Phối hợp xử lý một số vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng
Chiều ngày 26/4, Ban Nội chính Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa hai bên.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nêu rõ, sau hơn 5 năm thực hiện quy chế phối hợp, hai cơ quan đã đạt được một số kết quả nổi bật. Trong đó, hai bên đã chủ động phối hợp tham gia ý kiến vào nhiều đề án quan trọng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan, qua đó góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ban Nội chính Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cũng phối hợp, tham gia xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Nhất là, Đảng ủy Khối phối hợp thực hiện nghiêm chủ trương của Ban Chỉ đạo, đã thi hành kỷ luật hoặc đề nghị thi hành kỷ luật nhiều đảng viên, tổ chức đảng trực thuộc có liên quan đến các vụ án, vụ việc, đảm bảo đồng bộ giữa xử lý kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự.
Điều trên thể hiện rõ qua các vụ án điển hình xảy ra tại Tổng công ty MobiFone, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam…
Hai cơ quan đã quan tâm phối hợp trao đổi thông tin về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thông tin khi tổ chức đảng, đảng viên trong Đảng ủy Khối có dấu hiệu vi phạm; chủ động phối hợp trao đổi, tham gia ý kiến công tác nhân sự, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các cán bộ, đảng viên thuộc thẩm quyền của Đảng ủy Khối.
Bịt những kẽ hở để 'không thể tham nhũng, tiêu cực'
Về nhiệm vụ, giải pháp phối hợp thời gian tới, ông Phan Đình Trạc đề nghị phải nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa hai cơ quan trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về kinh tế - xã hội nói chung và trong hoạt động doanh nghiệp nói riêng.
Phối hợp trong phát hiện, kiến nghị khắc phục các sơ sở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, hoạt động đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... Từ đó góp phần bịt những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”.
Đồng thời, phát hiện những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện chính sách pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tạo điều kiện cho cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị hai cơ quan phối hợp, rà soát, phân tích, đánh giá các hành vi vi phạm pháp luật qua xử lý các vụ án, vụ việc vừa qua liên quan doanh nghiệp nhà nước để rút ra các bài học kinh nghiệm.
Qua đó vừa tăng cường các biện pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa, phòng ngừa sai phạm; vừa kiến nghị, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, an toàn, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, không để xảy ra các vụ án, vụ việc tương tự trong thời gian tới.
Ông Trạc cũng đề nghị phải quán triệt và thực hiện phương châm phòng ngừa, giải quyết sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, “có bệnh phải chữa ngay, không nuôi ung thành họa”.
"Đây là bài học đau xót và sâu sắc trong xử lý các sai phạm đối với cán bộ một số doanh nghiệp nhà nước vừa qua", ông Trạc lưu ý.
Vì vậy, theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương, trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm, phải phối hợp đánh giá, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.