Theo hãng thông tấn Interfax, hôm nay (9/5), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay tại cuộc họp ở Moscow vào hôm trước, Tổng thống Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã đạt được thỏa thuận về việc rút thêm các lực lượng Nga ở Armenia. 

"Vào mùa thu năm 2020, theo đề nghị của phía Armenia, quân đội và lực lượng biên phòng Nga đã được triển khai tới một số khu vực của Armenia. Thủ tướng Pashinyan cho biết hiện nay, do điều kiện đã thay đổi nên không còn nhu cầu này. Do đó, Tổng thống Putin đã đồng ý, và việc rút quân đội cùng lực lượng biên phòng Nga đã được thông qua", ông Peskov cho hay. 

nga putin .jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, ông Peskov cho biết lực lượng biên phòng Nga vẫn sẽ ở lại biên giới Armenia giáp với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran theo yêu cầu của Yerevan.

Hãng tin Sputnik dẫn lời một chính trị gia cấp cao trong đảng cầm quyền Armenian cho hay, nhà lãnh đạo hai nước đã nhất trí việc các lực lượng và lính biên phòng Nga sẽ rút khỏi 5 khu vực của Armenia.

Phía Armenia cũng đã yêu cầu lực lượng biên phòng Nga rời khỏi các vị trí tại sân bay chính của nước này ở thủ đô Yerevan từ ngày 1/8.

Trước đó, gần 2.000 lính gìn giữ hòa bình của Nga đã rút khỏi khu vực trong và xung quanh Nagorno-Karabakh. Vào tháng 9/2023, Azerbaijan đã thực hiện chiến dịch quân sự chớp nhoáng giành lại Nagorno-Karabakh, nơi cộng đồng quốc tế thừa nhận là lãnh thổ của Azerbaijan nhưng do người dân tộc Armenia quản lý từ những năm 1990. Nargorno - Karabakh là khu vực miền núi ở vùng Nam Caucasus.  

Armenia, quốc gia nhỏ bé nằm giáp Gruzia, Azerbaijan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, từ lâu đã dựa vào Nga như một đồng minh chính. Nga còn có loạt cơ sở quân sự nằm bên trong Armenia.

Thủ tướng Pashinyan từng cho rằng Nga đã thất bại ở Armenia trong việc ngăn chặn Azerbaijan giành lại Nagorno-Karabakh. Song Nga nói chính sai lầm của Thủ tướng Pashinyan trong việc điều hướng các cuộc cạnh tranh phức tạp ở Nam Caucasus là nguyên nhân khiến các chiến binh dân tộc Armenia ở Karabakh bị thất bại.  

Sau đó, Armenia còn công khai đặt câu hỏi về liên minh truyền thống với Nga, và bắt đầu thúc đẩy các mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây.