TS. Nguyễn Thị Thu Đạt, Giám đốc Phân viện Puskin (trực thuộc Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chia sẻ về hành trình 40 năm của Phân viện.
40 NĂM LAN TOẢ TÌNH YÊU NGÔN NGỮ VÀ ĐẤT NƯỚC NGA
Phân viện Puskin là cơ quan giảng dạy và quảng bá tiếng Nga ở Việt Nam. Tuy nhiên vẫn chưa nhiều người hiểu rõ về các hoạt động của phân viện, bà có thể giới thiệu đôi nét về Phân viện Puskin?
Phân viện Puskin tiền thân là Phân viện tiếng Nga A.X.Puskin Hà Nội, được thành lập vào năm 1983. Chúng tôi mới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập vào tháng 11/2023.
Khi Liên bang Xô Viết còn tồn tại, phân viện hoạt động như một đơn vị hỗn hợp Việt-Xô, làm nhiệm vụ “tuyên truyền, quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Nga; bồi dưỡng, nâng cao trình độ, cấp chứng chỉ cho giáo viên tiếng Nga của Việt Nam...”.
Sau này, Phân viện Puskin chỉ còn lại cán bộ người Việt Nam, hoạt động độc lập. Hiện nay, phân viện là đơn vị trực thuộc Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT Việt Nam.
Suốt 40 năm, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Phân viện Puskin cùng với các nhà Nga ngữ học Việt Nam, giáo viên, giảng viên tiếng Nga vẫn chung thủy với tình yêu tiếng Nga, với việc truyền lại cho thế hệ nối tiếp, nỗ lực duy trì việc dạy, khuyến khích việc học, lan tỏa tình yêu với ngôn ngữ và đất nước Nga.
Hiện nay, Phân viện Puskin là phân viện duy nhất (trong số 10 phân viện trên thế giới) còn hoạt động, và vẫn đang tích cực thực hiện sứ mạng cao cả “tuyên truyền, quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Nga, khuyến khích việc dạy và học tiếng Nga ở Việt Nam”.
Những năm gần đây, phân viện tích cực mở rộng hoạt động. Từ năm 2009 đến nay, Phân viện Puskin tổ chức các khóa bồi dưỡng tiếng Nga tiền dự bị, trang bị tiếng Nga tối thiểu, kiến thức về đất nước học, phong tục tập quán và kỹ năng sống làm “hành trang du học Nga” cho du học sinh được Nhà nước cử đi học tại Liên bang Nga.
Các cuộc thi, hoạt động tiếng Nga nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại, được tổ chức với quy mô lớn, thu hút nhiều học sinh, sinh viên, học viên học tiếng Nga tham dự: Thi viết, thi thuyết trình, đọc thơ, diễn kịch bằng tiếng Nga; festival văn hoá Việt-Nga.... Các hoạt động thường có hàng trăm, đến hơn một nghìn bạn trẻ tham dự.
Phân viện Puskin cũng là đơn vị duy nhất ở Việt Nam phối hợp với phía Nga tổ chức bồi dưỡng, thi và cấp chứng chỉ tiếng Nga quốc tế cho người Việt Nam, phục vụ mục đích khác nhau như đi học, đi lao động ở Nga, hoạt động trong lĩnh vực du lịch, các công ty liên doanh Việt-Nga.
Vậy cơ duyên nào đưa bà đến với ngôn ngữ Nga và gắn bó, cống hiến cùng với Phân viện Puskin?
Tôi làm quen với tiếng Nga từ lớp 5. Ngày đó, tiếng Nga rất thịnh hành, ai cũng thích học tiếng Nga. Tôi lựa chọn tiếng Nga như môn ngoại ngữ để theo học và gắn bó đến hết các năm học phổ thông, rồi tiếp tục theo đuổi đam mê tiếng Nga ở trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ.
Gia đình tôi có khoảng thời gian sinh sống và học tập ở Nga. Cả gia đình tôi gắn bó với tiếng Nga, được nhận nhiều tình cảm của các thầy cô, bạn bè người Nga. Sau khi học nghiên cứu sinh, tôi về nước, thi tuyển vào Phân viện Puskin với mong muốn làm công việc quảng bá ngôn ngữ, văn hóa Nga. Đến nay, tôi đã gắn bó với với phân viện được gần 20 năm.
Nhiều người Việt Nam lớn lên cùng với những cuốn sách văn học Nga như: Chiến tranh và Hòa bình, Thép đã tôi thế đấy, Sông Đông êm đềm... Gần gũi nhất với những thế hệ học trò là những tác phẩm trong chương trình phổ thông như: Ông lão đánh cá và con cá vàng, Những đứa trẻ, Người trong bao, Tôi yêu em…
Ngôn ngữ và văn hóa là một trong những cách gần gũi, dễ tiếp cận với đại chúng. Bà đánh giá như thế nào về vai trò của tiếng Nga trong tăng cường sự hiểu biết văn hóa và hợp tác giữa hai quốc gia?
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tiếng Nga được đưa vào giảng dạy ở trường đại học của Việt Nam. Trong nhiều năm sau đó, các tác phẩm văn học của Nga cũng được đưa vào dạy ở bậc phổ thông. Bởi vậy, tiếng Nga và văn học Nga gần gũi với nhiều thế hệ người Việt Nam là điều dễ hiểu.
