Ông Putin hôm nay (17/5) đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc kéo dài trong 2 ngày. Phát biểu với báo giới trước khi lên đường về nước, Tổng thống Nga xác nhận, ông và các lãnh đạo Trung Quốc đều quan tâm đến việc xúc tiến dự án đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia 2.
“Chúng tôi có thể đặt cả đường ống dẫn khí và đường ống dẫn dầu trên cùng một hành lang”, ông Putin nói, dường như làm sống lại ý tưởng đã được thảo luận từ năm 2018. Tuy nhiên, lãnh đạo Điện Kremlin lưu ý còn có những lựa chọn khác để cung cấp năng lượng từ Nga sang Trung Quốc, bao gồm cả bằng tàu chở dầu dọc theo tuyến đường biển phía Bắc, qua Bắc Cực.
“Tất cả các phương án đều có thể thực hiện được, đều có thể chấp nhận được và khả thi về mặt kinh tế. Chúng tôi cần phải chọn phương án tốt nhất. Tôi chắc chắn công việc này cũng sẽ được hoàn thành”, ông Putin bày tỏ.
Theo Reuters, bất chấp những phát biểu lạc quan của ông Putin và nhiều năm thảo luận về dự án Sức mạnh Siberia 2, cả Nga và Trung Quốc vẫn chưa đạt được thỏa thuận để tiến hành xây dựng tuyến đường ống đó. Alexander Novak, quan chức phụ trách năng lượng của Nga mới đây quả quyết, hai bên dự kiến sẽ sớm ký hợp đồng liên quan.
Dự án này càng trở nên cấp bách hơn đối với Nga, trong bối cảnh Moscow nỗ lực tăng cường xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc để bù đắp cho sự sụt giảm doanh số bán hàng sang châu Âu vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo ông Putin, đây là một quá trình phức tạp bao gồm cả vấn đề giá cả, nhưng nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc cần năng lượng và không có nhà cung cấp nào đáng tin cậy hơn Nga. Nhà lãnh đạo Nga tin tưởng dự án cũng sẽ miễn nhiễm trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Nếu được xây dựng, đường ống sẽ vận chuyển 50 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ khu vực Yamal ở miền bắc Nga, gần bằng công suất của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 từ Nga qua biển Baltic sang Đức, vốn đang phải ngừng hoạt động vì bị hư hại trong một vụ nổ vào năm 2022.
Nga hiện chuyển khí đốt sang Đại lục thông qua đường ống Sức mạnh Siberia 1, bắt đầu hoạt động từ năm 2019 và chạy qua miền đông Siberia đến đông bắc Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận định, vì Trung Quốc dự kiến sẽ không cần nguồn cung khí đốt bổ sung cho đến sau năm 2030, nên Bắc Kinh có thể mặc cả về giá cho đường ống thứ 2 đi qua Siberia.