Ông Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) phát biểu cảm ơn Quốc hội đã điều chỉnh chương trình để thảo luận sớm về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.
4 cơ chế tăng quyền giám sát
Ông Nguyễn Thiện Nhân đặt ra 4 vấn đề khi triển khai Nghị quyết.
Thứ nhất, nếu làm Nghị quyết này thì TP.HCM được gì trong vận hành hoạt động của TP.
Đặc điểm TP.HCM diện tích chỉ có 0,6% diện tích cả nước, dân số chiếm 9%, kinh tế đóng góp 22% cho nên về mặt công việc áp lực quản lý lớn. TP hiện nay đang có 5 quận quy mô dân số từ 500.000 cho đến gần 800.000 người/quận, số đầu việc phát sinh hằng ngày ở cấp này rất lớn. Về cường độ kinh tế, trên 1km2 TP tạo ra khoảng 40 lần giá trị kinh tế bình quân cả nước.
Ông Nguyễn Thiện Nhân: 4 cơ chế tăng quyền giám sát chính quyền đô thị TP HCM |
Như vậy, những hoạt động này phải được đáp ứng nhu cầu phát sinh, giải quyết kịp thời.
Ông cho rằng xử lý chậm các vấn đề là gây thiệt hại cho người dân và nền kinh tế. Cho nên, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị là để giúp cho quyết định nhanh hơn, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền các quận và các phường. Nếu không đáp ứng thì việc thay thế người này do UBND thành phố, HĐND thực hiện sẽ nhanh hơn.
Vấn đề thứ hai, ông Nhân đặt ra là có cần làm thí điểm hay không (?). TP.HCM từng có hơn 6 năm thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. "Những vấn đề chúng ta lo lắng có thể phát sinh thì đã trải nghiệm 6 năm qua và đã không phát sinh vấn đề lớn, theo kinh nghiệm TƯ hướng dẫn có đầy đủ khả năng khắc phục vấn đề có nguy cơ lớn" ông nhấn mạnh.
Về tính dân chủ, so với 10 năm trước, ngoài cơ chế HĐND, ĐBQH giám sát thì hiện nay TP có thêm cơ chế mới để tăng quyền giám sát. Đó là về Đảng giám sát chính quyền cao cấp đã triển khai từ năm 2013. TP có một quyết định yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải lắng nghe phản ánh người dân trên báo chí qua tiếp xúc cử tri, qua khiếu nại tố cáo,...
Ông Nhân thông tin: "Thực tế bằng quy định này, trong 33 tháng thực hiện chúng tôi đã tiếp nhận gần 8.000 ý kiến người dân và xử lý kịp thời gian 96%, tức là bình quân mỗi một tháng tiếp nhận 239 ý kiến, mỗi một ngày từ 8-9 ý kiến.
Qua đó, chúng tôi phải xử lý cán bộ, mặc dù điều này không muốn làm. Trong 33 tháng vừa qua, bình quân một tháng phải xử lý 10 đảng viên và 11 cán bộ, công chức có sai phạm do người dân phát hiện".
Sự chậm trễ của chính quyền các cấp kìm hãm phát triển TP Hồ Chí Minh |
TP đã có phương thức thực hiện đô thị thông minh, người dân thông qua điện thoại di động, nhắn tin, email, báo cho chính quyền các cấp xử lý các vấn đề hằng ngày. Các quận, huyện tiếp thu một tháng hàng nghìn thông tin người dân báo qua các kênh này.
Thường vụ Thành ủy rà soát và đồng bộ hóa nhiệm vụ giám sát, thanh tra, kiểm tra của 4 cơ quan Quốc hội, HĐND, MTTQ và các đoàn thể, "thanh tra là của chính quyền, kiểm tra của Đảng". Ông đánh giá: "thông qua đồng bộ hóa giúp cho việc tiếp thu ý kiến người dân được chặt chẽ. Dân chủ không bị hạn chế so với trước mà còn thêm bốn cơ chế".
Thực tế vừa qua Chủ tịch UBND TP và UBND TP đã phân cấp 55 đầu việc thuộc trách nhiệm cấp TP cho quận, huyện, sở, ngành để quyết định nhanh hơn.
Mỗi nhiệm kỳ sẽ tiết kiệm được 3.000 tỷ ngân sách
Đồng quan điểm, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình không tổ chức thí điểm chính quyền đô thị tại TP.HCM. Bởi vì TP.HCM cùng với 10 địa phương khác đã tổ chức thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, phường, huyện. TP.HCM với 21 đơn vị đã tổng kết, thí điểm và kết quả mang lại hiệu quả rất lớn, như mong đợi của cử tri và được nhân dân đồng tình ủng hộ.
ĐB Phạm Văn Hòa. |
Ông phân tích thêm sự khác nhau về tổ chức chính quyền đô thị ở 3 TP là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Đối với Hà Nội, khi Quốc hội ban hành nghị quyết cho thực hiện thí điểm thì lúc đó thủ đô còn thực hiện theo Luật Chính quyền địa phương hiện hành, Đà Nẵng thực hiện thì lúc đó Luật Chính quyền địa phương mới (sửa đổi, bổ sung) chưa có hiệu lực thi hành.
Cho nên, 2 vấn đề này hoàn toàn khác nhau và hiện tại TP.HCM thực hiện không thí điểm tổ chức HĐND là đã thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương bổ sung, mới ban hành.
ĐB Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) cũng tán thành và đề nghị nên thông qua Nghị quyết trong kỳ họp này. Ông tính toán, TP.HCM sẽ tinh giảm được bộ máy cấp phường, cấp quận. Ở 17 quận không sáp nhập sơ bộ sẽ giảm hơn 500 đại biểu chuyên trách ở cấp phường và cấp quận. Giảm khoảng 800 vị trí việc làm khi sáp nhập 3 quận gồm: Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức.
Con số ĐB tạm tính sẽ giảm chi ngân sách được hơn 3.000 tỷ/1 nhiệm kỳ.
Sự phát triển của công nghệ 4.0 cũng như tiến trình hình thành hệ thống Chính phủ điện tử, ĐB tỉnh Bình Phước cho rằng đây là thời cơ thuận lợi để "mạnh dạn" tạo thế và lực thông qua hình thức cải cách thể chế của TP.HCM, qua đó tạo điều kiện phát triển, làm đòn bẩy phát triển cho các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thành Nam - Thu Hằng
Chính quyền đô thị ở TP.HCM sẽ không còn HĐND cấp quận, phường
Chiều nay (26/10), Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.