"Tôi xin khẳng định những thông tin liên quan tới các VĐV Việt Nam dính doping ở SEA Games 31 mới chỉ xuất hiện trên báo chí. Tuy nhiên, kết quả chính thức phải được Tổ chức Phòng chống doping thế giới (WADA) thông báo.
Với tư cách là người phát ngôn, tôi chưa nhận được bất cứ thông tin chính thức nào từ WADA", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết.
"Olympic, Asiad hay SEA Games năm nào cũng có VĐV bị phát hiện sử dụng chất cấm, không ít thì nhiều. Tuy nhiên quy trình xét nghiệm và công bố của BTC các đại hội hay WADA rất thận trọng. Nếu họ công bố mà sau này VĐV khiếu nại có kết quả khác, sẽ không hay.
Ngay cả VĐV cử tạ Trần Lê Quốc Toàn của Việt Nam thi đấu từ Olympic 2012, nhưng đến năm 2020 mới được thông báo đôn lên nhận HCĐ do VĐV đứng thứ 3 bị phát hiện doping", ông Trần Đức Phấn nói thêm.
Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 31 khẳng định: "Khi nào có thông tin chính thức, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc họp báo về trường hợp những VĐV bị dính doping".
Như đã thông tin, tại SEA Games 31, BTC đại hội tiến hành kiểm tra doping ngẫu nhiên với gần 1.000 VĐV của 11 đoàn thể thao. Các mẫu kiểm tra doping này được gửi ra nước ngoài làm xét nghiệm. Theo một số nguồn tin, không chỉ có các VĐV Việt Nam, nhiều VĐV trong khu vực cũng bị nghi là dính chất cấm.
Đáng chú ý, Việt Nam có 2 VĐV giành huy chương ở môn điền kinh được cho là dính doping. Nếu thông tin này là chính xác, các VĐV không chỉ bị tước thành tích, mà còn bị cấm thi đấu, thậm chí vĩnh viễn.
Theo đúng quy trình, các mẫu xét nghiệm sau khi có kết quả dương tính lần 1 (mẫu A), tiếp tục được xét nghiệm lần 2 (mẫu B) trước khi có thông báo chính thức. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp sau khi có kết quả ở mẫu A đều là chính xác.