Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tại tổ Điện Biên, ĐB Tạ Thị Yên bày tỏ sự lo lắng khi tiến độ của dự án đang rất chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đến thời điểm hiện nay, Chính phủ lại đề nghị kéo dài thời gian triển khai đến năm 2024, chậm 3 năm so với tiến độ đề ra.
"Tôi cũng rất chia sẻ với Chính phủ khi triển khai dự án rơi vào thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19 nhưng để chậm trễ đến 3 năm thì quả là một điều rất đáng báo động", nữ ĐB bày tỏ.
Đây là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, được Chính phủ và Quốc hội đặc biệt quan tâm, Thủ tướng cũng nhiều lần đích thân đến tận công trình để chỉ đạo, đôn đốc, giải quyết khó khăn nhưng mà tiến độ triển khai vẫn còn rất chậm.
Vì chậm tiến độ mà dẫn đến tình trạng Kho bạc Nhà nước đã dừng việc giải ngân do niên độ dự án (2017 - 2021) đã kết thúc.
"Tôi cũng không biết chủ đầu tư đã làm việc với các cơ quan của Chính phủ để được giải quyết về vấn đề này như thế nào? Nếu thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì lẽ ra các đồng chí cũng phải báo cáo Quốc hội ngay trong năm 2021, chậm nhất là năm 2022 khi đánh giá về khả năng không đạt tiến độ giải ngân chứ không phải là để đến bây giờ mới báo cáo Quốc hội", ĐB phát biểu.
Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc “thay đổi tư duy, cách làm xứng tầm với dự án trọng điểm quốc gia” và đề nghị làm rõ trách nhiệm khi dự án này triển khai chậm trễ tiến độ. ĐB Yên cho biết cử tri rất mong muốn được biết các cơ quan liên quan đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đến đâu.
ĐB Tạ Thị Yên cũng đặt vấn đề về dự án thành phần 2 là các công trình xã hội Khu dân cư, tái định cư tại xã Lộc An - Bình Sơn, đến nay mới hoàn thành được 60% khối lượng. Trong đó mới hoàn thành 3/11 công trình, còn 8/11 công trình chậm tiến độ.
11 công trình này là trường học, chợ, trung tâm văn hoá và trụ sở UBND xã đây đều là những cơ sở hạ tầng thiết yếu, cần phải được ưu tiên đầu tư từ rất sớm, "phải đi trước một bước, bởi vì thiếu nó thì người dân không thể định cư được".
ĐB đề nghị chính quyền địa phương, chủ đầu tư làm việc thật cụ thể với từng gia đình, để lắng nghe, thuyết phục, giải quyết thấu đáo quyền lợi cho người dân, coi đó như “việc của gia đình, anh em họ hàng mình”.
Phát biểu sau đó, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, đây là dự án quan trọng của quốc gia và có quy mô, tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực hàng không. Diện tích đất thu hồi là gần 5.400 ha, trong đó diện tích đất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000ha, diện tích đất khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn hơn 280ha, diện tích đất phân khu III của khu tái định cư Bình Sơn là 97ha, diện tích đất khu nghĩa trang là 20 ha.
"Dự án rất lớn nhưng chúng ta triển khai trong bối cảnh có những biến động không lường trước được", Bộ trưởng cho biết. Trong hai năm 2020-2021 là thời điểm dịch Covid-19 khiến việc xuống hiện trường để kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu, bàn giao rất khó.
Bộ trưởng cũng nêu thêm lý do, sau dịch Covid-19 thì xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động đến giá nguyên vật liệu xây dựng tăng rất cao,
"Theo tỉnh Đồng Nai báo cáo lúc đó thì các nhà thầu bỏ thầu vì đơn giá tăng rất cao, cộng thêm tác động tiêu cực của Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng để làm tiếp", Bộ trưởng chia sẻ lý do làm ảnh hưởng đến dự án.
Tuy nhiên, đến nay các dự án này đang được khởi động và triển khai trở lại.
Trước băn khoăn của ĐB Tạ Thị Yên về việc chậm 3 năm của dự án đền bù, giải phóng có ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành hay không, Bộ trưởng khẳng định "có thể chậm giải phóng mặt bằng và gia hạn tới 2024" nhưng tiến độ chung "đang kiểm soát được".
"Theo đánh giá cá nhân tôi, với trách nhiệm Bộ trưởng GTVT quản lý ngành, quản lý nhà nước và vừa là người rất là sát sao với dự án thì tôi nghĩ rằng tổng thể nếu có chậm thì cũng sẽ không quá một năm", Bộ trưởng khẳng định.
Nêu lý do cho khẳng định trên, Bộ trưởng cho biết, toàn bộ phần diện tích xây dựng của giai đoạn 1 đã được bàn giao đầy đủ. Tất cả dự án thành phần Chính phủ đã có báo cáo tiến độ, trong đó có "đường găng tiến độ" nhà ga thì đã lựa chọn được nhà thầu và đang triển khai, hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2026.
Vì vậy Bộ trưởng nhấn mạnh, việc kéo dài giải ngân cho dự án đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ chung của dự án.
"Với các dự án thành phần khác thì đang bám theo tiến độ của dự án nhà ga, nhiều dự án đang đảm bảo, nhỉnh hơn tiến độ" Bộ trưởng GTVT báo cáo.
Bộ GTVT đang chỉ đạo rất quyết liệt các nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ đến mức tối đa và cố gắng phấn đấu vượt tiến độ.