Trát triệu tập ông Trump của Ủy ban điều tra bạo loạn ngày 6/1 rốt cuộc có thể không dẫn đến việc cựu lãnh đạo Nhà Trắng ra đối chất hay bàn giao các tài liệu, nhưng nhiều ý kiến lo ngại đây sẽ là khởi đầu cho một cơn biến động lớn sắp tới.
Theo CNN, Ủy ban vẫn còn một báo cáo phải công bố và cũng có thể yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ theo đuổi các cáo buộc chống lại ông Trump hoặc các trợ lý cũ của ông vì nghi vấn giúp kích động những người biểu tình tấn công vào trụ sở quốc hội Mỹ trên Đồi Capitol cũng như nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Ông Trump có thể quyết định tuân thủ trát triệu tập. Sau đó, ủy ban sẽ thương lượng về thời gian, địa điểm và phương pháp. Quá trình sẽ mất nhiều thời gian.
Ngược lại, nếu cựu tổng thống từ chối tuân thủ, toàn thể Hạ viện, dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ của đương kim Tổng thống Joe Biden ít nhất cho đến tháng 1 năm sau, có thể bỏ phiếu buộc tội ông Trump coi thường Quốc hội như từng áp dụng với một số nhân chứng bất hợp tác khác.
Sau khi buộc tội, Bộ Tư pháp có thể truy tố ông Trump như từng làm với Steve Bannon, cựu trợ lý của ông và dự định làm với cựu cố vấn kinh tế Peter Navarro.
Nếu bị kết tội, như trường hợp của Bannon, ông Trump về mặt lý thuyết có thể phải đối mặt với án tù tối thiểu 30 ngày. Ông Bannon dự kiến sẽ bị kết án vì tội không tuân thủ trát triệu tập của Hạ viện vào cuối tháng này.
Tuy nhiên, luật sư George Conway, người chỉ trích cựu tổng thống tin viễn cảnh trên sẽ không xảy ra và quyết định chấn động của ủy ban điều tra 6/1 đã kích hoạt phản ứng mạnh mẽ từ ông Trump. Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump cáo buộc lệnh triệu tập nhằm "chia rẽ đất nước" và ủy ban điều tra là "trò hề với cả thế giới".
Luật sư Conway nói thêm, Tòa án Tối cao đã cho thấy rõ việc họ lưu tâm đến đến địa vị cựu tổng thống của ông Trump khi bỏ qua việc ông nỗ lực ngăn chặn Cơ quan Lưu trữ quốc gia chia sẻ thông tin với ủy ban.
Đáng chú ý, hôm 13/10, tòa cũng từ chối can thiệp vào cuộc điều tra các tài liệu mật ở tư dinh của ông Trump tại Mar-a-Lago, bang Florida theo yêu cầu của cựu tổng thống.
Các cuộc điều tra khác chống ông Trump
Bộ Tư pháp Mỹ đang xúc tiến một số cuộc điều tra được cho là “lớn hơn và quan trọng hơn” cáo buộc ông Trump coi thường trát triệu tập của Quốc hội, liên quan đến cách quản lý các tài liệu mật sau khi mãn nhiệm cũng như các nỗ lực của ông nhằm lật ngược kết quả tổng tuyển cử năm 2020.
Hạ nghị sĩ Liz Cheney tiết lộ, ủy ban điều tra 6/1 cảm thấy có đủ thông tin để yêu cầu Bộ Tư pháp thực hiện các vụ truy tố xuất phát từ phát hiện của họ. Bà Cheney nhấn mạnh, hơn 30 nhân chứng đã viện dẫn các biện pháp bảo vệ quy định trong Tu chính án thứ 5 để chống lại việc tự buộc tội liên quan đến các tương tác giữa họ với cựu lãnh đạo Nhà Trắng.
Bà Cheney, người giữ chức Phó chủ tịch ủy ban 6/1 nói, trong số những người viện dẫn Tu chính án thứ 5 hoặc từ chối làm chứng thay vì nêu chi tiết các liên lạc giữa họ với ông Trump hôm 6/1/2021 có Roger Stone, người ủng hộ thân cận từng giúp ông Trump tổ chức một số sự kiện vào ngày hôm đó và được ông Trump ân xá trong một vấn đề khác lúc còn đương nhiệm; Trung tướng quân đội nghỉ hưu Michael Flynn, người cũng được ông Trump ân xá; John Eastman, người đứng sau kế hoạch của ông Trump nhằm đảo ngược số phiếu đại cử tri giành được năm 2020; Jeffrey Clark, đồng minh của ông Trump tại Bộ Tư pháp và Mark Meadows, Chánh văn phòng Nhà Trắng thời ông Trump.
Các tổng thống Mỹ từng điều trần trước Quốc hội
Một số tổng thống và cựu tổng thống Mỹ từng ra điều trần trước các ủy ban của Quốc hội và họ luôn làm điều đó một cách tự nguyện.
Gần đây nhất, vào năm 1974, Gerald Ford đã tự nguyện điều trần với tư cách tổng thống trước một tiểu ban của Hạ viện về quyết định ân xá cho cựu lãnh đạo Nhà Trắng Richard Nixon.
Sau đó, vào năm 1983, ông Ford cũng ra điều trần với tư cách cựu tổng thống trước một tiểu ban của Thượng viện. Phiên điều trần cách đây 39 năm là lần cuối cùng một người từng lãnh đạo Nhà Trắng trả lời chất vấn của các nhà lập pháp tại tiểu ban thuộc Thượng viện, theo Văn phòng Lịch sử Thượng viện và Thư viện Thượng viện.
Các tổng thống từng bị triệu tập chất vấn
Tổng thống Thomas Jefferson đã từ chối xuất hiện tại phiên tòa xét xử cựu Phó Tổng thống Aaron Burr vì tội phản quốc, mặc dù ông đã bị Chánh án John Marshall gửi trát đòi hầu tòa. Ông Jefferson về sau đã cung cấp một số tài liệu. Ông Burr cuối cùng được tuyên bố trắng án.
Tổng thống Bill Clinton đã bỏ qua trát đòi hầu tòa bằng cách tự nguyện xuất hiện trước các điều tra viên của Whitewater.
Việc ông Nixon từ chức tổng thống đã khiến cho trát đòi ông hầu tòa trong vụ Watergate gây tranh cãi.
Trường hợp khác biệt của ông Trump
Vụ việc của ông Trump rất khác những trường hợp trên. Trước hết, đây là một ủy ban của quốc hội, chứ không phải tòa án hay công tố viên ra lệnh triệu tập ông tới đối chất. Ông Trump hiện cũng không còn giữ chức tổng thống.
Thời ông Trump còn lãnh đạo Nhà Trắng, năm 2020, Tòa án Tối cao đã phản đối lệnh của Hạ viện về việc gửi hồ sơ tài chính của ông trở lại các tòa án cấp thấp hơn. Các thẩm phán lúc đó đã yêu cầu các tòa án cấp dưới xem xét việc tách bạch quyền lực ngay cả trong các trường hợp liên quan đến thông tin riêng tư của tổng thống.
Ủy ban Giám sát Hạ viện gần đây đã đạt được thỏa thuận với ông Trump để có quyền tiếp cận các tài liệu này. Tòa án tối cao đã ra phán quyết rằng, các điều tra viên New York có thể xem xét các hồ sơ tài chính của cựu tổng thống. Công ty của ông Trump sẽ phải hầu tòa hình sự trong tháng này với cáo buộc vi phạm luật thuế.
Nếu ông Trump đồng ý đối chất tại ủy ban 6/1, đây thực sự sẽ là lần thứ 2 ông trả lời các câu chất vấn trước luật sư trong năm nay.
Một thẩm phán đã buộc cựu tổng thống phải tuân thủ trát đòi hầu tòa từ Tổng chưởng lý New York Letitia James để phục vụ cuộc điều tra dân sự của bà về những hoạt động kinh doanh của ông. Ông Trump đã viện dẫn các quyền được bảo vệ trong Tu chính án thứ 5 để chống lại sự tự buộc tội lúc đó.
Ông Trump, 3 người con lớn và Tổ chức Trump sau đó đã bị bà James kiện. Tổng chưởng lý New York hôm 13/10 đã yêu cầu một tòa án của bang ngăn ông Trump tẩu tán tài sản để bảo vệ bản thân, các con và tập đoàn của gia đình khỏi vụ kiện.
Tất cả những cuộc chiến pháp lý trên đã kéo dài trong nhiều năm, thời gian biểu ủy ban 6/1 chắc chắn không có. Theo CNN, Bộ Tư pháp sẽ không công khai tham gia vào bất kỳ hoạt động nào vào thời điểm gần với cuộc bầu cử, trong khi các cử tri có thể giao quyền kiểm soát Hạ viện cho đảng Cộng hòa của ông Trump thông qua cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.
Điều đó đồng nghĩa, ủy ban 6/1 phải lên kế hoạch hoàn thành tất cả công việc của họ trước ngày 3/1/ 2023, khi Quốc hội khóa mới bắt đầu đi vào hoạt động và ủy ban 6/1 có thể không còn tồn tại nữa.
Tuấn Anh