Lời tòa soạn: Tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 với chủ đề Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 23/9/2022, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu về việc chuyển đổi số trong nền kinh tế hợp tác. VietNamNet xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

******

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,

Kính thưa các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng

Kính thưa các đồng chí lãnh đạoTrung ương và địa phương,

Thưa các đồng chí,

Chuyển đổi số (CĐS) thì chuyển đổi là danh từ, số là tính từ. Trọng tâm là chuyển đổi, là thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình vận hành. Còn công nghệ số là công cụ để thực hiện sự thay đổi. Có công nghệ mà không thay đổi cách làm thì cũng không có kết quả. Muốn thay đổi mà không có công nghệ, công cụ hỗ trợ thì cũng không thực hiện được. Bởi vậy, đầu tiên là phải muốn thay đổi, biết chỗ cần thay đổi, biết cái cần thay đổi, sau đó dùng công nghệ để thực hiện sự thay đổi này.

Về cách làm CĐS thì tổ chức nào mà qui mô lớn có thể đầu tư công nghệ, qui mô nhỏ thì thuê công nghệ dưới dạng dịch vụ; CĐS thì nếu làm nhanh thì thành công, làm chậm thì khó; làm toàn diện thì thành công, làm từng phần thì không; đặt mục tiêu cao thì được, mục tiêu thấp thì khó làm; một nền tảng số dùng chung thì được, mỗi hợp tác xã (HTX) một phần mềm, một phần cứng dùng riêng thì không; chọn vấn đề, bài toán khó nhất ra làm thì thành công, chọn bài toán trung bình ra làm thì khó thành công; tập trung suy nghĩ mình muốn gì, muốn thay đổi cái gì thì thành công, tập trung suy nghĩ vào việc làm thế nào thì không thành công.

Tôi xin phép phát biểu một số ý kiến sau. Trong phát biểu, khi nói đến hợp tác xã là tôi hàm ý cả kinh tế hợp tác.

Thứ nhất, về xây dựng một hệ thống quản trị hiện đại cho HTX.

Một khó khăn lớn của HTX là thiếu một hệ thống quản trị hiện đại. Để mỗi HTX có một hệ thống quản trị hiện đại là không khả thi. Không khả thi về tài chính, không khả thi về nhân lực để vận hành hệ thống này. Nếu không dùng hệ thống mà dùng người có chuyên môn thì còn khó khăn hơn nữa.

Nhưng chúng ta lại có thể xây dựng một nền tảng số dùng chung cho tất cả các HTX. Những tri thức quản trị hiện đại sẽ được lập trình vào nền tảng này. Các HTX chỉ cần đăng ký tài khoản là có thể sử dụng, mà không phải đầu tư, không phải vận hành hệ thống. 

Làm việc trên nền tảng số là HTX đã có ngay hệ tri thức quản trị: quản lý tài sản, quản lý tài chính, quản lý lao động. Hệ tri thức này không khác gì hệ tri thức quản trị một doanh nghiệp hiện đại. Ngoài ra, vì chạy chung trên một nền tảng nên việc tổng hợp, thống kê về HTX sẽ rất thuận lợi, nhanh, chính xác, thậm chí có thể phát hiện sớm các bất cập để cảnh báo cho HTX.

Gần 30.000 HTX dùng chung một nền tảng quản trị thì giá trên một HTX sẽ là rất rẻ. Mỗi HTX bỏ ra 100.000 đồng/tháng thì chúng ta đã có hàng trăm tỷ đồng để phát triển nền tảng số này. 

Bộ TTTT có thể hỗ trợ Liên minh HTX Việt Nam để phát triển nền tảng quản trị số. Có thể tiếp cận theo 2 hướng. Thứ nhất, Liên minh HTX đứng ra đầu tư, vận hành và cung cấp dịch vụ cho các HTX. Thứ hai, đặt hàng một doanh nghiệp đầu tư, vận hành rồi trả tiền thuê dịch vụ theo tháng. 

Thứ hai, về xây dựng sàn thương mại điện tử cho HTX.

Một khó khăn khác là một HTX ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì rất khó tiếp cận thị trường toàn quốc, toàn cầu. Đầu ra bao giờ cũng là khó khăn lớn nhất của hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong nhiều trường hợp, bà con còn bị thương lái ép giá. Đã nghèo còn nghèo hơn.

Xây dựng một sàn thương mại điện tử chuyên cho các HTX là cần thiết. Thuận lợi hiện nay là chúng ta đã có 2 sàn nông sản Việt Nam đang hoạt động là PostMart của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Vỏ Sò của Tập đoàn Viettel. 

Trên 5 triệu người đã mua bán hàng trăm tỷ, hàng ngàn loại nông sản trên 2 sàn này. Chỉ cần phát triển, hoàn thiện thêm là 2 sàn sẽ sẵn sàng phục vụ được các HTX. 

2 doanh nghiệp đang vận hành 2 sàn này cũng chính là các doanh nghiệp chuyển phát, chậm nhất là 48h, hàng hoá sẽ được vận chuyển từ bất kỳ đâu đến bất kỳ đâu trong phạm vi Việt Nam.

2 sàn này cũng có thể mở rộng ra để cung cấp đầu vào cho các HTX, như con giống, phân bón và những vật tư khác. 

Mua bán trên sàn thương mại điện tử thì cũng sẽ kiểm soát được xuất xứ và kiểm soát được chất lượng, giá cả. 

Mua bán trên sàn thương mại điện tử còn giúp bà con, HTX xây dựng được thương hiệu của mình, bảo vệ được thương hiệu của mình. Chỉ có thương hiệu thì giá nông sản mới cao lên được. Nếu không có thương hiệu thì năng suất càng cao giá càng thấp.

Bộ TTTT cũng sẵn sàng hỗ trợ Liên minh HTX để làm việc này.

Thứ ba, về xây dựng hệ tri thức để hỗ trợ các HTX.

Bà con thường là thiếu nhiều thông tin. Một hệ tri thức tập trung để cung cấp cho hàng triệu bà con là rất giá trị. Bà con có thể hỏi đáp với hệ tri thức này về mọi thứ liên quan đến trồng trọt, canh tác, sâu bệnh. Thí dụ, bà con có thể dùng điện thoại di động chụp ảnh một khóm lúa bị sâu bệnh và gửi lên hệ tri thức để tham vấn, hệ tri thức sẽ trả lời về loại sâu bệnh và cách xử lý. Rồi thông tin cho bà con các loại con giống mới, phân bón mới, cách trồng các loại cây mới. Rồi thông tin cho bà con về dự báo thời tiết.

Hệ tri thức này cũng có thể thực hiện việc đào tạo trực tuyến từ xa cho bà con, tập huấn từ xa cho bà con. Đây là các khoá đào tạo tự động, tự học, tự thi, tự đánh giá. Có thể là con cái học rồi nói lại cho bố mẹ, ông bà. Mỗi người, mỗi hộ gia đình chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là sẽ tiếp cận được. Hệ tri thức này cũng có thể cung cấp bằng tiếng dân tộc. 

Xây dựng nền tảng số cho hệ tri thức này là không khó, Bộ TT&TT có thể hỗ trợ làm nhanh. Việc nạp tri thức vào hệ thống thì sẽ do Liên minh HTX làm. Và việc này là một quá trình liên tục để hệ tri thức ngày càng thông minh hơn.

Thứ tư, về thông tin thị trường.

Bà con thì vẫn cứ được mùa mất giá. Thừa thì không biết bán ở đâu, bán với giá bao nhiêu.

Bà con thì không có thông tin về thị trường, về giá cả thị trường trên toàn quốc. Cũng không biết cung cầu là bao nhiêu. 

Liên minh HTX mà xây dựng cơ sở dữ liệu và cung cấp cho bà con về thông tin thị trường, có phân tích, đánh giá, dự đoán cung cầu cho từng loại nông sản thì sẽ giúp được rất nhiều cho bà con. Mà việc này thì cũng không khó để làm. Đầu tiên là một nền tảng số, sau đó là cập nhật thông tin. Bà con dùng các thiết bị thông minh để truy cập.

CĐS thường mang lại giá trị cao, hiệu quả cao và ngay tức thời cho những nơi khó khăn, những lĩnh vực khó khăn, những người khó khăn. Bởi vậy mà kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nông thôn, ở các vùng sâu và xa sẽ có hiệu quả ngay nếu CĐS.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng