Phát biểu trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Vilnius của Lithuania vào hôm nay (11/7), Tổng thống Macron cho biết ông đã “đưa ra quyết định tăng cường cung cấp vũ khí, và thiết bị cho Ukraine để họ đẩy mạnh phản công”.
Ông Macron nói thêm, Paris sẽ tiếp tục thi hành chính sách hỗ trợ Ukraine để “bảo vệ lãnh thổ quốc gia”.
Theo hãng tin RT, hồi tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Catherine Colonna cho hay Paris đang có kế hoạch tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, và tập trung vào các hệ thống pháo binh, phòng không.
Vào tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thông báo nước này sẽ cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình Storm Shadow phóng từ máy bay, có tầm bắn hơn 250km.
Anh trở thành quốc gia đầu tiên hỗ trợ tên lửa tầm xa cho Ukraine. Trong khi đó, Mỹ và Đức lo ngại hoạt động chuyển giao này có thể khiến xung đột Ukraine càng leo thang căng thẳng.
Ukraine sẽ nhận “thông điệp tích cực” từ NATO
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết vào hôm nay (11/7), Ukraine sẽ nhận được “thông điệp tích cực” trên con đường trở thành thành viên của liên minh quân sự.
Sự chia rẽ giữa 31 thành viên NATO đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ chưa thể nhận được ngày giờ cụ thể kết nạp, hoặc lời mời trực tiếp tham gia liên minh quân sự.
Song theo ông Stoltenberg, Kiev sẽ nhận được nhiều hơn viện trợ quân sự và đảm bảo an ninh, nới lỏng các điều kiện chính thức để gia nhập, cùng hình thức hợp tác mới với liên minh được gọi là Hội đồng NATO - Ukraine.
"Tôi hy vọng các đồng minh sẽ gửi đi thông điệp rõ ràng, đoàn kết, và tích cực trên con đường trở thành thành viên của Ukraine", hãng tin Reuters dẫn lời ông Stoltenberg nói khi đến dự hội nghị thượng đỉnh NATO.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng cho biết cuộc họp sẽ gửi đi "tín hiệu tích cực" về nỗ lực trở thành thành viên của Kiev. Các nhà ngoại giao tỏ ra lạc quan, do quá trình đàm phán đang tiến gần đến thỏa thuận cuối cùng.
Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở thủ đô Vilnius của Lithuania sẽ là lần đầu tiên NATO thông qua một kế hoạch toàn diện kể từ sau Chiến tranh Lạnh nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng từ phía Nga.