lý kịp thời. 

{keywords}

Kênh thông tin khổng lồ tạo sự thay đổi chính sách

Lãnh đạo thành phố và quận huyện xử lý trực tiếp từng trường hợp cụ thể trên sóng như vậy đã tạo sự liên thông giữa chính sách và đời sống ra sao, thưa ông?

Đây là một chương trình của chính quyền để nghe trực tiếp các bức xúc, nguyện vọng, nhu cầu, lời kêu cứu của người dân. Muốn nghe trực tiếp những ý kiến đó thì tất cả những ý kiến của người dân phải được truyền đạt một cách chân thực nhất.

Khi làm báo, làm một chương trình truyền hình thì chúng ta sẽ cắt gọt tên, địa chỉ, số điện thoại. Những chương trình đó chỉ có tác dụng phổ biến chính sách, giải đáp chính sách, cũng như giải đáp những vấn đề chung trong quá trình thực thi. Nhưng với tính chất của chương trình này muốn trực tiếp lắng nghe dân và giải quyết những nỗi khổ của dân trong một hoàn cảnh quá ngặt nghèo như hiện nay thì bắt buộc phải người thật, việc thật, địa chỉ thật.

Hiện nay chương trình đang phát trên 12 trang fanpage và 2 kênh YouTube. Riêng lượng bình luận ở 4 kênh chính đã đạt tổng 200.000 lượt, cho thấy người dân rất quan tâm đến chương trình này.

Trong các bình luận, rất nhiều người đã nhận được túi an sinh, cám ơn thành phố, đồng thời xin hỗ trợ tiếp, hoặc xin hỗ trợ cho người thân, bạn bè gặp khó khăn. Tất cả những ý kiến này đều được chúng tôi tổng hợp gửi về địa phương để xử lý. Nhờ kênh này, rất nhiều địa phương đã giải quyết được, phát hiện được những hoàn cảnh khó khăn của người dân trên địa bàn mình.

Hiện nay việc cứu trợ dựa hẳn vào tổ dân phố và phường xã. Nên có trường hợp tổ trưởng dân phố bị đi cách ly, hoặc mệt quá không làm xuể, hoặc phường quá tải chẳng hạn thì ngay lập tức sẽ có hàng chục, hàng trăm hộ ở trong địa bàn kêu cứu lên chương trình. Vì vậy, cách này của chương trình đã giúp địa phương nắm được số lượng người dân đang cần giúp đỡ.

{keywords}

Trong khi làm chương trình, có hoàn cảnh nào khiến các ông cảm thấy xúc động?

Nhiều lắm. Như tôi nói lúc đầu có gần 1,6 triệu đơn đăng ký gói an sinh thông qua chương trình này. Con số đó đã cho thấy một thực trạng là kể từ khi thành phố thực hiện phong toả, cách ly nghiêm ngặt thì số lượng người khó khăn tăng lên rất nhiều.

Giữa một thành phố là đầu tàu kinh tế cả nước thế này mà vẫn có người khó khăn, một số ít đói ăn. Điều đó khiến cho rất nhiều người, trong đó có những người làm chương trình như chúng tôi rất đau lòng. Do đó, cần giải quyết nhanh nhất, trong một thời gian ngắn nhất, và phủ nhiều nhất cho những người đang khó khăn, đặc biệt là về lương thực.

Tuy nhiên chương trình này chỉ có tác động gióng lên hồi chuông về thực trạng, cũng như gửi những lời kêu đó đến chính quyền. Trước đó, phải có được sự chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo cao nhất của thành phố để thông suốt từ trên xuống dưới.

Vì vậy, khoảng 10 ngày nay, thành phố đã có những chủ trương mới cắt giảm rất nhiều tiêu chí để người dân dễ dàng nhận được túi an sinh. Trước đây, để được nhận hỗ trợ người dân phải đáp ứng nhiều tiêu chí hơn, phải xác nhận nhiều thứ hơn, rồi người khó khăn được định nghĩa cũng khó hiểu hơn, thì bây giờ định nghĩa rất đơn giản.

Ví dụ như hôm Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nói trên chương trình rằng tóm lại tiêu chí để người dân được hỗ trợ rất đơn giản: một là bị mất việc, hai là bị cách ly không đi làm được, ba là gặp khó khăn về lương thực.

Những người này thậm chí sẽ được công an phường, tổ dân phố đến phát luôn rồi ký nhận chứ họ không cần phải đi làm thủ tục gì cả. Đó là những điều chúng tôi thấy đạt được ở chương trình này.

