- Người đứng đầu phải liêm chính, công khai, minh bạch trong công tác nhân sự, gạt bỏ quan hệ họ hàng sang một bên - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Người đứng đầu chịu trách nhiệm
Trong các vụ việc nhiều người thân cùng giữ các chức vụ quan trọng trong cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm đều trả lời “bổ nhiệm đúng quy trình”, vậy ở đây nên hiểu thế nào, thưa ông?
Khi báo chí đưa tin về việc này, câu trả lời của người có trách nhiệm là việc bổ nhiệm đã thực hiện “đúng quy trình”. Dư luận và mọi người chưa thỏa mãn, không đồng tình với cách giải thích kiểu như vậy.
Chúng tôi đã suy nghĩ và thấy rằng câu trả lời này không sai nhưng chưa đầy đủ.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Tình cảm họ hàng và trách nhiệm công vụ phải được phân định rạch ròi. Ảnh: Trần Thường |
Dưới góc độ quản lý, chúng tôi rất chia sẻ với việc chưa thỏa mãn đó. Vì việc lựa chọn nhân sự để bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý là phải tiến hành đúng quy trình, đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, lựa chọn nhân sự đúng tiêu chuẩn, đủ điều kiện; đúng thẩm quyền và tuân thủ các quy định khác...
Các nội dung này đều đã được pháp luật quy định. Để thực hiện đúng các quy định của pháp luật, nếu tính chỉ mỗi quy trình thì chưa đủ, cùng với quy trình là các quy định khác cũng phải thực hiện như nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục, hồ sơ...
Đặc biệt là sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, là trách nhiệm của người đứng đầu, phải dân chủ, khách quan, công bằng, chất lượng và thực hiện những điều cấm không được làm liên quan đến người thân, gia đình khi thực hiện bổ nhiệm (quy định tại pháp luật về phòng chống tham nhũng).
Trong đó, trách nhiệm của người đứng đầu có vai trò rất quan trọng.
Lấy luật pháp làm đầu
Nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình và thẩm quyền bổ nhiệm đã được pháp luật quy định, vậy người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm gì trong việc lựa chọn cán bộ để tránh liên quan đến những nhân sự họ hàng này?
Người ta vẫn nói rằng: Một lãnh đạo quản lý tốt phải lấy luật pháp làm đầu. Do đó, trách nhiệm của người đứng đầu là phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi giải quyết công việc, trong đó có công tác bổ nhiệm.
Trong mỗi tổ chức, cơ quan, người đứng đầu có vai trò và ảnh hưởng rất lớn trong việc xem xét, lựa chọn nhân sự. Để lựa chọn và bổ nhiệm được đúng người thì người đứng đầu phải trước hết tự mình gương mẫu, trong sáng, khách quan, công tâm, "vì việc mà chọn người", không "vì người mà chọn việc".
Cuộc sống ai cũng có quan hệ tình cảm gia đình, bạn bè. Nhưng tình cảm họ hàng gia đình và trách nhiệm công vụ phải được phân định rạch ròi.
Mặc dù pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã có các quy định cấm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong việc lựa chọn giữ một số chức vụ trong cơ quan, tổ chức được giao quản lý nhưng không cấm hết các mối quan hệ thân sơ.
Vì vậy, người đứng đầu phải rất có trách nhiệm. Tính trách nhiệm này thể hiện ở việc tuân thủ pháp luật, ở sự liêm chính, công khai, minh bạch và gạt bỏ các quan hệ gia đình, họ hàng sang một bên.
Bên cạnh đó là vai trò lãnh đạo, kiểm tra của cấp ủy đảng và sự giám sát của nhân dân.
Cơ hội bình đẳng
Gần đây, Thủ tướng đã nói "tuyển người tài chứ không tuyển người nhà". Ý kiến của ông?
Tôi rất đồng tình và tán thành quan điểm này. Suy rộng ra, điều đó nghĩa là cứ người có đức, có tài thì đều được trọng dụng, không phân biệt thân sơ, trừ trường hợp quan hệ gia đình bị pháp luật cấm.
Pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã có quy định về việc cấm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong bổ nhiệm cán bộ liên quan đến người nhà. Tuy nhiên, việc tham gia dự tuyển để bổ nhiệm cũng cần được xem xét một cách công bằng.
Các nhân sự dù có hay không có quan hệ họ hàng, gia đình với người đứng đầu cũng đều phải được có cơ hội bình đẳng như nhau trong tuyển chọn. Nếu có đức, có tài thì đều phải được sử dụng, được cống hiến, trừ các trường hợp có quan hệ gia đình mà pháp luật đã cấm.
Tuy nhiên, vẫn có một số cơ quan, tổ chức thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế và lại là người thân trong gia đình. Đây chính là biểu hiện “cả họ làm quan” mà dư luận và chúng ta đều phê phán.
Vấn đề này cần phải chấn chỉnh kịp thời bằng nhiều giải pháp. Theo tôi, trước mắt cần rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bổ nhiệm lãnh đạo, những trường hợp người nhà, người thân của lãnh đạo mà kém tài, kém đức.
Đồng thời, bảo đảm vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của luật phòng, chống tham nhũng cấm người đứng đầu bổ nhiệm nhân sự là người thân, gia đình; thực hiện đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý (tiếp tục thực hiện thi tuyển trong tuyển chọn, bổ nhiệm lãnh đạo); nghiên cứu luật “hồi tỵ” của người xưa để thực hiện một số chức danh đứng đầu không phải người địa phương…
Hội nghị TƯ 4 mới kết thúc. Với việc thực hiện tốt nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có các giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách, kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, chúng tôi tin tưởng chắc chắn sẽ ngăn chặn, đẩy lùi được các biểu hiện suy thoái trong nội bộ, trong đó có biểu hiện “cả họ làm quan”.
Minh Anh