luc-luong-phan-ung-nato-1.jpg
Lực lượng NATO. Ảnh: CNN

Theo Politico, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne đã tới Lithuania vào ngày 8/3 để gặp những người đồng cấp vùng Baltic và Ukraine nhằm củng cố ý tưởng quân đội nước ngoài có thể giúp đỡ Ukraine trong các lĩnh vực như rà phá bom mìn.

Phát biểu tại cuộc họp do Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis chủ trì và có sự tham dự của người đồng cấp Ukraine, Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng Pháp nói: "Nga không phải nói cho chúng tôi biết chúng tôi nên giúp cho Ukraine trong những tháng hoặc năm tới như thế nào. Nga không có quyền tổ chức cách chúng tôi hành động hoặc đặt ra ranh giới đỏ. Chúng tôi tự mình quyết định". Quan chức này nói thêm, Ukraine không yêu cầu gửi quân mà muốn đạn dược. Và rằng, Pháp không loại trừ bất cứ điều gì trong những tháng tới. 

Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu khả năng binh sĩ phương Tây được triển khai tới Ukraine. Tuy nhiên, ngay sau đó, hầu hết các nước châu Âu gồm cả Đức, Cộng hòa Czech và Ba Lan tuyên bố họ không có kế hoạch như vậy. Tuy nhiên, 3 nước Baltic lại cởi mở với ý tưởng này. 

Theo Anadolu, ngày 9/3, Nga đã đề nghị Hội đồng Bảo an (HĐBA) nhóm họp để thảo luận về ý tưởng của Tổng thống Pháp. 

Phát biểu tại cuộc họp của HĐBA tại New York, Phó đại diện thường trực của Nga tại HĐBA Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky nói, Moscow muốn biết nhiều hơn về về những ý tưởng “đầy rẫy sự khởi đầu cho Thế chiến 3”.

Theo ông Polyansky, việc thảo luận về những cuộc trao đổi bị rò rỉ giữa các sĩ quan Không quân Đức về việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine, cũng như các phương tiện truyền thông đưa tin Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã triển khai mạng lưới các căn cứ gián điệp ở Ukraine, gần với biên giới Nga, cũng quan trọng không kém.

Quan chức Nga nói: "Sẽ rất thú vị khi nghe một bình luận liên quan tới cuộc trao đổi bị rò rỉ của các quan chức quân sự Đức, những người nói về cách giúp Ukraine phá hủy cầu Kerch ở Crưm và tấn công sâu vào lãnh thổ Nga".