XEM VIDEO:
Sáng 14/6, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo quốc tế “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dành thời gian khái quát ‘bức tranh chung về báo chí thế giới’, trong đó ấn phẩm số tăng lên, còn số lượng và doanh thu của ấn phẩm in đều giảm sút.
“Tuy nhiên, phần tăng của ấn phẩm số không thể bù đắp cho phần mất đi của báo in”, ông Lê Quốc Minh chia sẻ.
Dù thị trường quảng cáo toàn cầu trong những năm gần đây tăng, nhưng với báo chí lại giảm. Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2024, doanh thu ấn phẩm in giảm từ 35,1 tỷ USD xuống còn hơn 21 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu ấn phẩm số tăng không đáng kể, từ 10,6 tỷ USD lên 11,9 tỷ USD.
“Ngoài doanh thu từ quảng cáo và từ độc giả, nhiều cơ quan báo chí tập trung vào việc tổ chức sự kiện, thu hút tài trợ, hợp tác với mạng xã hội và nền tảng công nghệ để tạo nguồn thu”, Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Minh, giai đoạn trước mắt, nguồn thu từ quảng cáo vẫn chiếm vị trí quan trọng của các cơ quan báo chí.
“Quảng cáo đã giảm đi nhiều, có cơ quan chỉ chiếm 40-50% doanh thu nhưng dẫu sao đây vẫn là nguồn thu rất quan trọng”, ông Lê Quốc Minh nói và cho biết, hiện Google và Facebook chiếm khoảng 70% thị phần quảng cáo.
Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho rằng, thời gian tới đa số các cơ quan báo chí tìm kiếm doanh thu từ độc giả. “Tìm doanh thu từ độc giả ngày càng quan trọng hơn và đó là nguồn thu an toàn”, ông Lê Quốc Minh nói.
Theo ông Lê Quốc Minh, từ năm 2012, khi nói đến thu phí từ độc giả thì rất nhiều người ‘dè bỉu’. Trước khi đạt kết quả như ngày hôm nay, báo chí thế giới cũng đã thử nghiệm rất nhiều, đã mắc sai lầm rất nhiều.
“The New York Times đẩy mảng thu phí lên rồi hạ xuống, rồi lại đẩy lên. Còn Washington Post đã quyết định cạnh tranh bằng cách không thu phí rồi lại thu phí. Và hầu hết các cơ quan báo chí lớn trên thế giới hiện nay đều thu phí”, ông Lê Quốc Minh nói và cho rằng, nếu các cơ quan báo chí còn tình trạng chờ xem đơn vị khác thử nghiệm có sai không, mình mới làm thì dễ mắc lại những sai lầm cũ.
Theo ông Lê Quốc Minh, đại diện truyền thông cũng là một trong những xu hướng mà nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đang làm. Bởi chính các nhà báo là người thành thạo nhất về kỹ năng kể chuyện. Do vậy, việc sản xuất nội dung quảng cáo cho thương hiệu là cách để các cơ quan báo chí có thêm nguồn thu nhờ vào chuyên môn sâu về kể chuyện của mình.
“T Brand của The New York Times sản xuất chương trình và nội dung quan trọng cho các khách hàng chính như Cartier, Google, American Express… Studio Create của CNN chuyện kể các câu chuyện về con người, xuất phát từ di sản sản xuất nội dung nổi bật của CNN đem đến giải pháp đa nền tảng, đáp ứng mục tiêu của thương hiệu”, ông Lê Quốc Minh dẫn chứng.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng thúc đẩy việc tổ chức sự kiện, việc này nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam đang làm. Nếu có đối tác tốt và bộ phận vận hành ổn, mảng tổ chức sự kiện có thể đem lại trên 20% doanh thu cho cơ quan báo chí. Có rất nhiều hình thức tổ chức sự kiện như chuyên ngành, liveshow, hội chợ, lễ trao giải và gala…
Ông Lê Quốc Minh chia sẻ, Báo Đầu tư hay VnEconomy là cơ quan báo chí ở Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức sự kiện. Báo Nhân Dân cũng đã tổ chức nhiều sự kiện ‘rất thành công’, tạo nguồn thu làm công tác từ thiện. Trong đó có sự kiện thu hút tới 70.000 người tham dự.
Ngoài ra, một số cơ quan báo chí đang cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin. “Lâu nay chúng ta chỉ nghĩ rằng, báo chí đi mua công nghệ ở nơi khác. Tuy nhiên, cơ quan báo chí lớn như Washington Post đã phát triển các sản phẩm công nghệ riêng, hỗ trợ trên 400 website”, ông Lê Quốc Minh nói và cho biết, việc này tạo nguồn thu đáng kể cho tờ báo.
Ngoài các hình thức trên, ông Lê Quốc Minh cho biết, hiện nhiều cơ quan báo chí còn có các dịch vụ như cấp phép thương hiệu, thương mại điện tử, tổ chức nghiên cứu… để tạo doanh thu.