Phán quyết mới của Tòa án Tối cao Mỹ có liên quan đến khiếu nại của cựu Tổng thống Trump về những rắc rối pháp lý ông phải đối mặt.
Tháng 8/2023, các công tố viên liên bang đã buộc tội ông Trump phạm phải 4 trọng tội liên quan đến nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020. Bản cáo trạng cáo buộc cựu tổng thống đã tìm cách lan truyền những điều sai sự thật về việc xảy ra gian lận tràn lan trong quá trình bỏ phiếu và khi những nỗ lực sử dụng hệ thống pháp luật để lật ngược kết quả bầu cử không thành công, ông đã cố gắng cản trở việc chứng nhận kết quả đó vào ngày 6/1/2021.
Ngay từ đầu, ông Trump đã cố gắng khắc họa việc truy tố là không công bằng và mang động cơ chính trị. Ông cũng nỗ lực trì hoãn phiên tòa cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.
Ngoài ra, ông Trump còn tìm mọi cách chống lại các cơ sở của việc truy tố, lập luận rằng các tổng thống được miễn trách nhiệm hình sự đối với các hành động công vụ trong lúc đương chức. Sau khi 2 tòa án cấp dưới bác bỏ quan điểm trên, chính khách Cộng hòa này đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao.
Hôm 1/7 vừa qua, với tỉ lệ 6 phiếu thuận và 3 phiếu chống, các thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ đã ra kết luận rằng, ông Trump được hưởng quyền miễn trừ truy tố với các hành động công vụ trong nhiệm kỳ tổng thống, nhưng không được hưởng đặc quyền này với các hành động mang tư cách cá nhân.
Phạm vị ảnh hưởng của phán quyết
Trong văn bản nêu quan điểm dài 43 trang, do Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts soạn thảo, tòa phán quyết rằng các tổng thống được hưởng “quyền miễn trừ truy tố tuyệt đối” với các hành động nằm trong phạm vi “quyền lực được Hiến pháp quy định” lúc đương chức. Phán quyết đã trích dẫn một số ví dụ truy tố cấp liên bang thuộc danh mục đó.
Theo báo Guardian, phán quyết trên đồng nghĩa các cáo buộc liên quan đến những tương tác giữa ông Trump với các quan chức trong Bộ Tư pháp Mỹ nhằm theo đuổi các cuộc điều tra về cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sẽ không bị đưa ra xét xử nữa. Tương tự, việc ông Trump đe dọa sa thải quyền Bộ trưởng Tư pháp Jeffrey Rosen nếu quan chức này không tuân thủ kế hoạch sau bầu cử của tổng thống sắp mãn nhiệm lúc đó sẽ không được tòa chấp nhận là bằng chứng cho hành vi sai trái.
Phán quyết nêu rõ, động thái của ông Trump phản ánh các quyền “mang tính quyết định và loại trừ” của tổng thống và ông "hoàn toàn được miễn truy tố vì hành vi bị cáo buộc liên quan đến các cuộc thảo luận giữa ông với các quan chức Bộ Tư pháp".
Các giới hạn với quyền miễn tố tổng thống
Phán quyết mới của Tòa án Tối cao Mỹ nhấn mạnh, mặc dù tổng thống được “miễn trừ truy tố tuyệt đối” khi thực thi “các quyền cốt lõi theo hiến pháp”, nhưng đặc quyền này chỉ được áp dụng với các hành động công vụ trong thời gian nắm quyền và không áp dụng với những việc làm với tư cách cá nhân.
Về cơ bản, các công tố viên thậm chí không thể nộp các tài liệu liên quan đến những hành động thuộc phạm vi “các quyền cốt lõi của tổng thống theo quy định của hiến pháp” để làm bằng chứng trước tòa. Vậy, những hành vi nào nằm ngoài “các quyền cốt lõi của tổng thống theo quy định của hiến pháp”? Câu trả lời hiện vẫn chưa rõ ràng.
Chánh án Roberts đã viết trong phán quyết rằng, một số dạng hành vi nhất định, như tương tác giữa tổng thống với các quan chức thuộc Bộ Tư pháp, nằm trong phạm vi “các quyền cốt lõi” của lãnh đạo Nhà Trắng. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao đã từ chối xác định liệu các hành động khác, như nỗ lực của ông Trump nhằm thuyết phục các quan chức tiểu bang đảo ngược kết quả bầu cử hay việc ông dính líu đến âm mưu đệ trình danh sách đại cử tri giả từ các bang chiến địa, có bị truy tố hay không.
Thẩm phán theo đường lối bảo thủ Amy Coney Barrett đã hé lộ cách bà sẽ giải thích câu hỏi đó, với lập luận rằng tổng thống “không có thẩm quyền đối với các cơ quan lập pháp cấp tiểu bang hoặc các lãnh đạo của những cơ quan này”.
Phán quyết mới cũng để ngỏ câu hỏi liệu ông Trump có thể bị truy tố vì nỗ lực gây sức ép buộc cựu Phó Tổng thống Mike Pence ngừng chứng thực kết quả bầu cử năm 2020 hay không. Về vấn đề này, Tòa án Tối cao đã kêu gọi tòa án quận ở Washington xem xét câu hỏi “với ý kiến đóng góp phù hợp từ các bên”.
Thẩm phán Tanya Chutkan, người giám sát vụ án, sẽ có quyền diễn giải các bằng chứng và ông Trump có thể kháng cáo lên Tòa án Tối cao. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, luật sư Will Scharf đại diện cho ông Trump quả quyết, vai trò của cựu tổng thống trong việc tập hợp các nhóm cử tri sẽ được coi là “hành động công vụ”, hướng tập trung biện hộ trong tương lai cho ông.
Tác động đối với các vụ án hình sự chống ông Trump
Giới quan sát nhận định, với phán quyết ngày 1/7, Tòa án Tối cao đã mang tới cho ông Trump tấm khiên chắn mạnh mẽ về trách nhiệm giải trình cũng như đảm bảo cho ông sự bảo vệ pháp lý rộng rãi với cương vị lãnh đạo Nhà Trắng nếu ông chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới đây.
Trước mắt, phán quyết cũng khiến các tòa án cấp dưới phải trì hoãn phiên tòa xét xử các cáo buộc chống ông Trump để xem xét lại căn cứ truy tố. Đây chính là một trong mục tiêu lâu nay của cựu tổng thống.
Thẩm phán Juan Merchan ở New York hôm 2/7 đã quyết định hoãn việc tuyên án ông Trump sau khi bồi thẩm đoàn tại bang này kết tội cựu tổng thống làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền che giấu mối quan hệ với ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels trước thềm bầu cử năm 2016. Theo kế hoạch ban đầu, tòa sẽ tuyên án vào ngày 11/7, nhưng thẩm phán Merchan đã quyết định dời thời điểm tuyên án đến ngày 18/9 sau khi nhóm pháp lý của ông Trump yêu cầu hoãn phiên tòa do phán quyết mới của Tòa án Tối cao.
Trong khi đó, vụ án cấp liên bang ở Washington liên quan các cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả tổng tuyển cử 2020 cũng bị hoãn xét xử cho đến khi thẩm phán Chutkan đánh giá lại các bằng chứng và xác định khía cạnh nào của việc truy tố ông Trump thuộc phạm vi công vụ hay việc làm cá nhân. Điều này có thể sẽ trì hoãn mọi phán quyết cho đến sau ngày tổng tuyển cử 5/11.