Theo CNN, trong ngày 8/8, khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ bị FBI khám xét, đây là hành động nằm trong cuộc điều tra về việc ông Trump có vi phạm Đạo luật Hồ sơ Tổng thống hay không.
Ra đời vào năm 1978, đạo luật Hồ sơ Tổng thống yêu cầu người đứng đầu Nhà Trắng phải giữ lại các bản ghi nhớ, thư từ, ghi chú, thư điện tử, giấy fax và nhiều thông tin liên lạc bằng văn bản khác liên quan tới nghĩa vụ chính thức của tổng thống. Đạo luật này cũng nêu rõ quy trình chuyển giao sau khi kết thúc một nhiệm kỳ.
Cáo buộc được đưa ra cho rằng, ông Trump đã không tuân thủ đạo luật này trong nhiệm kỳ của mình, khi mang theo nhiều tài liệu và hồ sơ mật về nhà riêng, thậm chí tiêu hủy chúng sai quy trình. Một số luật sư cho rằng, việc lưu giữ hoặc tiêu hủy trái phép tài liệu của Nhà Trắng là dấu hiệu nguy hiểm. Luật hình sự nghiêm cấm xóa hoặc tiêu hủy các tài sản của chính phủ, và cá nhân sẽ bị buộc tội nếu cố tình vi phạm luật.
Trên thực tế, một vụ án liên quan đến xử lý tài liệu quốc gia thường rất phức tạp, bởi các cơ quan liên bang tỏ ra thiếu nhất quán về tiêu chuẩn của một tài liệu mật. Theo một chuyên gia pháp lý đã có kinh nghiệm giải quyết các cáo buộc tương tự, ông Trump có tư cách giải mật tài liệu dưới cương vị tổng thống. Sau khi đã được giải mã, tài liệu ông mang về nhà riêng không thể coi là tài liệu mật được nữa.
Dĩ nhiên, quyền hạn đó đã chấm dứt khi ông Trump rời Nhà Trắng, nhưng không có bằng chứng cụ thể nào chứng minh các tài liệu ở Mar-a-Lago được giải mật sau khi cựu Tổng thống kết thúc nhiệm kỳ. Các chuyên gia pháp lý CNN phỏng vấn cũng cho rằng, ông Trump rất khó bị kết tội theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, bởi luật này vốn không thể thực thi một cách có ý nghĩa được.
Việc điều tra nơi ở của cựu Tổng thống Donald Trump được đánh giá là một bước đi lịch sử của Bộ Tư pháp và FBI. Chưa có một cựu Tổng thống nào, đặc biệt là người công khai xem xét tái tranh cử Nhà Trắng, từng phải đối mặt với một việc như vậy.
Việt Dũng