Ngày 20/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên toà phúc thẩm vụ án mua bán chế phẩm Redoxy-3C. Phiên tòa được mở để xem xét đơn kháng cáo của ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) và người liên quan.

Trước ngày xét xử, ông Chung có bản giải trình viết tay dài hơn 100 trang gửi đến Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Trong đơn giải trình, cựu chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên án sai đối với bị cáo.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung

Theo trình bày của ông Nguyễn Đức Chung, bản án sơ thẩm kết luận bị cáo “Vi phạm khoản 4 điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng 2005: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình trực tiếp quản lý” là không đúng.

Theo ông Chung, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã không đề cập đến nội dung trên trong bản kết luận điều tra, cơ quan công tố và HĐXX đã không đối chiếu với các quy định của pháp luật để ra các kết luận...

Ông Nguyễn Đức Chung viện dẫn các điều luật và cho rằng, UBND TP Hà Nội không quản lý trực tiếp các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và cá nhân, mà thực hiện việc quản lý nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, các hoạt động kinh doanh của mọi thành phần kinh tế thông qua các cơ quan chuyên môn (các Sở). 

Ông Chung viết: “Như vậy rõ ràng UBND TP Hà Nội không phải “cơ quan” trực tiếp quản lý kinh doanh được xác định trong phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Khoản 4 Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng 2005. 

Căn cứ vào các nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi trách nhiệm giải quyết công việc của Chủ tịch UBND (TP Hà Nội) trực thuộc TW, được quy định tại Khoản 1, Điều 22, Điều 43 và Điều 121 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì Chủ tịch UBND TP Hà Nội không phải là “người đứng đầu cơ quan”, thuộc đối tượng phạm vi điều chỉnh của Khoản 4, Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng 2005, áp dụng cụ thể đối với trường hợp có vợ, con, bố mẹ hoạt động kinh doanh Redoxy 3C.

Căn cứ vào Khoản 1, Khoản 2 Điều 15 của Luật Giá 2012 xác định Redoxy 3C không phải là hàng hóa thiết yếu, không phải là hàng hóa nằm trong danh mục hàng hóa thuộc diện bình ổn giá của Chính phủ”.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung viết thêm: “Nếu cứ như kết luận của VKSND Tối cao và bản án thì vợ tôi là Giám đốc Công ty TNHH Minh Hoa có hoạt động kinh doanh bán lẻ từ 1995. 

Kinh doanh bán lẻ hàng chục ngàn mặt hàng, trong đó có cả các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, đó là những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, sữa cho trẻ em... thì thế nào? Có phải là vi phạm không? Có nằm trong trường hợp kết luận này của VKSND Tối cao và bản án không?"

Ông Chung đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét nội dung trên và một số nội dung khác mà bị cáo đề cập trong bản giải trình.

Trước đó, tại phiên tòa xét xử vụ cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đồng phạm liên quan đến vụ số hóa hồi 12/2021, trong phần tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Đức Chung từng trình bày: "Không thể nào vợ làm chồng chịu. Tôi chưa thấy ai quy kết kiểu vợ làm chồng chịu như thế này. Đề nghị HĐXX xem xét, đề nghị đại diện VKS rút đề nghị liên quan đến việc này vì nó phi lý"

Liên quan đến vụ mua bán chế phẩm Redoxy-3C, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung 8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự là Công ty Thoát nước Hà Nội số tiền hơn 36 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung phải bồi thường 25 tỷ đồng

T.Nhung