LTS: Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao", trong đó có những chủ trương mới đáng chú ý về chính sách đất đai.
Sau Hội nghị Trung ương 5, giữa tháng 6/2022, Bộ TN&MT đã thành lập Ban soạn thảo để rà soát, đề xuất các phương án sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo các nhóm nội dung: Quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai, cơ cấu tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, phân cấp quản lý; nhóm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều tra, đánh giá tài nguyên đất; nhóm tài chính đất đai, giá đất; nhóm thu hồi, giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất; nhóm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất…
VietNamNet phỏng vấn GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT xung quanh những nội dung này.
Bài 1: Đấu thầu dự án có sử dụng đất để tăng tính cạnh tranh
Theo GS Đặng Hùng Võ, thời gian qua, nhiều địa phương sử dụng phương án đấu giá đất để có nguồn thu nhằm phát triển kinh tế xã hội, đầu tư xây dựng hạ tầng. Phương án này giúp Nhà nước, địa phương có nguồn thu cao thông qua người trả giá cao nhất.
Đấu giá đất được thực hiện công khai, minh bạch, theo đúng pháp luật mới có hiệu quả.
Những vụ việc sai phạm trong đấu giá đất thời gian qua cho thấy những mặt trái chiều. Điển hình như các vụ việc Nguyễn Xuân Đường gây sức ép để dìm giá đất đấu giá tại Thái Bình, hay vụ Tân Hoàng Minh đẩy giá cao chót vót khi giá tại Thủ Thiêm…
“Bản chất của đấu giá đất là rất minh bạch, khách quan. Nhà nước thu được giá trị cao nhất thông qua đấu giá. Vấn đề là quá trình thực hiện không minh bạch. Ví dụ như bưng bít thông tin khiến ít người tham gia, từ đó giảm tính cạnh tranh, hay nâng giá, dìm giá...
Ngoài ra, việc tổ chức đấu giá đất dẫn tới giá trị đầu vào của một dự án quá cao.
Chúng ta nên đấu thầu dự án có sử dụng đất. Nhà đầu tư phải chứng minh, mình là đơn vị sử dụng đất tốt nhất, đưa ra được trọng số hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, hiệu quả môi trường… Nhà nước sẽ căn cứ vào các chỉ số đó để lựa chọn nhà đầu tư” – ông Đặng Hùng Võ phân tích.
Nghị quyết 18 gợi mở nhiều điều mới cho Luật Đất đai sửa đổi
Nghị quyết 18 nêu, cần đẩy mạnh đấu giá đất, hạn chế việc giao đất. Quan điểm của ông về nội dung này như thế nào?
Nội dung này Nghị quyết yêu cầu làm rõ, trường hợp nào phải đấu giá, trường hợp nào đấu thầu dự án có sử dụng đất, trường hợp nào được giao – cho thuê trực tiếp… chứ không cổ vũ đấu giá đất.
Vừa qua, một số địa phương tổ chức đấu giá đất, để xảy ra các vụ việc như Nguyễn Xuân Đường tại Thái Bình hay đấu giá đất Thủ Thiêm?
Các trường hợp trên đều là lợi dụng cơ chế đấu giá đất để đạt được mục tiêu của mình.
Trong khi, Luật Đất đai 2013 quy định đã giao đất là phải thông qua đấu giá. Còn đấu thầu dự án nằm trong Luật Đấu thầu. Luật Đất đai 2013 không có cơ chế đấu thầu, nhưng tất cả các tỉnh đều áp dụng cơ chế đấu thầu. Ta cần phải đặt câu hỏi vì sao lại như thế? Trong khi đấu giá có những trường hợp như đã nói. Vậy, đấu giá có lợi hay không có lợi? Chính sách đang rất minh bạch nhưng bị lợi dụng để biến tướng.
Trong Nghị quyết 18, ông tâm đắc nhất điểm gì?
NQ 18 có nhiều điểm mới. Ví dụ như làm rõ cơ chế thu hồi đất. Làm rõ trường hợp nào các dự án phát triển kinh tế xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng…
Luật Đất đai 2013 mới dẫn lại các điều quy định tại Hiến pháp song chưa xây dựng các thuật ngữ pháp lý dẫn tới các địa phương hiểu khác nhau về đầu tư phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, công cộng. NQ 18 yêu cầu làm rõ nội hàm này.
Về bản chất, lợi ích của nhà đầu tư phải gắn liền với lợi ích của Nhà nước. Nếu lợi ích của nhà đầu tư không gắn với lợi ích nhà nước thì xin mời ra ngoài thị trường, muốn muốn nhận chuyển nhượng của ai thì chuyển nhượng, theo đúng pháp luật và Nhà nước không can thiệp. Khi gắn với lợi ích Nhà nước, công cộng… chủ đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi củ. NQ 18 yêu cầu làm rõ cơ chế này.
Thứ đến, NQ 18 yêu cầu có quy định cụ thể các trường hợp đa mục tiêu sử dụng đất. Ví dụ, một dự án phát triển du lịch đa mục tiêu khác nhau, quản lý như thế nào, thời hạn sử dụng bao nhiêu… Hay đối với đất quốc phòng, nếu đưa vào sản xuất kinh doanh, đất đó có gọi là quốc phòng hay không, hay cũng cần sự công bằng như đất sản xuất kinh doanh khác. Luật Đất đai 2013 chưa nêu rõ khái niệm này.
Pháp nhân quốc phòng đi triển khai dự án kinh tế không thể coi đó là dự án vì an ninh quốc phòng. Thu hồi đất phục vụ an ninh, quốc phòng không cần phải bồi thường, đền bù, còn kinh doanh thương mại thì phải tuân thủ theo Luật Thương mại chứ không thể có một đặc quyền riêng. Hàng loạt vụ việc lãnh đạo quốc phòng bị xử lý do sai phạm liên quan đất đai quốc phòng thời gian qua là minh chứng điển hình.
Các nội dung trọng tâm trong Nghị quyết 18: 1. Hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 2. Bỏ khung giá đất, có phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường 3. Đánh thuế cao hơn đối với người sở hữu nhiều nhà, đất 4. Giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất 5. Cơ sở tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất theo quy định 6. Sắp có quy định cụ thể bồi thường, hỗ trợ tái định cư nếu người dân bị thu hồi đất 7. Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp 8. Quy định chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển. |