Dù đã và đang nỗ lực "giải cứu", nhưng tại địa phương ven biển của Sóc Trăng vẫn còn tồn đọng gần 20.000 tấn củ hành tím. Nếu không tiêu thu kịp thời sẽ gây hư hỏng, thiệt hại kinh tế lớn cho người sản xuất.
Khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Ấn Độ
Tại diễn đàn “Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ hành, hành tím”, chiều 17/3, đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, diện tích hành củ ở nước ta hiện nay khoảng 14.000-15.000ha, tập trung chủ yếu ở Sóc Trăng, Hải Dương, Ninh Thuận, Quảng Ngãi. Sản lượng hành ước đạt gần 220.000 tấn/năm, trong đó Hải Dương và Sóc Trăng là hai tỉnh có sản lượng hành lớn nhất cả nước.
Thời điểm tháng 2 và 3, các vựa hành lớn bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, gây áp lực lớn cho bảo quản và tiêu thụ. Các tháng đầu năm 2023, sức mua của thị trường có xu hướng giảm, trong khi năng lực sản xuất vẫn đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Điều này khiến việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, hành tím nói riêng dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đại diện Cục Trồng trọt cũng cũng nêu rõ, điểm yếu trong sản xuất hành là manh mún, khó truy xuất nguồn gốc, thiếu tính liên kết; giá bán biến động, diện tích sản xuất có chứng nhận hạn chế, khó kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm; thiếu quy trình bảo quản dẫn đến một số thời điểm thu hoạch rộ, bán hàng tươi số lượng lớn, giá xuống thấp; thiếu kênh liên kết tiêu thụ...
Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, thừa nhận, nông dân còn sản xuất riêng lẻ, chưa hình thành hợp tác trong sản xuất. Đặc biệt, nông dân còn mang nặng tâm lý chờ giá, khi giá thỏa thuận với doanh nghiệp đã hợp lý vẫn không bán nên khi giá giảm mạnh hàng tồn đọng. Có thời điểm, hành rớt giá còn 7.000 đồng/kg.
Vụ hành này, trước Tết Nguyên đán, giá dao động từ 38.000-45.000 đồng/kg, nhưng sau Tết bắt đầu giảm. Hiện giá hành ở mức 15.000-26.000 đồng/kg.
Về vấn đề thị trường tiêu thụ, do giá cao nên hành của Việt Nam gặp khó khi cạnh tranh ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Ông Lê Vương Quốc, Phó Giám đốc Công ty CP Gimex Việt Nam, nhận xét, hành tím Việt Nam có đặc trưng riêng, phần lớn hàng xuất khẩu để phục vụ cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Để xâm nhập vào các thị trường tiêu thụ gia vị nhiều thì khó do giá cao.
"Giá hành củ của Trung Quốc, Ấn Độ thường rẻ hơn Việt Nam khoảng 50%", ông Quốc nói. Ngoài ra, ông loại hành 1 củ được thế giới ưa chuộng hơn do dễ bóc vỏ, trong khi nước ta lại trồng loại hành 1 củ có nhiều tép, khó làm sạch vỏ và khi tách ra thì quá nhỏ.
Theo ông Quốc, hành tím Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận sản lượng nhiều, đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, song hành nhập khẩu về cũng nhiều, gây áp lực do giá rẻ hơn.
Muốn bán giá cao phải có câu chuyện đặc biệt
Tại diễn đàn, rất nhiều đề xuất được đưa ra xoay quanh câu chuyện củ hành Việt Nam. Trong đó, các chuyên gia, doanh nghiệp gợi mở vấn đề đẩy mạnh liên kết chuỗi, xây dựng các vùng nguyên liệu hữu cơ, hệ thống kho lạnh bảo quản, đưa vào chế biến bên cạnh bán củ ăn tươi.
Dưới góc độ là "ông lớn" trong ngành bán lẻ tại Việt Nam, ông Paul Lê - đại diện Tập đoàn Central Group, khẳng định, hành, tỏi là sản phẩm xuất hiện trong mỗi bữa cơm của người Việt. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ hành tỏi rất lớn.
Tuy nhiên, phía siêu thị cần phân loại sản phẩm theo chất lượng để phù hợp với từng đối tượng. Ví dụ, khách mua trong siêu thị cần mẫu mã đẹp, có thể là các thương hiệu uy tín. Theo ông, Sóc Trăng là địa phương đứng đầu về sản xuất hành tím, nên tỉnh cần nhấn mạnh thêm vấn đề thương hiệu cũng như nêu được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Trong tương lai, các sản phẩm gia vị như hành, tỏi, ớt rất có tiềm năng để xuất khẩu đi các thị trường quốc tế. Vì vậy, ngoài tiêu thụ trong nước, cần quan tâm đến mẫu mã, đóng gói, thương hiệu.
Đại diện Tập đoàn Central Group gợi ý, súp hành kiểu Pháp làm từ củ hành Việt sẽ ngọt hơn làm từ hành của các nước khác. Đây là ưu điểm chỉ có ở củ hành Việt Nam. Cả người trồng và người bán cần tìm hiểu vì sao nó lại đặc biệt như vậy. Bởi khi đó, giá bán sẽ cao hơn. Sau cùng là người nông dân, người bán hàng cần kể câu chuyện đặc biệt ấy tới người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), nhấn mạnh, đòi hỏi của các thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, ngày càng cao, không chỉ dừng lại ở sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ mà phải hữu cơ thực sự, có các chứng nhận của các tổ chức uy tín được cả thế giới công nhận.
Tiềm năng, dư địa của thị trường tiêu thụ hành, hành tím Việt Nam vẫn rất lớn do đây không chỉ là thực phẩm mà còn là nguyên liệu quan trọng trong chế biến dược phẩm.
Do đó, để không còn tình trạng giải cứu, được mùa mất giá, các địa phương phải thay đổi tư duy theo hướng “bán hành không chỉ là bán thực phẩm mà là bán nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhiều ngành hàng”, ông Tiệp gợi mở.