Chiều nay (7/1), giải trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa phục vụ tăng trưởng và phát triển lâu dài, thúc đẩy cả cung và cầu của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quốc hội |
Theo ông Dũng, các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung vào những ngành cần thiết, trước mắt là nâng cao năng lực phòng chống dịch ngành y tế; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối cửa khẩu Đông Bắc, các khu công nghiệp, khu kinh tế...
Ngoài ra, phân bổ nguồn vốn sẽ hài hòa giữa các vùng miền, tạo động lực mới trong phát triển, đảm bảo công bằng, nhưng không cào bằng, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư lĩnh vực, ngành có tính lan tỏa.
Bộ trưởng Dũng đồng ý với các đại biểu Quốc hội là gói hỗ trợ quy mô tương đối lớn, thời gian thực hiện tương đối ngắn nên khả năng hấp thụ, đảm bảo đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra là “thách thức rất lớn”.
“Quy mô khá lớn, bên cạnh đánh giá tác động của chính sách, Chính phủ đã nhận diện và chuẩn bị các giải pháp kiểm soát rủi ro có thể xảy ra, nhất là áp lực lạm phát gia tăng trong năm 2022- 2023. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ thường xuyên diễn biến tình hình giá cả trong nước và thế giới để có phản ứng phù hợp để kiểm soát lạm phát”, ông Dũng nói.
Ông cũng nhấn mạnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, nhất là trước và trong quá trình xây dựng công trình để nâng cao tính công khai, minh bạch; phòng, chống tham nhũng, xin - cho, lợi ích nhóm.
“Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán nhà nước, yêu cầu các cơ quan liên quan tham gia vào cuộc ngay từ đầu việc triển khai các chính sách đặc thù, nhất là cơ chế chỉ định thầu, đẩy mạnh công nghệ thông tin để bảo đảm năng suất hiệu quả, hiệu lực”, ông Dũng nói.
Khó có thể lượng hóa được lượng tiền ra từ chính sách tiền tệ
Về chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói, phần tác động đến bội chi ngân sách là 240.000 tỷ đồng, trong đó thuế là 64.000 tỷ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quốc hội |
Theo ông Phớc, mức giảm thuế này gấp 3 lần so với 2021 và chi ngân sách cũng lớn nhất từ trước đến nay.
Trước việc có ý kiến đại biểu cho rằng giảm 2% thuế VAT là nhỏ, cần giảm đến 5%, ông Phớc cho rằng, năm 2022 sẽ giảm 2% với mặt hàng có thuế suất 10%, trừ một số ngành viễn thông, tài chính, bảo hiểm ngân hàng, bất động sản… giúp giảm 49,4 nghìn tỷ đồng.
Nếu hàng hóa chịu 5% thuế VAT thì số giảm lớn, gây áp lực, gây mất cân đối ngân sách, nên Bộ trưởng Tài chính xin “giữ nguyên như tờ trình”.
Trước ý kiến đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thay vì giảm thuế VAT, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, đây là vấn đề mới nên cần tiếp tục được nghiên cứu.
Tuy nhiên, theo ông, giảm 2% thuế VAT thì có tác dụng rộng hơn, lan tỏa tốt hơn, kích thích tiêu dùng cho nền kinh tế. Còn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp thua lỗ, khó khăn không được hưởng để có thêm nguồn lực.
Ngoài ra, nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì báo cáo tài chính cũng không minh bạch giữa chi phí và thuế, không đúng với pháp luật thuế hiện nay, chuẩn mực kế toán.
Với đề xuất tăng thuế giao dịch chứng khoán, bất động sản, Bộ trưởng Tài chính cho hay, hiện nay với doanh nghiệp chuyển nhượng chứng khoán thì thu 20%/thu nhập. Còn chuyển nhượng bất động sản, với doanh nghiệp là 20%/thu nhập, cá nhân là 2%/giá trị hợp đồng.
Bộ trưởng cho rằng, hiện thị trường chứng khoán rất tốt, là kênh thu hút vốn quan trọng cho nền kinh tế, năm 2021 huy động được 7,77 triệu tỷ đồng nên đề nghị giữ nguyên.
Thay vào đó, là tập trung siết trái phiếu doanh nghiệp mà không có tài sản thế chấp. Còn chuyển nhượng tài sản cá nhân thì nộp thuế đúng với giá bán thực tế để tránh thất thu thuế.
Về gói tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là gói bổ sung ngoài khuôn khổ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, cũng như thực hiện đề án tái cơ cấu. Khi đánh giá tổng thể dư địa chính sách, dư địa chính sách tiền tệ ở chương trình này ít, chủ yếu dựa vào chính sách tài khóa.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Quốc hội |
Theo bà Hồng, khi đưa tiền ra qua chính sách tài khóa, Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự linh hoạt của chính sách tiền tệ, mục tiêu đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
“Do tính chất ngắn hạn của chính sách tiền tệ nên cần sự linh hoạt theo sát thị trường, có lúc phải đưa tiền ra và có lúc rút tiền về, nên tại thời điểm xây dựng chương trình này khó có thể lượng hóa được lượng tiền ra từ chính sách tiền tệ”, bà Hồng nói.
Với việc giảm lãi suất, bà Hồng cho hay, đây là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành của ngành ngân hàng. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung giảm nhanh lãi suất, cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng điều tiết tiền tệ để giảm lãi suất cho vay, theo đó trong năm 2020 khoảng 1% và năm 2021 tiếp tục giảm là 0,8%.
“Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay thì toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm lãi, phí gần 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân”, bà Hồng thông tin.
Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng, các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ và xu hướng lãi suất tăng lên.
Trong khi, nền kinh tế của Việt Nam đặt ra yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất, theo bà Hồng là “vấn đề thực sự khó khăn”. Tuy nhiên, trong xây dựng chương trình phục hồi này, Chính phủ đã cân nhắc và đưa ra giải pháp là phấn đấu chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1% trong 2 năm để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.
Bà Hồng khẳng định sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để cho vay đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục hạn chế gói hỗ trợ trước đây.
Hương Quỳnh - Thu Hằng
Đề nghị xác định lại chi phí phòng chống dịch của các bệnh viện công
Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Ban Công tác đại biểu đề nghị cần rà soát, xác định lại chi phí tài chính trong phòng chống dịch bệnh vừa qua của các bệnh viện công.