Nhu cầu của người lao động 4.0 đang thay đổi
So với những năm trước đây, bối cảnh nhân sự đang có sự biến đổi lớn. Thị trường nhân sự hậu đại dịch Covid-19 chứng kiến quá trình thay đổi trong tâm lý người lao động khi họ dễ dàng "nhảy" việc.
Bên cạnh đó, khoảng cách thế hệ cũng là một vấn đề lớn khi các bạn trẻ GenZ đã đến tuổi đi làm. Điều này dẫn tới trường hợp nhiều công ty có 3 thế hệ người lao động cùng nhau làm việc.
Vấn đề thứ ba là khủng hoảng hiện sinh, đó là khi người lao động không biết mình là ai, nên làm việc gì cũng cảm thấy không vui và hạnh phúc. Đây là những bài toán làm đau đầu nhiều công ty, nhất là trong việc thu hút và giữ chân nhân tài.
Theo ông Vũ Đức Trí Thể - Giám đốc Giải pháp tại Học viện Quản lý PACE, trải nghiệm của nhân viên sẽ tạo nên sự gắn bó với doanh nghiệp, giúp người lao động cảm thấy gắn kết với công ty, tìm được chính mình trong công sở. Điều này đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ chân và thu hút nhân tài.
“Một trong những trải nghiệm giúp nhân viên gắn bó là trải nghiệm số, tạo nên văn hóa số sẽ giúp các nhân viên, đặc biệt là các bạn trẻ tìm được mình, được là chính mình”, ông Thể nói.
Xây dựng “văn hóa số” cho doanh nghiệp
Theo ông Trần Trung Hiếu - CEO và Founder của TopCV, mọi người từng nghe đến những khái niệm như Martech, Edtech, Fintech, Proptech, Medlich, tuy nhiên HRtech (công nghệ trong lĩnh vực quản trị nhân sự) lại chưa phải là một khái niệm phổ biến.
Nhà sáng lập TopCV cho biết, tại các quốc gia Âu Mỹ, HRtech đang là lĩnh vực có sự phát triển mạnh. Việc đầu tư vào thị trường tỷ USD này ghi nhận mức tăng trưởng gấp 12 lần từ năm 2016 đến nay. Các doanh nghiệp trên thế giới đã và đang tìm cách áp dụng công nghệ vào lĩnh vực quản trị nhân sự nhằm tối ưu bộ máy.
“Lương thưởng hay phúc lợi không còn là mối quan tâm hàng đầu của các ứng viên, những tiêu chuẩn văn hóa doanh nghiệp phù hợp ngày càng được nhiều người xem trọng. Với công ty công nghệ, cần đưa thêm yếu tố "tech" vào văn hóa doanh nghiệp, biến văn hóa thành thứ có thể đo lường được và đưa công nghệ vào trong "mindset" của cả công ty”, CEO TopCV nói.
Chia sẻ về cách công nghệ hóa việc quản trị nhân sự, ông Nguyễn Viết Lâm - Phó TGĐ phụ trách nguồn lực và văn hóa của Rikkeisoft cho biết, sau nhiều trăn trở, công ty này quyết định phát triển một hệ thống GPS (Growth - People - System) nhằm lượng hóa và đo lường sự cầu tiến của nhân viên.
Tại Rikkeisoft, tất cả nhân viên đều có G Point (điểm phát triển cá nhân). Việc tham gia các hoạt động học tập, đào tạo, giao nhiệm vụ mới đều được tích lũy và ghi nhận bằng điểm số.
“Điểm G Point sẽ là một căn cứ để các lãnh đạo nhìn vào đó sắp xếp, nâng bậc nhân sự,... Với nhân viên, ngoài sự cầu tiến không còn được ghi nhận bằng cảm tính, họ có thể dùng điểm số của mình đổi ra các khóa học và phần quà”, ông Lâm nói.
Gần giống với trường hợp của Rikkeisoft, một doanh nghiệp khác là tập đoàn FPT đã ứng dụng công nghệ vào công tác quản trị nhân sự nhằm phát triển văn hóa số.
Theo ông Trần Đức Long - Giám đốc Đào tạo tại FPT Software, trước kia, mỗi nhân viên FPT sẽ có khoảng 1 giờ nói chuyện mỗi năm để trao đổi với người quản lý trực tiếp nhằm chia sẻ, đánh giá hiệu quả làm việc. Hoạt động này tốn nhiều thời gian nhưng không thực sự hiệu quả bởi khoảng cách quá xa giữa 2 lần “review”.
Để giải quyết vấn đề này, FPT Software đã phát triển một ứng dụng có tên myFPT để kết nối, lưu trữ các thông tin về quá trình làm việc của người lao động. Người lãnh đạo có thể phản hồi, đánh giá, thậm chí thưởng nóng cho người lao động ngay trên app, nhờ đó việc ghi nhận kết quả công việc được thực hiện nhanh chóng, tăng khả năng tương tác và đem tới động lực cho nhân viên.
Nhìn chung, trong thời đại 4.0, kiến tạo trải nghiệm số cho nhân sự đang được nhiều công ty xem là chiếc "chìa khóa" quan trọng để giải quyết bài toán giữ chân nhân tài, từ đó phát triển nguồn nhân lực bền vững.
Trọng Đạt