{keywords}

 

Ngoài người dân gặp khó khăn, chương trình có nhận phản ánh từ phía doanh nghiệp?

Nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là đang đứng trên bờ vực phá sản. Họ có nhiều kênh để kêu cứu, riêng qua kênh này họ cũng gửi nhiều tâm tư, những ý kiến rất sâu sắc, tập trung nhiều vào việc xin có những chính sách về thuế, giãn nợ, khoanh nợ, hoặc xin điều chỉnh lại giấy đi đường để người lao động của họ đi làm việc được, rồi chính sách về 3 tại chỗ, một cung đường hai điểm đến...

Những khó khăn của họ hiện nay mang tính ngắn hạn, còn bài toán trung hạn là làm sao vẫn phải mở cửa lại để hoạt động. Vì một đất nước vận hành là do người dân làm việc và đóng tiền ngân sách để hoạt động. Đó là lý do doanh nghiệp mong muốn làm sao sớm có những giải pháp để mở cửa trở lại.

Ngoài việc cứu trợ của nhà nước, các doanh nghiệp đóng góp cho dân qua chương trình này cụ thể thế nào, thưa ông?

Việc cứu trợ hiện nay có hai nhánh, chính quyền hỗ trợ tiền và túi an sinh, nhánh kia là dân cứu dân. Nhiều người làm các bếp ăn từ thiện, các nơi hỗ trợ bình ô-xy, và những hoạt của người dân bình thường khác đều phát huy tác dụng. Nhưng đến ngày 23/8, bắt đầu giãn cách nghiêm ngặt, hầu hết đều phải dừng lại, lúc đó hoạt động của dân cứu dân lại bị tạm dừng, nhà nước mất đi một đội ngũ quan trọng.

Trong việc cứu trợ những người gặp khó khăn, tôi thấy ở Mặt trận Tổ quốc hiện nay đã nghĩ ra một cách rất hay, đó là xây dựng ra app An sinh. Trên app này, người dân đăng ký nhận cứu trợ, chính quyền phường xã sẽ xác nhận nhanh chóng. Các mạnh thường quân đọc được danh sách này, muốn cứu trợ bất kỳ ai cũng được. Sau khi cứu trợ, cả mạnh thường quân lẫn người dân và chính quyền đều nắm rõ con số hỗ trợ một cách minh bạch. Điều này hạn chế được những lùm xùm hiện nay về công tác cứu trợ do những người nổi tiếng thực hiện, khiến người dân mất niềm tin vào các hoạt động thiện nguyện.

{keywords}

 

Chủ động cung cấp thông tin ở ngay mảnh đất của tin giả

Chương trình đã làm được những việc rất ý nghĩa, tuy nhiên có điểm nào các ông vẫn thấy chưa hài lòng?

Xin nói trước những điểm đã làm được. Thứ nhất, chương trình đã tạo ra một cú hích cho cho chính quyền các cấp không chỉ ở TP.HCM trong việc sử dụng một công cụ truyền thông mới để tiếp cận với người dân, để vừa đối thoại vừa lắng nghe và giải đáp thắc mắc, vừa cung cấp thông tin chính xác. Phương tiện này là mạng xã hội, livestream - vốn đang được rất nhiều thành phần trong xã hội sử dụng nhưng chính quyền thì chưa dùng đến. Chính vì vậy,  nó là mảnh đất màu mỡ cho tin giả, tin sai sự thật, tin xấu độc lan tỏa. Nếu chính quyền sử dụng ở nơi mà mảnh đất tin giả phát sinh, chúng ta cung cấp thông tin đầy đủ chính xác, kịp thời, trực tiếp cho dân thì tin giả không còn đất để tồn tại. Cú hích này quan trọng nhất.

Thứ hai, chính quyền đã làm được điều chưa từng làm. Khi làm việc gì chưa có tiền lệ sẽ có rất nhiều những lo sợ xuất hiện, như sợ rủi ro, sợ nhỡ mồm nhỡ miệng, sợ người dân bình luận ném đá, sợ những điều chúng ta chưa làm được bị phơi bày, sợ những thông tin chúng ta nói ra rồi chúng ta không làm nổi,... Nhiều lắm, và những nỗi lo đó có lý, đặc biệt đối với chính quyền và đối với những người chịu trách nhiệm.

