Đây là một trong những phát hiện chính trong báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố hôm nay (2/4).

Báo cáo cho biết, mặc dù năm 2018 Việt Nam đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP “kỷ lục” khoảng 7%, song nhiều người dân vẫn tiếp tục quan ngại về đói nghèo, coi đây là vấn đề hệ trọng nhất mà Nhà nước cần tập trung giải quyết.

Điều đáng nói là đói nghèo luôn đứng đầu danh sách với tỷ lệ người trả lời cho rằng đây là “vấn đề hệ trọng nhất ở mức cao nhất” trong suốt bốn năm qua. Người ta lo ngại về khả năng bản thân hoặc gia đình trở lại đói nghèo sau khi đã thoát nghèo.

Đây là năm thứ 10 báo cáo PAPI được thực hiện tại Việt Nam. Năm nay UNDP và nhóm nghiên cứu đã khảo sát hơn 14.000 người ở 63 tỉnh để đánh giá về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền trong năm vừa qua.

{keywords}
Việt Nam chi tới 6.000 tỷ đồng mỗi năm để phát triển chính phủ điện tử, nhưng chỉ có 1-4% người dân sử dụng các cổng thông tin của chính quyền để làm thủ tục hành chính.

Báo cáo cũng giúp phác họa một bức tranh nhiều màu sắc của xã hội Việt Nam hiện nay.

Kết quả khảo sát cho thấy, tham nhũng vẫn là một trong những mối quan ngại hàng đầu trong công chúng. Tham nhũng được xem là ít phổ biến ở cấp xã,phường hơn ở các cấp chính quyền cao hơn. Mặc dù người dân có chung quan điểm rằng tham nhũng đã giảm đi so với ba năm trước, song mỗi cấp chính quyền có mức độ thuyên giảm khác nhau. Gần 60% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp xã, phường đã thuyên giảm trong ba năm qua, song chỉ có 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm.

Phát hiện chính từ Chỉ số ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’ cho thấy vòi vĩnh trong dịch vụ y tế tuyến huyện,quận và giáo dục tiểu học công lập giảm; song, ‘lót tay’ để có việc làm trong khu vực Nhà nước, vòi vĩnh trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ không đổi qua hai năm 2017 và 2018. 

Công khai, minh bạch trong lập danh sách hộ nghèo có cải thiện; công khai, minh bạch quy hoạch sử dụng đất còn hạn chế.

Phát hiện chính từ Chỉ số ‘Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định’ cho biết, từ năm 2011 đến 2018, chưa đến một phần tư dân số có thể truy cập thông tin về quy hoạch sử dụng đất của địa phương và chưa đến một phần ba có cơ hội đóng góp ý kiến cho các bản quy hoạch sử dụng đất ở địa phương.  

Theo Chỉ số ‘Cung ứng dịch vụ công’, điểm nội dung thành phần ‘Giáo dục tiểu học công lập’ có phần giảm sút, đặc biệt là ở chỉ tiêu đo lường sự hài lòng người sử dụng dịch vụ này với điều kiện vật chất, trang thiết bị của các trường tiểu học công lập và đánh giá về chất lượng giáo dục tiểu học. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế tiếp tục tăng từ 80% năm 2017 lên 87% năm 2018.

Phát hiện từ Chỉ số nội dung ‘Quản trị môi trường’ cho thấy người dân tỏ ra lo lắng về chất lượng nước sinh hoạt hơn về ô nhiễm không khí trong năm 2018 so với những năm trước. Hơn 50% số người được hỏi cho biết chất lượng nước kém hơn ba năm trước, trong khi đó khoảng 36% cho biết chất lượng không khí kém hơn so với ba năm trước. Hơn nữa, tỷ lệ người trả lời trên toàn quốc chọn bảo vệ môi trường thay vì phát triển kinh tế bằng mọi giá tăng từ 69% năm 2016 lên 74% năm 2018.

Có khoảng cách lớn giữa số người sử dụng Internet và số người sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương. Kết quả phân tích từ Chỉ số ‘Quản trị điện tử’ cho thấy tỷ lệ người trả lời cho biết họ đọc tin tức trên nền tảng Internet và sử dụng Internet tăng nhanh từ 28% năm 2017 lên 38% năm 2018. Bên cạnh đó, 53% số người được hỏi cho biết họ có Internet tại nhà, tăng hơn 15% so với tỷ lệ năm 2017.

Tuy vậy, tỷ lệ người sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền khi thực hiện thủ tục hành chính như xin chứng thực, xác nhận, xin cấp phép xây dựng, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn rất thấp, dao động từ 1% đến 4%.

Những phát hiện từ Chỉ số ‘Quản trị điện tử’ là đáng quan tâm trong bối cảnh Việt Nam ưu tiên bắt kịp Cách mạng công nghiệp 4.0. Báo cáo PAPI cho biết, ngân sách nhà nước chi cho phát triển chính phủ điện tử lên tới 6.000 tỉ mỗi năm trong giai đoạn 2015-2017.

Có thể nói những phát hiện nghiên cứu PAPI cho tới nay đã tạo ra một số ảnh hưởng đáng kể, và trong thời gian tới những tác động đó có thể lớn hơn khi ý kiến đóng góp của người dân thông qua PAPI ngày càng được các cấp chính quyền lưu tâm.

Cho đến nay, 59 trong số 63 tỉnh,thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành yêu cầu các cấp chính quyền từ tỉnh,thành phố đến cơ sở cải thiện hiệu quả hoạt động phục vụ nhân dân nhằm đạt được kết quả PAPI ngày một cao.

Riêng năm 2018, ít nhất 38 tỉnh, thành phố đã ban hành mới hoặc bổ sung văn bản chỉ đạo đó nhằm cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công với tầm nhìn từ một đến ba năm.

Dữ liệu PAPI cũng góp phần quan trọng cho việc rà soát hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, và đánh giá kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới 2030 của Việt Nam.

Lan Anh