Ngày 9/11, UBND TP Hà Nội đã vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Dự án đánh dấu cột mốc quan hệ Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực giao thông đô thị bền vững.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet trả lời phỏng vấn nhân sự kiện đặc biệt này.
"Tuyến metro đoạn Nhổn - ga Hà Nội là một trong những dự án lớn, mang tính biểu trưng cho quan hệ hợp tác Việt Nam và Pháp, cũng như giữa Pháp với TP Hà Nội.
Pháp đã huy động nguồn lực rất lớn, với hơn 500 triệu euro. Các doanh nghiệp hàng đầu Pháp cũng huy động những công nghệ tốt nhất cho dự án", Đại sứ cho biết.
Trong chuyến thăm Pháp hồi tháng 10 của Tổng Bí thư Tô Lâm, hai nước đã trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện. Đại sứ Olivier Brochet nêu nội dung của Tuyên bố chung hai nước nhấn mạnh về phát triển bền vững, trong đó một trong những ưu tiên là phát triển giao thông bền vững.
"Việt Nam và Pháp đều quan tâm đến giao thông đường sắt, gồm cả đường sắt đô thị và đường sắt nối liền các tỉnh, thành. Việc vận hành thương mại tuyến metro đoạn Nhổn - ga Hà Nội là minh chứng về cam kết của Pháp đồng hành với Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng này", Đại sứ khẳng định.
Đây là tuyến metro thứ hai được đưa vào vận hành tại Hà Nội cũng là tuyến thứ hai ở Việt Nam. Dự án có quy mô lớn với nhiều đơn vị nhà thầu cùng các ban, bộ, ngành phối hợp với nhau, quá trình triển khai "chúng ta đã học được cách hợp tác hiệu quả".
Theo Đại sứ, đây là những bài học hết sức quý giá để triển khai các dự án trong tương lai, không chỉ metro mà còn là giao thông vận tải đô thị, đường sắt tốc độ cao...
Đại sứ cho biết: "Phía Pháp đặc biệt quan tâm, theo dõi rất sát sao dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mà Quốc hội Việt Nam đang xem xét.
Chúng tôi vẫn đang chờ xem Quốc hội Việt Nam quyết định cụ thể ra sao, trên cơ sở đó chúng tôi sẽ xem xét có thể đáp ứng theo cách tốt nhất như thế nào".
Đại sứ khẳng định, trong xây dựng đường sắt cao tốc, Pháp là nước có bề dày kinh nghiệm. Nền công nghiệp đường sắt của Pháp là cả một lịch sử lâu đời, bắt đầu từ giữa thế kỷ 19.
Kể từ khi khánh thành hệ thống tàu điện ngầm Paris vào năm 1900 và cho đến khi khai trương các tuyến tàu cao tốc (TGV - Train à Grande Vitesse) đầu tiên ở châu Âu cách đây hơn 40 năm, Pháp chưa bao giờ ngừng thúc đẩy các giới hạn kỹ thuật trong lĩnh vực này.
Không chỉ nối các thành phố lớn của Pháp mà còn kết nối với hệ thống đường sắt cao tốc của châu Âu.
Đại sứ cho biết, trong hơn 40 năm triển khai không có một tai nạn nào xảy ra khi di chuyển ở tốc độ cao. Tất nhiên cũng có một vài sự cố nho nhỏ nhưng liên quan đến kỹ thuật và không gây hậu quả nghiêm trọng.
"Có thể nói giao thông đường sắt cao tốc, với mô hình của Pháp là một mô hình giao thông hết sức đáng tin cậy", Đại sứ nhấn mạnh.
Pháp đang tiếp tục phát triển các dự án quy mô thế giới, chẳng hạn như đại dự án metro mở rộng Grand Paris Express và 200km tuyến đường mới để phục vụ rộng khắp toàn bộ khu vực Paris. Pháp cũng xuất khẩu công nghệ ra khắp thế giới, mới đây là tuyến tàu cao tốc tại Maroc.
"Việc triển khai hệ thống đường sắt cao tốc rất phức tạp, đòi hỏi có kinh nghiệm trong quản lý và điều hành. Chúng tôi mong muốn chia sẻ với Việt Nam các kinh nghiệm và công nghệ đó", Đại sứ Pháp nói.
Về hỗ trợ chi phí, Đại sứ Brochet cho biết, ở giai đoạn này rất khó để trả lời, bởi phải xem Quốc hội và Chính phủ Việt Nam quyết định phương án tài trợ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là gì.
"Theo những thông tin mà chúng tôi được chia sẻ thì Việt Nam mong muốn phần lớn nguồn vốn cho dự án này đến từ nội địa, cụ thể là vốn nhà nước. Bên cạnh đó có thể huy động thêm một số nguồn vốn từ tư nhân cũng như là các phương thức hợp tác quốc tế.
Nếu phía Việt Nam quyết định một phần nào đó trong dự án sẽ triển khai theo hình thức đối tác công - tư, tôi nghĩ rằng đây sẽ là một vấn đề Pháp có thể đặc biệt quan tâm", ông Brochet chia sẻ.