Chiều 19/10, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc với trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Báo cáo tại hội nghị, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn cho biết, trong cơ cấu đào tạo và nghiên cứu hiện nay của nhà trường, Báo chí – Truyền thông là ngành đào tạo trọng điểm, là lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu và phục vụ cộng đồng rộng rãi.
Kể từ năm 1990 (Khoa Báo chí thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ra đời) đến nay, trường đã đào tạo được hơn 1 vạn cử nhân, gần 1 nghìn thạc sĩ và tiến sĩ với nhiều khóa bồi dưỡng - tập huấn ngắn hạn cho đội ngũ nhà báo toàn quốc.
Đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo đánh giá tổng kết về công tác, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí; ban hành các văn bản chỉ đạo định hướng chiến lược; chủ trì biên soạn một số giáo trình dạy chung trong các cơ sở đào tạo báo chí; tạo cơ chế chính sách để nhà trường được báo cáo trực tiếp, tham mưu, giúp việc cho Ban.
Tại buổi làm việc, ông Lê Quốc Minh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã đánh giá cao sự nỗ lực của ban lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn trong việc phát triển công tác đào tạo về báo chí, truyền thông. Sinh viên đào tạo từ nhà trường đều có chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức tốt, lòng yêu nghề cao.
Tuy nhiên, ông Lê Quốc Minh cũng cho rằng, đào tạo báo chí phải gắn với thực hành, phải nâng cao thực hành, đòi hỏi sinh viên báo chí phải tác nghiệp thực tế nhiều hơn nữa. Bởi trên thực tế có những sinh viên báo chí dù tốt nghiệp giỏi nhưng về tòa soạn vẫn phải đào tạo lại với thời gian ít nhất 6 tháng.
Đánh giá trong tương lai xu hướng báo chí sẽ có nhiều thay đổi, theo ông Lê Quốc Minh, việc này đòi hỏi người làm báo phải có sự kết hợp nhiều yếu tố: Báo chí, công nghệ và kỹ năng mềm nhưng hiện nay ở các trường chưa quan tâm.
Vì thế, ông Lê Quốc Minh kiến nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị đào tạo báo chí và cơ quan thông tấn báo chí. Từ đó mở rộng cơ hội thực hành, thực tập cho sinh viên ngay từ năm thứ hai.
Đồng quan điểm với ông Lê Quốc Minh, ông Tống Văn Thanh (Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương) cũng đánh giá, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn có truyền thống đào tạo uy tín hàng đầu của đất nước với đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học mẫu mực trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.
“Chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường khá cao”, ông Thanh nói.
Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, cần nâng cao thời lượng dành cho thực hành trong chương trình đào tạo, liên kết với cơ quan báo chí để tăng cường kỹ năng tác nghiệp. Hiện số lượng bài viết của sinh viên được đăng trên các cơ quan báo chí còn thấp.
Ông Tống Văn Thanh kiến nghị cần có những nội dung đào tạo chuyên sâu về pháp luật báo chí quốc tế, quy định của Nhà nước về đạo đức báo chí, góp phần đào tạo ra các nhà báo tinh thông nghiệp vụ và đủ bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp để đưa tin một cách chuẩn mực, xác thực và giàu tính nhân văn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn là trường đại học có truyền thống lâu đời, là nơi đào tạo rất nhiều nhà khoa học, chính trị gia, nhà giáo nổi tiếng với nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Hiện nay, trường cũng là một trong hai đơn vị đào tạo chính quy, bài bản về báo chí và truyền thông của cả nước. Báo chí truyền thông thời kỳ nào cũng được quan tâm, trong bối cảnh mới, lĩnh vực này còn được quan tâm đặc biệt hơn.
Nhất trí với nội dung báo cáo của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá, trong những năm qua, trường có sự chuyển biến rất rõ, là trung tâm đào tạo báo chí hàng đầu trên cả nước.
Lắng nghe các ý kiến nêu ra tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, với đặc thù trong lĩnh vực báo chí cần phải xây dựng chương trình đào tạo đặc biệt - báo chí truyền thông với nội dung được sắp xếp khoa học phù hợp với xu hướng chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu thành viên đoàn công tác đến từ các Bộ, ngành sau buổi làm việc hôm nay phải phối hợp cùng nhau với mục tiêu đầu năm 2024 trình được khung chương trình đào tạo về báo chí.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị nhà trường phát huy truyền thống, giữ vững các giá trị cốt lõi, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là một trong những cơ sở trọng điểm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực báo chí, truyền thông; là cơ sở nghiên cứu khoa học phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tham gia góp ý xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực tư tưởng.