Theo đó, lực lượng chức năng đặt dải phân cách cứng để cấm các phương tiện đi thẳng, rẽ trái dưới gầm cầu vượt Ngã Tư Sở theo hướng Nguyễn Trãi đi Tây Sơn, đường Láng.
Các phương tiện rẽ phải ở đường Trường Chinh sau đó quay đầu ở điểm mở cách Ngã Tư Sở 700m và rẽ phải đi Tây Sơn hoặc đi thẳng để sang đường Láng.
Sau khi phân luồng lại, tình trạng ùn tắc theo hướng Trường Chinh đi Láng đã giảm bớt. Tuy nhiên, tại chiều ngược lại thì gia tăng ùn tắc khi các lối mở quay đầu phải nhận thêm áp lực giao thông.
Thêm vào đó, nhiều người điều khiển xe máy đã bất chấp đi ngược chiều để tránh ùn tắc, giảm quãng đường di chuyển khiến giao thông hỗn loạn.
Theo Tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, việc phân luồng lại nút Ngã Tư Sở chỉ là giải pháp tình thế. Bởi lẽ lượng phương tiện ngày càng tăng, xu hướng chuyển đổi từ xe máy sang ô tô ngày càng nhanh, trong khi đó đường không được mở thêm.
“Trong thời gian ngắn từ 6 tháng đến 1 năm, giải pháp này có tác dụng phần nào làm giảm xung đột giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở nhưng không thể giải quyết triệt để”, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình đánh giá.
Chuyên gia giao thông cũng lý giải việc giải quyết được ùn tắc tại nút giao này lại đẩy ùn tắc sang nút giao khác là do các con đường đã quá tải mà chưa được mở rộng, xây mới.
Tiến sĩ Phan Lê Bình đánh giá, việc phân luồng lại nút giao Ngã Tư Sở là động thái cố gắng giải quyết ùn tắc tối đa của Sở GTVT Hà Nội. Người tham gia giao thông cũng cần phải tuân thủ theo phân luồng, chỉ huy giao thông của lực lượng chức năng.
“Chính những hành vi đi ngược chiều không tuân thủ phân luồng của lực lượng chức năng khiến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng hơn”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Tiến sĩ Phan Lê Bình cũng đưa ra khuyến cáo, trước khi thực hiện thí điểm phân luồng, tổ chức lại giao thông, các cơ quan chức năng cần mô phỏng trước bằng phần mềm để tránh gây xáo trộn cho người dân.
“Thực tế phần mềm mô phỏng giao thông đã được các đơn vị tư vấn, trường Đại học sử dụng nhuần nhuyễn. Trước khi tiến hành phần luồng, tổ chức lại giao thông ở thực tế, các cơ quan chức năng nên thuê các đơn vị tư vấn mô phỏng trước bằng phần mềm để đánh giá hiệu quả của việc tổ chức lại giao thông. Nếu thay đổi 10 -20% thì mới nên tiến hành, tránh gây xáo trộn cho người dân”, chuyên gia Phan Lê Bình khuyến cáo.
Đình Hiếu