Vai trò to lớn của lực lượng kinh tế tư nhân ngày càng được Đảng khẳng định và tạo điều kiện mọi mặt để phát triển. Lực lượng kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện nay đang đứng trước những thời cơ thuận lợi cũng như những thách thức đan xen.
Yêu cầu của thời kỳ mới cần thiết phải có đội ngũ doanh nhân ngang tầm thời đại tương xứng giữa cả tâm lẫn tài. Cùng với tiến trình phát triển của đất nước đòi hỏi đội ngũ doanh nhân Việt Nam không chỉ nhạy bén về tư duy kinh tế, am hiểu về luật pháp trong nước và ngoài nước, cũng như hiểu biết về chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn đòi hỏi lực lượng ấy có một năng lực hoạt động kinh tế phù hợp, tương thích và cùng nhịp với mô hình thể chế chính trị của đất nước.
Nhận thức được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vấn đề này chính là việc doanh nhân đã định vị được bản sắc, giá trị và vị thế của mình đối với dân tộc. Đội ngũ doanh nhân có tầm cỡ, có sự ảnh hưởng là những người hiểu biết sâu sắc về những vấn đề nói trên bởi mọi hoạt động làm ăn kinh tế của họ phải được đặt trong một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Mọi hành động có hơi hướng không tương thích, nằm ngoài chủ trương chung và thể chế chính trị đều có thể dẫn tới những hành vi sai lầm từ nhỏ đến lớn theo biến thiên thời gian.
Ông Trịnh Văn Quyết. Ảnh: FLC Group |
Sự việc bắt Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết ngày 29/3 vừa qua thể hiện một cách cứng rắn về bản chất của một nhà nước vì dân, sẵn sàng nghiêm trị và thanh trừ mọi thành phần các chủ thể, những “ông lớn” tham gia vào đời sống kinh tế - xã hội với một động cơ thao túng, lũng đoạn thị trường.
Những “động tác thủ thuật” của một người am hiểu pháp luật, từng là luật sư như ông Trịnh Văn Quyết trên thị trường chứng khoán đã vi phạm nghiêm trọng đến trật tự mà nhà nước đã thiết lập.
Mọi thành phần kinh tế (công, tư) phải nhận thức rất rõ nền kinh tế đang được vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước.
Song song với quá trình đó, Quốc hội Việt Nam qua các nhiệm kỳ đã kịp thời ban hành các đạo luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể tham gia vào các hoạt động kinh tế một cách thuận lợi. Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng được đòi hỏi yêu cầu của đời sống kinh tế - xã hội sôi động.
Hành vi của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết nếu không sớm bị tuýt còi sẽ để lại hậu quả khôn lường, tạo tiền đề và thói quen xấu len lỏi trong các hoạt động kinh tế của Nhà nước. Nền kinh tế của nước nhà sẽ ra sao khi một số doanh nhân như Trịnh Văn Quyết được xem như hình mẫu về sự thành công, hình tượng cho giới trẻ khởi nghiệp?
Thực tế cho thấy không ít các doanh nhân giao thời với những phẩm chất tốt đẹp như sự nhạy bén, năng động, có tư duy kinh tế đã nắm bắt được các thời cơ để phát triển nhanh chóng và tăng “kích cỡ” của mình lên đáng kể. Họ đã biết tận dụng và sử dụng uyển chuyển những cơ chế, quan hệ và hệ thống tài chính để ngày càng mở rộng các hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, ngoài những phẩm chất tốt đẹp để vận dụng hiện nay, thì vẫn còn không ít những tư tưởng mang tính chộp giật, cơ hội, vị kỉ… Những hành động kinh doanh bán chuyên nghiệp, vừa hiểu biết luật nhưng ứng xử một cách tiểu nông trong các quan hệ dân sự, gây bức xúc cho người dân thời gian qua.
Nếu các quan hệ dân sự đơn thuần có những mâu thuẫn lợi ích đan xen đơn giản trong đời sống kinh tế - xã hội được giải quyết trên cơ sở đàm phán, đối thoại nhằm tìm ra hướng xử lý hài hòa cho các bên thì đó là lẽ thường tình.
Tuy nhiên, vượt ra ngoài “không gian” ấy để tiếp diễn với các lĩnh vực hoạt động kinh tế khác theo kiểu tư duy nửa vời, đậm chất tiểu nông, vừa hiểu luật nhưng lại nhờn thể chế như ông Trịnh Văn Quyết thì câu chuyện vào vòng lao lý chỉ là điều sớm muộn.
Và sự việc mà Trịnh Văn Quyết bị bắt vì vi phạm luật pháp trên thị trường chứng khoán Việt Nam là một hệ quả đã được cảnh báo từ trước.
TS. Cù Văn Trung
Những nấc thang của ông Trịnh Văn Quyết
Khác với các đại gia ở Việt Nam, ông Trịnh Văn Quyết không học ở nước ngoài, nổi tiếng sớm và có không ít thành công cũng như tai tiếng trên thị trường trước khi bị bắt.