Tại buổi họp báo chiều 13/10, ông Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Xăng dầu Khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) cho biết, thời gian qua, tình hình kinh doanh, cung ứng xăng dầu gặp phải một số vấn đề.
Một số DN ngừng cung ứng do thiếu nguồn cục bộ, trong khi Petrolimex Sài Gòn có tổng cộng 123/550 cửa hàng phân phối xăng dầu trên địa bàn TP, chiếm tỷ lệ khoảng 20% số cửa hàng với thị phần cung cấp khoảng 35%. Khi một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM dừng bán hoặc bán nhỏ giọt thì lượng người đổ dồn về Petrolimex Sài Gòn sẽ rất lớn. Ước tính, sản lượng đổ xăng tăng bình quân so với những ngày bình thường là 135%, tuy nhiên, có những ngày đỉnh điểm tăng khoảng 240%. Đơn cử, ngày thường bình quân cung cấp 1.300-1.500m3/ngày nhưng trong ngày 12/10 đơn vị cung cấp tới 3.200m3.
Trong những ngày cao điểm vừa qua, TP và các Sở, ngành đã tạo điều kiện cho phương tiện vận chuyển xăng dầu của Petrolimex được quay đầu nhận hàng, đưa hàng vào khung giờ cao điểm, từ đó, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hiện, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn đã hạ nhiệt.
Cũng theo Giám đốc Petrolimex Sài Gòn, từ nay đến ngày 17/10 thì đơn vị tiếp tục nhập về Tổng kho xăng dầu Nhà Bè khoảng 100.000m3 xăng dầu, trong đó có 80.000m3 xăng dầu nhập khẩu và 20.000m3 là xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước.
Trong ngày 13/10, DN này đã nhập về tàu 40.000m3, ngày mai (14/10) sẽ nhập thêm tàu 40.000m3. Dự kiến, trong tháng 10 sẽ nhập tiếp 30.000-40.000m3 xăng từ nhà máy lọc dầu trong nước và 80.000m3 dầu nhập khẩu. Ngoài ra, Tập đoàn Petrolimex đã có kế hoạch nhập hàng về Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè từ đầu tháng 11 để đảm bảo nguồn cung liên tục, không bị gián đoạn.
“Với lượng bổ sung này thì Petrolimex Sài Gòn hoàn toàn có khả năng đáp ứng cho các cửa hàng của Petrolimex không chỉ trên địa bàn TP.HCM mà còn ở các tỉnh khu vực phía Nam. Chúng tôi cam kết không có bất kỳ cửa hàng xăng dầu nào đóng cửa vì thiếu nguồn cung. Đặc biệt, tất cả các cửa hàng khi đã mở bán thì người dân tới đổ bao nhiêu cũng được và không giới hạn số lượng đổ xăng mỗi lần”, ông Tuấn khẳng định.
Với việc bổ sung nguồn cung hàng kịp thời thì hoạt động cung ứng xăng dầu đã ổn định. Thống kê đến 12h trưa ngày 13/10, lượng mua xăng tại các cửa hàng Petrolimex đã quay về các mức tương đương bình quân những ngày trước đây, tăng không đáng kể.
Phó Thủ tướng họp với liên Bộ về tình hình xăng dầu
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, cơ quan quản lý thị trường đang giám sát chặt 550 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP, bất kỳ cửa hàng nào đóng cửa đều phải có giấy chấp thuận của Sở theo quy định. Thực tế kiểm tra thì tất cả cửa hàng đóng cửa hoặc tạm ngưng bán hàng những ngày qua đều đã cạn xăng, chủ cây xăng không có dấu hiệu găm hàng.
Tính tới 14h 13/10, số lượng cửa hàng bị gián đoạn cung ứng xăng đã giảm còn một nửa so với ngày hôm qua (12/10). Bên cạnh đó, số lượng người đổ xăng giảm rất nhiều, gần như không còn tình trạng xếp hàng, chờ đợi tới lượt đổ xăng. Nhu cầu của người dân được đáp ứng nhanh.
Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM, trong sáng 13/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có cuộc họp với liên Bộ Tài chính - Công Thương. Phó Thủ tướng thống nhất với đề xuất của Bộ Công Thương trong quá trình điều hành cần tính giá, chi phí cơ sở trong hoạt động kinh doanh, tính đúng, tính đủ để đảm bảo lợi ích hài hòa cho DN, tránh tình trạng DN phản ánh kinh doanh xăng dầu không có lãi trong thời gian qua.
"Vừa rồi, liên Bộ đã thống nhất điều chỉnh lại chi phí từ việc mua xăng, vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về điểm bán. Tới đây, Bộ chức năng sẽ tiếp tục tính toán để điều chỉnh chi phí sao cho phù hợp nhất", ông Phương nói.