21 giờ, bốn thanh niên đi bộ dọc bãi đất trống gần bến xe Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) trở về chỗ ngủ là một trong hàng chục ống cống đặt bên đường.
Cả khu này tối om như mực phải nhìn kỹ lắm mới thấy rõ mặt người, cuộn giấy vệ sinh trắng treo lủng lẳng cạnh cống là tín hiệu duy nhất để họ nhận biết đây là chỗ ở của mình.
Đông, Hùng, Chiến đều chạc tuổi nhau khoảng từ 18 - 20 tuổi, cả 3 em đều sinh ra ở Thanh Hóa và biết nhau khi làm phục vụ tại một quán bia ở Hai Bà Trưng.
Chỉ có Huân, em trai của Chiến mới ra Hà Nội được hơn 10 ngày, mà theo lời kể của em là "đi để chạy trốn những đòn roi khi say rượu của bố".
Mất việc vì Covid-19, bốn thanh niên ngủ chui trong cống |
Sau khi quán bia đóng cửa ngày 18/11, cả bốn thanh niên rơi vào cảnh thất nghiệp, mỗi người được chủ hỗ trợ 500.000 đồng.
"Ra khỏi quán bọn em bắt xe từ Hai Bà Trưng sang Mỹ Đình, bãi đất này có lần em đi qua thấy có cống bỏ không và thi thoảng cũng có người ngủ nên bọn em mang hết đồ đạc về đây ở tạm." - Chiến kể.
Những ngày đầu mấy thanh niên vẫn còn tiền nên còn được ăn uống đầy đủ, nhưng việc ngủ trên cống thì họ không thể nào quên được. Bề mặt cống rộng khoảng 2,5 m2, cả bốn người: Đông, Hùng, Huân, Chiến tự trải áo khoác và nằm chen chúc nhau trong đó để giữ ấm.
Càng về đêm trời Hà Nội càng lạnh, có đêm 4 đứa run lập cập nhưng không ai dám kêu gì chỉ nằm im ôm lấy nhau cho đỡ lạnh.
Theo Chiến kể, ban ngày cả nhóm vào công trường xin nước để tắm rửa, sau đó xin thêm được chiếc chăn mỏng về đắp. Mọi người ở đó thương nên giúp đỡ nhưng mấy hôm nay lạnh quá, ba ngày rồi chưa dám tắm.
|
Ở đến ngày thứ 7 thì Chiến bị trộm mất điện thoại, sang ngày thứ 10 thì cả nhóm hết sạch tiền ăn, phải ngủ cả ngày để quên đi cơn đói. Chiến dẫn em trai đi cắm nốt chiếc điện thoại là tài sản cuối cùng trong người để đổi lấy 500.000 đồng trang trải những ngày tiếp theo.
Trước khi lang bạt đến đấy, các em cũng từng làm đủ thứ việc khác nhau ở Hà Nội như: bảo vệ chung cư, khoan cắt bê tông, trông xe ở quán bar… Mỗi tháng thu nhập trung bình từ 5 - 6 triệu/tháng, ăn uống chủ nuôi.
"Tiền lương ở quán bia em gửi vài triệu về quê để cho em gái nộp tiền học, chỉ dám giữ lại một ít mua bộ quần áo. Em gái em ở nhà khổ lắm, tháng 30 ngày thì bị bố đánh đến 29 ngày, em thương nó nhưng không biết phải làm sao vì muốn để nó ở quê cho ăn học đàng hoàng chứ không như em và thằng Huân" - Chiến ngậm ngùi.
|
Chiến học hết lớp 9, là anh cả trong gia đình có ba anh em. Mẹ đi xuất khẩu lao động đã 6 năm, cả ba ở nhà với bố nhưng bố nghiện rượu liên tục đánh đuổi ra khỏi nhà. Chiến nói em đã không muốn về nhà từ rất lâu rồi, nhưng vì thương mẹ ở xa phải lo lắng nhiều nên thi thoảng Chiến vẫn về quê thăm các em.
Ngày Chiến nghỉ việc ở quán bia, Huân bị bố đánh không chịu nổi nên đã bắt xe ra Hà Nội cùng Chiến, trong người chỉ có duy nhất 200.000 đồng.
Giống như hai anh em Chiến, Đông và Hùng cũng… không muốn về nhà. Các em vẫn ở lại đây đến giờ này phần vì kiệt quệ kinh tế, phần vì cảm thấy nhà không còn là nơi để trở về, chỉ muốn bám trụ Thủ đô để tìm cách mưu sinh.
|
Hàng ngày, bốn người chia nhau đến các khu vực để tìm việc, sẵn sàng làm bất cứ công việc gì miễn họ cho các em chỗ ăn chỗ ở. Nhưng giữa mùa dịch hàng quán đìu hiu, không ai dám nhận thêm người. Một số chỗ yêu cầu tiêm vắc xin và giấy tờ tùy thân mà cả hai các em đều không có.
"Có lúc tuyệt vọng, em đã nghĩ mình sẽ chết ở đây" - Đông bảo vậy khi cả ngày nay chưa được ăn gì vào bụng.
Đến tối muộn ngày 26/11, theo lời kể của Chiến, có một chiếc xe ô tô đến gặp và nói sẽ tạo công ăn việc làm cho cả bốn em. Công việc làm tại một cửa hàng bán phụ kiện điện thoại ở Vĩnh Phúc. Thời gian đầu, họ sẽ hỗ trợ ăn ở cho đến khi các em có thể tự lo được.
Họ nói sẽ tới đón bốn người vào buổi sáng, Đông, Hùng, Huân, Chiến đã chuẩn bị xong hết đồ đạc tư trang, các em đều không muốn bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào.
*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.
Theo Dân Trí
Lao động nghèo mùa dịch trưa ăn cơm từ thiện, chiều cháo loãng qua ngày
Dịch bệnh căng thẳng, TP.HCM giãn cách xã hội, nhiều người lao động nghèo vốn đã khó khăn nay càng lao đao hơn. Không ít người phải xin cơm từ thiện, ăn mỳ tôm, cháo loãng để cầm cự.