Chính quyền đã phải cân giữa cái được và cái mất. Và trong hoàn cảnh hiện tại này chắc chắn cái được phải lớn hơn. Do đó, người đứng đầu phải chấp nhận những sự nguy hiểm đó, và khi đã trở thành một chuyện bình thường rồi mọi thứ sẽ dễ dàng hơn.

Thứ ba, hiệu quả của chương trình mang lại rất cao. Mạng xã hội là phương tiện để đo lường dư luận xã hội, nắm bắt ý kiến của người dân rất thuận tiện, một kho khảo sát xã hội học khổng lồ. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào rất tốt để lãnh đạo tham khảo, ra được quyết sách rất gần, rất thực tiễn.

Tại sao chỉ trong một tuần TP.HCM phát được một triệu túi an sinh, giải ngân được hơn 2.000 tỷ trong khi trước đó làm rất mất thời gian? Vì khi thấy được tính cấp bách của việc cứu đói cho người dân quan trọng nhất, chính sách sẽ điều chỉnh để giải ngân nhanh nhất. Còn nếu chưa thấy được tính cấp bách đó, trong tình hình khẩn cấp như thế này, những tình huống đặc biệt như thế này vẫn làm theo các quy định cũ chắc chắn không phù hợp.

Vẫn còn một số thứ chưa được nhưng tôi cho rằng không nhiều và không đáng kể. Ví dụ, làm sao để người đại diện cho chính quyền ở trong các lĩnh vực trả lời các câu hỏi trực diện hơn, sát hơn. Qua 9 số, có nhiều người trả lời rất tốt, dân rất thích, nhưng cũng có những người trả lời theo kiểu chung chung. Làm sao các cấp chính quyền khi trả lời cho dân phải đối mặt với thực tiễn, thậm chí thực tiễn không tốt đang có để đối mặt với sự thật và giải quyết nó không tránh né.

Thứ hai, làm rồi mới biết các kênh báo chí truyền thông vẫn yếu trên mạng xã hội. Khi thực hiện chương trình, chúng tôi phải làm việc với những công ty chuyên nghiệp về livestream chứ các cơ quan khác chưa làm được.

Kinh phí là vấn đề cuối cùng. Trong giai đoạn này, kể cả anh Quyền Linh và những người khác đều đang làm với tinh thần thiện nguyện. Tuy nhiên, nếu được xem là một chương trình chính quy, bài bản trong những giai đoạn bình thường cần có chi phí, có kế hoạch và phải có hậu cần đảm bảo để làm lâu dài.

{keywords}

Để chương trình khởi sự, vượt qua những khó khăn và có được thành công bước đầu như hiện nay, ông nhớ đến những người nào đã thúc đẩy việc này?

Tôi có thể khẳng định, để chương trình này làm được và làm thành công như thế này, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng, cụ thể là lãnh đạo TP.HCM, mà trực tiếp thời điểm đó là Phó Bí thư thường trực thành uỷ Phan Văn Mãi (nay đồng thời là Chủ tịch UBND TP). Khi chúng ta làm việc gì chưa có tiền lệ, quyết định cuối cùng có làm hay không do người lãnh đạo.

Ban đầu, Phó Bí thư thường trực Phan Văn Mãi đặt vấn đề với Bộ TT&TT về việc xử lý những thông tin xấu độc ảnh hưởng đến công tác chống dịch của thành phố. Tuy nhiên, hiện nay việc chống tin giả vẫn đang là chạy theo tin giả, gỡ bỏ tin này sẽ có tin khác xuất hiện, do đó Chủ tịch UBND TP đề nghị Bộ TT&TT tư vấn cách giải quyết. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng có chỉ đạo rằng, từ trước đến nay việc chặn tin giả là phối hợp với Facebook, YouTube và Tiktok để họ chặn, nhưng đó là cách làm thụ động, cần có cách làm chủ động hơn.

Do đó, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử đề nghị bên cạnh việc phối hợp ngăn chặn, cần truyền thông chủ động trên chính mảnh đất màu mỡ đã sinh ra tin giả.

Đó chính là lý do chương trình Dân hỏi - thành phố trả lời ra đời. Chúng tôi cung cấp thông tin chính xác, trực tiếp, nhanh đến người dân để bảo đảm người dân có thông tin đầy đủ, kịp thời. Giả sử trong ngày có tin giả nào, ngay đêm đó chúng tôi kịp thông tin lại cho người dân cảnh giác.

Cách truyền thông chủ động này sẽ giải quyết được ba bài toán. Một là phản bác tin giả ngay trên nơi nó sinh ra, hai là cung cấp trực tiếp cho người dân những thông tin để họ không nghe tin giả, ba là cung cấp được lượng thông tin lớn, giải thích đi giải thích lại chặt chẽ hơn. Đây là ưu thế của livestream so với các cách truyền thông khác.

Khi chúng tôi đề xuất ý đó với ông Phan Văn Mãi, ông rất ủng hộ và đồng ý triển khai. Tất nhiên chúng tôi cũng nói những khó khăn khi thực hiện, ví dụ những rủi ro, những nguy hiểm, nhưng ông  Mãi khẳng định thời điểm đó ở TP.HCM không có gì nguy hiểm bằng để dân đói. Phải để dân yên tâm mới là vấn đề quan trọng nhất hiện nay. Do đó, người làm chính trị, cán bộ nhà nước phải vượt qua những nỗi sợ đó để cứu dân lúc này.

Sau khi nghe như vậy chúng tôi rất xúc động, bắt tay vào làm ngay. Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử phối hợp với  Sở Thông tin & Truyền thông chỉ có 18 tiếng để hoàn thành mọi thứ, cho ra số đầu tiên của Dân hỏi - thành phố trả lời.

{keywords}

 

Chủ động tìm công cụ công nghệ mới để thực thi nhiệm vụ

Hiện nay chính quyền trung ương lẫn địa phương đều có các trang mạng xã  hoạt động hiệu quả, ông có cho rằng chính quyền ngày càng quan tâm hơn đến việc truyền thông trên mạng xã hội?

Chắc chắn là như vậy. Tầm quan trọng của việc thông tin tuyên truyền trên mạng xã hội, đặc biệt là truyền thông về chính sách, ngày càng được chính phủ quan tâm và chính quyền các cấp quan tâm. Nên xem truyền thông xã hội là một phương thức, một công cụ để đối thoại với người dân. 

Việc sử dụng mạng xã hội để truyền thông chính sách như hiện nay có tạo tiền đề cho các tư duy cởi mở hơn ở các cấp chính quyền trong thời gian tới, thưa ông?

Ở tầm vĩ mô, các cơ quan quản lý, những nhà hoạch định chính sách phải làm sao lắng nghe được, nắm bắt được càng chính xác, càng nhanh chóng càng tốt những tâm tư nguyện vọng của dân. Và cách lắng nghe, nắm bắt càng nhanh càng chính xác phải từ khoa học công nghệ.

Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là trên lĩnh vực internet, sẽ rất lớn, rất nhiều qua thời gian. Cách đây 10 năm đã có mạng xã hội tạo bước ngoặt, sau 5 năm loài người phát minh ra tính năng livestream - gần như mỗi người đã thành một đài truyền hình có thể làm tường thuật trực tiếp. Không biết 5 năm nữa có gì, 10 năm nữa ra sao, nhưng người lãnh đạo cần tư duy khi nào có những công cụ mới, những ứng dụng mới để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải đáp cho người dân thì phải sử dụng. Điều này sẽ tạo một thói quen hành động không chờ người khác làm mình mới làm, mình sẽ chủ động đi tìm những công cụ mới để thực hiện nhiệm vụ của mình.

{keywords}

Theo kế hoạch, Dân hỏi - thành phố trả lời sẽ kéo dài trong bao lâu thưa ông?

Chương trình thực hiện trong 15 ngày giãn cách nghiêm ngặt của TP.HCM, từ 23/9 tới 6/9. Theo như tôi biết, Sở TT&TT đang tư vấn thành phố để kéo dài chương trình, có thể mỗi tuần một lần chẳng hạn. Tôi hy vọng chương trình sẽ tạo cú hích để các địa phương khác tham khảo, triển khai. 

Xin cám ơn ông. Chúc cho chương trình tiếp tục nhận được sự tin yêu, ủng hộ của người dân.

 Hải Đăng thực hiện

Ảnh: Trương Thanh Tùng

Dân hỏi thành phố trả lời: “Phục hồi kinh tế và hỗ trợ người dân quận 8”

Dân hỏi thành phố trả lời: “Phục hồi kinh tế và hỗ trợ người dân quận 8”

Chương trình Dân hỏi - Thành phố trả lời trên fanpage của Trung tâm Báo chí TP.HCM và fanpage Thông tin Chính phủ và  hôm 4/9 giải đáp trực tiếp những thắc mắc về chủ đề “Phục hồi kinh tế và hỗ trợ người dân quận 8”.