Hiện nay, tiếng Nga không còn chiếm vị trí số 1 trong số các ngoại ngữ được người Việt Nam chọn học. Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Nga có tình đoàn kết hữu nghị lâu đời, bền vững, hợp tác trên mọi lĩnh vực không ngừng được củng cố, tăng cường. Mà ngôn ngữ chính là cầu nối, là phương tiện để thực hiện việc hợp tác toàn diện, kết nối hợp tác, đầu tư. Việt Nam đang cần nhiều phiên dịch tiếng Nga, chuyên gia, nhân lực trẻ thành thạo tiếng Nga.
Tiếng Nga hiện nay chỉ còn được dạy ở gần 40 cơ sở giáo dục trung học và đại học, các nhà trường, học viện quân đội. Nhưng trên thế giới, có lẽ chỉ duy nhất ở Việt Nam có 10 cơ sở giáo dục trung học dạy tiếng Nga như một môn học chuyên.
Dưới thời Xô-Viết, giới Nga ngữ học Việt Nam đã từng được công nhận là lực lượng hùng hậu vào bậc nhất thế giới và khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, các thầy cô, các bác tuổi đã cao, còn rất ít người có thể tiếp tục cống hiến. Số lượng lớp trẻ thực sự gắn bó với chuyên ngành tiếng Nga thì không nhiều. Những chuyên gia trẻ giỏi tiếng Nga, phiên dịch chuyên tiếng Nga còn rất thiếu.
Sau khi Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngoại ngữ 1 được ban hành năm 2021, chúng tôi mong muốn triển khai việc dạy tiếng Nga từ cấp tiểu học. Nhưng muốn các em lựa chọn học môn tiếng Nga thì trước hết phải cho các em yêu thích văn hoá Nga, muốn làm quen với đất nước và con người Nga. Và vai trò của việc giao lưu, quảng bá văn hóa, ngoại giao nhân dân rất quan trọng.
ĐỂ PHÂN VIỆN PUSKIN XỨNG TẦM KHU VỰC ĐÔNG NAM Á
Theo thỏa thuận hai nước, Phân viện Puskin sẽ trở thành một Trung tâm tiếng Nga ở Đông Nam Á. Bà kỳ vọng gì khi phân viện được định hướng thành một trung tâm có tầm khu vực?
Phân viện Puskin đã có một thời “hoàng kim", hỗ trợ rất hiệu quả về tài liệu và phương pháp dạy tiếng Nga cho các cơ sở giáo dục trên toàn quốc, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho tất cả giáo viên tiếng Nga của Việt Nam.
Suốt 30 năm vắng bóng chuyên gia Nga, thiếu sự hỗ trợ của phía Nga, Phân viện Puskin vẫn duy trì hoạt động và phát huy vai trò của mình. Đó không chỉ là nỗ lực của cán bộ phân viện, của giới Nga ngữ học Việt Nam mà còn thể hiện thiện chí của Đảng, Nhà nước, Bộ GD-ĐT Việt Nam đối với tình hữu nghị giữa hai nước, như Phó Thủ tướng Nga Chernyshenko đã công nhận trong lần đến thăm phân viện hồi tháng 4/2023.
Trong Biên bản Khóa họp liên Chính phủ lần thứ 24 vào tháng 4/2023, hai bên đã thỏa thuận ký kết Hiệp định liên chính phủ về việc thành lập một Trung tâm tiếng Nga mang tên A.X.Puskin trên cơ sở Phân viện Puskin. Đây là tín hiệu rất đáng mừng.
Chúng tôi rất hy vọng ở sự đầu tư thiết thực của Chính phủ Nga, sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ hai nước để nâng tầm hoạt động của Trung tâm mới, để có thể triển khai nhiều hoạt động nhằm giữ vững và phát triển vị thế của tiếng Nga ở Việt Nam, khuyến khích phát triển việc dạy-học tiếng Nga.
Từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Nga cử chuyên gia sang phân viện làm việc, hỗ trợ giảng dạy tiếng Nga, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ người dạy và người học, khá hiệu quả.
Sắp tới Tổng thống Nga Putin sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Dưới góc độ là một nhà quản lý của Phân viện Puskin, bà có mong muốn, kỳ vọng gì cho chuyến thăm?
Trước tiên, tôi muốn nói về chuyến thăm hồi năm 2023 của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko. Ngày 7/4/2023 trở thành ngày hội, sự kiện lịch sử trong 40 năm hình thành và phát triển của Phân viện Puskin. Bởi đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao của Nga đến thăm phân viện.
Rất đông giáo viên tiếng Nga, các nhà Nga ngữ đại diện cho các cơ sở giáo dục, cán bộ viên chức và học viên của phân viện đều tham dự cuộc gặp này.
Mặc dù là một lãnh đạo cao cấp nhưng ông rất thân thiện, gần gũi. Ông gặp gỡ với các học viên, thể hiện sự quan tâm chân thành với tất cả mọi người. Ông đã cảm ơn Nhà nước Việt Nam nhiều năm qua đã gìn giữ phân viện như “ngôi nhà chung” của tiếng Nga, nơi “giữ lửa” tiếng Nga ở Việt Nam.
Tới đây là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Putin. Cũng như nhiều người dân Việt Nam, tôi kỳ vọng chuyến thăm sẽ thành công tốt đẹp, thúc đẩy quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giao lưu, hợp tác văn hóa và ngôn ngữ.
Chúng tôi mong muốn thúc đẩy nhanh việc ký kết Hiệp định liên Chính phủ để có thể sớm ra đời một Trung tâm mới, có chuyên gia hai nước cùng làm việc. Ngoài ra là sự đầu tư về tài chính để phân viện hoạt động hiệu quả hơn trong tuyên truyền, quảng bá văn hóa, ngôn ngữ Nga.
Xin cảm ơn bà!