Ông Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Trung ương Đảng, tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang nhiệm kỳ 2020-2025.
Kính thưa:
- Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính Phủ nước CHXHCN Việt Nam;
- Các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương;
- Các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành bạn;
- Đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ quan thông tấn báo chí;
- Thưa quý đại biểu và các đồng chí.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, tôi xin gửi đến Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành bạn; đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư; các cơ quan thông tấn báo chí, quí đại biểu, các đồng chí lời chúc mừng tốt đẹp và lời chào trân trọng nhất.
Kính thưa các đồng chí và quý đại biểu,
Tiền Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã tham gia hợp tác, liên kết với 2 tiểu vùng Đồng Tháp Mười và tiểu vùng Duyên hải Phía Đông đồng bằng Sông Cửu Long. Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trải dài trên bờ Bắc sông Tiền hơn 120 km; cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70 km và cách Thành phố Cần Thơ khoảng 100 km, là khoảng cách có nhiều thuận lợi để kết nối giữa vùng nguyên liệu, vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
Mặt khác, trên địa bàn tỉnh còn có các trục giao thông quan trọng như quốc lộ 1A, quốc lộ 50, quốc lộ 60, quốc lộ 30, đặc biệt là đường cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Trung Lương - Mỹ Thuận và trong tương lai có tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, cùng với hệ thống các sông Tiền, sông Vàm Cỏ Tây, sông Soài Rạp, kênh Chợ Gạo đã tạo cho Tiền Giang có vị thế là cửa ngõ của các tỉnh miền Tây về thành phố Hồ Chí Minh, đây là lợi thế rất lớn trong việc thu hút đầu tư của tỉnh.
Với điều kiện tự nhiên phong phú, đa đạng của các vùng sinh thái khác nhau và với ưu thế về hệ thống sông rạch, cù lao trên sông, có bờ biển dài 32 km, các di tích văn hoá - lịch sử, các làng nghề truyền thống, khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười... đây cũng là lợi thế cho việc phát triển du lịch sinh thái và các loại hình du lịch khác của Tiền Giang, là điều kiện thuận lợi để kết nối về phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong những năm qua, mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị; của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Tiền Giang đã từng bước phát huy, khai thác được tiềm năng, lợi thế, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả tích cực; tốc độ tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu về xuất khẩu, thu hút khách du lịch quốc tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển doanh nghiệp, thu ngân sách và xây dựng nông thôn mới đều tăng qua từng năm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, nâng cấp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, nâng lên rõ rệt.
Kính thưa các đồng chí và quý đại biểu,
Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn của các ban, bộ, ngành Trung ương; sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong khu vực; ý kiến góp ý tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1762, ngày 31/12/2023.
Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; là cơ sở để lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; là nền tảng để tận dụng và khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đảm bảo cơ sở pháp lý, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong tương lai.
Nhiệm vụ đặt ra là đến năm 2030, Tiền Giang sẽ cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; là tỉnh có vị trí thuận lợi “trên bến dưới thuyền”, có vai trò kết nối quan trọng giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Quy hoạch tỉnh Tiền Giang đã xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển gồm: “Hai tâm (đó là, trung tâm kinh tế biển Gò Công Đông - Tân Phú Đông và vùng sinh thái công nghiệp Tân Phước), Một dải (đó là, dải ven sông Tiền quy hoạch mới thành trục đô thị ven sông, chủ yếu phát triển du lịch), Bốn hành lang kinh tế (đó là, hành lang kinh tế theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hành lang kinh tế dọc theo tuyến Quốc lộ 1, hành lang kinh tế theo tuyến đường bộ ven biển và tuyến Quốc lộ 50 và hành lang kinh tế dọc theo sông Tiền kết nối đô thị - công nghiệp với vùng đồng bằng sông Cửu Long) và Ba đột phá chiến lược (đó là, tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại 3 vùng, hành lang kinh tế trọng điểm; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và phát triển nguồn nhân lực cao, thu hút, trọng dung và đãi ngộ nhân tài)”.
Với mục tiêu huy động tối đa nguồn lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là thu hút đầu tư vào các công trình hạ tầng kinh tế - kỹ thuật; xây dựng môi trường đầu tư thực sự năng động, nâng cao mức độ hài lòng của nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh, Tiền Giang tập trung thu hút đầu tư theo hướng khai thác các thế mạnh như:
- Trong nông nghiệp, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm hệ thống các doanh nghiệp, các khu nông nghiệp, các vùng sản xuất; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tương ứng với sản phẩm chủ lực về nông nghiệp và thủy sản.
- Trong công nghiệp, ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác vị trí, tài nguyên vốn có, tiềm năng lao động của vùng, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.
- Trong thương mại và dịch vụ, thu hút đầu tư phát triển du lịch dựa trên thế mạnh về tài nguyên đất đai, khí hậu, tài nguyên nhân văn và hình thành các trung tâm, cụm, tuyến du lịch theo hành lang kinh tế quốc tế, quốc gia nối kết với các trung tâm du lịch trong vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tiểu vùng sông Mêkông; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển khu giải trí cao cấp, trung tâm mua sắm quy mô lớn, hệ thống các chợ đầu mối về nông - thuỷ sản.
Kính thưa các đồng chí và quý đại biểu,
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hôm nay, Tiền Giang thực hiện công bố, toàn bộ nội dung Quy hoạch đã được phê duyệt đến các cấp, các ngành, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp để biết và triển khai thực hiện.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà xin trân trọng cảm ơn Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành bạn, các chuyên gia, nhà khoa học đã luôn quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn nữa trong thời gian tới; trân trọng cảm ơn các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức thương mại của các nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các vị khách quý, các đồng chí cùng các cơ quan thông tấn báo chí đã về tham dự và đưa tin, góp phần vào sự thành công của Hội nghị.
Kính thưa các đồng chí và quý đại biểu,
Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn dài hạn của tỉnh.
Đây được xem là công cụ đặc biệt trong quá trình định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian địa giới hành chính và là tiền đề phát triển toàn diện, hài hòa, bền vững trong tương lai và đó cũng chính là hiện thực hóa khát vọng, tiềm năng phát triển của địa phương
Kính chúc đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí và quý đại biểu luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn.