Thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xây dựng sáng nay, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho hay, một thực trạng đáng quan ngại mà báo cáo thẩm tra dự luật chưa đề cập, đó là sự tồn tại thách thức dư luận và thể chế của các công trình như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm.

{keywords}
ĐB Phạm Trọng Nhân. Ảnh: Minh Đạt

Theo ông, một trong những nguyên tắc cơ bản đầu tiên của luật hiện hành cũng như dự luật này là đảm bảo đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch thiết kế.

Tuy nhiên, với 1.390 quy hoạch bị điều chỉnh từ 1-6 lần, quy hoạch được điều chỉnh tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn… thì luật Xây dựng, các nguyên tắc cơ bản trong luật Thủ đô, luật Quy hoạch và luật Quy hoạch đô thị được dày công nghiên cứu để chế định đã bị xem thường thế nào?

Ông cũng cho rằng, cơ sở lý luận nào để giải thích cho việc tăng hơn 16.000 tỷ đồng của dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 và đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đặt trong tương quan với sự bành trướng của cái gọi là “một vành đai, một con đường” thì liệu nó có vi phạm nguyên tắc minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo về an ninh, quốc phòng hay không?

“Những nguyên tắc, quy định liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt, cấp phép, thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng vướng mắc chỗ nào để sinh ra 8B Lê Trực, HH Linh Đàm, các tuyến đường sắt hay hàng ngàn chung cư sai phạm?

Mới đây nhất, vụ xe container kéo sập cầu đường bộ hành ở TP.HCM mới vỡ lẽ dự án này không có hồ sơ thiết kế.

Như vậy, khi thẩm định dự án thì cán bộ, công chức có trách nhiệm đã thẩm định thế nào và thẩm định cái gì khi không có hồ sơ?”, ông Nhân nêu ý kiến.

Ông nhận định, rõ ràng thể chế không sai nhưng khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng. Nhưng điều đáng nói là các điều khoản trách nhiệm của luật lại không biết gắn cho ai trong những sai phạm không hiệu quả được diễn ra.

“Việc phạt cho tồn tại, quy hoạch phải chạy theo dự án trong xây dựng được chế định ở điều khoản nào hay nó chỉ đơn thuần chỉ ra rằng kỷ cương, phép nước chưa nghiêm.

Nếu giải pháp tích hợp trong luật Quy hoạch được thực thi thì liệu 8B Lê Trực, HH Linh Đàm có cơ hội được tồn tại hay không? Cần có câu trả lời và chỉ định trong luật này”, ĐB nêu rõ.

Ông Nhân nhấn mạnh, nếu còn có sự thỏa hiệp, phạt cho tồn tại và quy hoạch còn phải chạy theo dự án vì một lý do nào đó thì 8B Lê Trực, HH Linh Đàm có lẽ sẽ còn tiếp tục chất vấn ở nhiều kỳ QH.

Sẽ không còn phạt cho tồn tại

Nói về việc cắt ngọn công trình xây dựng, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) ủng hộ sự nghiêm khắc để xử lý các sai phạm trong xây dựng.

Theo ông, xử lý sai phạm xây dựng mà cắt ngọn công trình là không nên, trong đó có lý do rất cơ bản là làm hỏng kết cấu của công trình, rất nguy hiểm nếu tiếp tục cho sử dụng phần còn lại sau khi cắt ngọn.

{keywords}
ĐB Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Minh Đạt

“Thực ra đây cũng là một dạng phạt cho tồn tại rất dễ sinh ra tiêu cực. Đề nghị sửa luật thế nào đó để ngăn chặn sớm, triệt để và nghiêm khắc hơn việc xây dựng sai.

Công tác kiểm tra xây dựng thế nào để nếu sai thì biết liền và xử lý ngay, đừng để muộn mới ra lệnh cắt ngọn”, ông Trí nói.

Ông hy vọng từ nay trở đi sẽ không có biện pháp cắt ngọn vì có công trình xây dựng sai trái nữa.

ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) kiến nghị xử lý, khắc phục cơ bản việc buông lỏng kỷ cương trật tự xây dựng, đoạn tuyệt với việc phạt cho tồn tại.

Ông nêu hàng loạt những hậu quả như dự án chậm tiến độ; những công trình đắt nhất, công trình thất thoát, lãng phí kép; việc đấu thầu hình thức nhiều dấu hiệu sân sau bảo kê trúng thầu và bán thầu.

“Nhiều cử tri cho rằng lĩnh vực đầu tư xây dựng, sử dụng vốn nhà nước là anh em song sinh với tham nhũng trên lĩnh vực đất đai, xây dựng nhưng nhiều công trình sai phạm vẫn trơ trơ tồn tại.

Tuy nhiên, một số hậu quả trên không ai chịu trách nhiệm hoặc chịu trách nhiệm chung chung đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp”, ông Vượt nói.

{keywords}
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh: Minh Đạt

Giải trình làm rõ, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho hay, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Theo đó, từ ngày 1/1/2018 không còn việc phạt cho tồn tại tất cả các công trình vi phạm quy hoạch, giấy phép xây dựng đều bị cưỡng chế tháo dỡ phần vi phạm.

Theo ông, chúng ta phải thực hiện tất cả các khâu thật sự chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện thì mới đảm bảo được việc này.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Đề xuất không đỗ xe hầm chung cư, tôi bị 'ném đá'

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Đề xuất không đỗ xe hầm chung cư, tôi bị 'ném đá'

ĐB Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ, đề xuất không cho đỗ xe tại tầng hầm các chung cư đã khiến ông bị “ném đá”.

Hương Quỳnh - Thu Hằng